Nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính

|

TPHCM vừa công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021, trong đó ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ về thứ hạng của một số đơn vị, bên cạnh những đơn vị luôn là lá cờ đầu. Nỗ lực CCHC của các đơn vị đã được ghi nhận, nhưng song song đó là những khó khăn, trở ngại cần được nỗ lực cải thiện, để hướng đến phục vụ người đân, doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.
\r\n
\r\n\r\n

Quận 7 đang nỗ lực phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những người đi đầu

Theo kết quả công bố, Sở Tư pháp TPHCM dẫn đầu chỉ số CCHC ở khối sở, ngành. Còn ở khối quận, huyện thì quận Bình Tân có chỉ số CCHC cao nhất. Sở Tư pháp TPHCM thời gian qua ghi dấu nhiều cách làm, mô hình tiên phong, hiệu quả. Cụ thể là mô hình cung cấp văn bản pháp luật và tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân; mô hình liên thông các nhóm thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế; liên thông thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TPHCM; mô hình Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng đầu tiên và duy nhất đến nay của cả nước...

Dù là ngày thứ bảy nhưng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận Bình Tân vẫn nhộn nhịp. Có mặt từ sớm để nộp hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, ông Trương Cần (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) được cán bộ hướng dẫn và hẹn 3 ngày sau đến nhận kết quả. Ông Trương Cần chia sẻ, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại đây khá nhanh, một phần do cán bộ nhiệt tình, một phần ông đã vào ứng dụng “Bình Tân Công dân số” để chuẩn bị những hồ sơ cần thiết. Ông có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua ứng dụng, nhưng do gần nhà, lại được nghỉ cuối tuần nên ông ghé nộp hồ sơ.

Người dân làm  thủ tục tại Sở  Tư pháp TPHCM - đơn vị dẫn đầu về CCHC năm 2021. Ảnh: MAI HOA

Bà Phạm Thị Tuyết Nga, Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Tân, cho biết, năm 2021, số lượng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại UBND quận là hơn 21.100 hồ sơ, tại 10 phường là gần 125.000 hồ sơ, không có hồ sơ giải quyết trễ hạn. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận tiếp nhận hơn 42.500 hồ sơ đất đai, giải quyết hơn 94%, có 366 hồ sơ trễ hạn. Với lượng hồ sơ lớn như vậy, ngoài việc áp dụng các ứng dụng công nghệ, quận còn tổ chức làm việc cả sáng thứ bảy hàng tuần. Kết quả, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận có hơn 284.000 lượt đánh giá của người dân, trong đó tỷ lệ hài lòng chiếm 99,3%. Tại UBND 10 phường có gần 78.000 lượt đánh giá của người dân, trong đó tỷ lệ hài lòng chiếm hơn 99%.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM năm qua có sự vươn lên vượt bậc - lên vị trí thứ 3. Thời điểm mới thành lập, ban chỉ được xếp loại khá. Năm qua, ban tiếp nhận hơn 5.200 hồ sơ và giải quyết theo cơ chế một cửa đúng hạn 100%. Đặc thù của ban có một thủ tục phải làm việc ban đêm, là cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật từ cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, vận chuyển ra khỏi TPHCM. Năm 2021, ban cấp hơn 83.000 giấy này. Khảo sát gần 10.000 lượt, có gần 99% hài lòng. Ban rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm từ 10 ngày còn 8 ngày làm việc; chuẩn bị rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 20 ngày còn 15 ngày làm việc.

Vượt qua chướng ngại

Là những đơn vị dẫn đầu về CCHC, nhưng lãnh đạo các đơn vị khi nói về công tác CCHC của đơn vị lại đề cập rất nhiều đến những hạn chế, bất cập, những việc chưa làm được. Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Huỳnh Văn Hạnh trăn trở khi hiện nay người dân còn bị yêu cầu thực hiện quá nhiều thủ tục. Chẳng hạn, về cấp phiếu lý lịch tư pháp, chỉ tính trong năm 2019, sở đã cấp hơn 137.000 phiếu. Dù rất nỗ lực triển khai trực tuyến, nhưng lượng hồ sơ quá nhiều nên vẫn còn một số hồ sơ bị trễ hạn. “Có những ngành nghề rất đơn giản nhưng cũng yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp, rồi cứ 6 tháng phải xin lại một lần. Các cơ quan nên nghiên cứu giảm bớt thủ tục này, chỉ nên giữ ở một số ngành liên quan đến nội chính, tố tụng”, ông Huỳnh Văn Hạnh kiến nghị.

Trong khi đó, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 còn khó khăn do hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin. Năm qua, bà phải ký thư xin lỗi một số DN vì dịch bệnh nên không thể tổ chức đoàn đi thẩm định hồ sơ, khiến việc giải quyết bị chậm trễ. Bà Phong Lan cho biết: Chúng tôi đang cố gắng để tháng 6-2022 phủ cấp độ 3, cấp độ 4 ở tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ban. Chúng tôi cũng khuyến khích DN làm thủ tục qua mạng, tránh được tình trạng “cò”.

Ở quận Bình Tân, địa bàn có dân số đông bậc nhất TPHCM, áp lực lên công tác quản lý rất rõ. Lượng hồ sơ hành chính mỗi năm của quận tương đương, thậm chí hơn một số tỉnh. Sở Nội vụ TPHCM đánh giá đây là địa phương có nhiều sáng kiến, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nên nhận được sự hài lòng cao của người dân, DN. Dù vậy, quận tiếp tục nỗ lực duy trì kết quả đạt được, như tiếp tục phát huy vai trò của 130 Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại khu phố, 10 phường để tuyên truyền, vận động người dân, DN tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4;  thực hiện dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện.

Tương tự, lãnh đạo Sở KH-ĐT cũng cam kết sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN và đồng hành cùng DN. Trong đó, có việc siết kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết về đất đai, thủ tục... nhằm khuyến khích, mời gọi đầu tư.

- Đồng chí HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:

Nhìn nhận để nỗ lực cải thiện

Hàng năm, TPHCM đều công bố chỉ số CCHC của các quận, huyện, sở, ngành. Năm nay, các chỉ số cho thấy kết quả các đơn vị đạt được là tương đối cao và đồng đều, không có đơn vị nào xếp loại trung bình.

Kết quả đánh giá là khách quan, trên cơ sở các kênh đánh giá và bước thẩm định. Mọi năm, khi tổng hợp kết quả, chúng tôi gửi lại cho các đơn vị, địa phương để tự rà soát, có ý kiến nếu còn thắc mắc hoặc muốn giải thích. Năm nay, Sở Nội vụ không gửi lại mà sau khi công bố kết quả, sẽ thông tin đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị, nhất là về các tồn tại để khắc phục. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là kết quả này vẫn chưa tỷ lệ thuận với sự hài lòng của người dân, DN tại các cơ quan, đơn vị. Do đó, thông qua xếp loại, xếp hạng, những điểm trừ, các cơ quan, đơn vị cần nhìn nhận để khắc phục kịp thời.

Năm 2022, TPHCM xác định chủ đề là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Do vậy yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác CCHC là rất cao, mong rằng các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực.

- Đồng chí VÕ KHẮC THÁI, Bí thư Quận ủy quận 7:

Chúng tôi đã chấn chỉnh

Quận 7 đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2021. Nguyên do, cán bộ phụ trách không báo cáo, không xây dựng kế hoạch đúng hạn, không thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, không có thư xin lỗi người dân và không đánh giá chất lượng giải quyết hồ sơ.

Trong thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TPHCM, cán bộ phụ trách các phần việc này được điều động tăng cường về phường, bám cơ sở để phòng chống dịch. Quận cũng điều động một cán bộ khác từ phường lên thay, nhưng tiếp tục bị điều thực hiện nhiệm vụ cấp bách hơn là phòng chống dịch. Do đó, suốt hơn 3 tháng, cán bộ này không có thời gian tiếp nhận, làm quen công việc và các nội dung trên cũng bị bỏ trống, dẫn đến quận bị trừ điểm trong đánh giá, xếp loại.

Đây là các nội dung liên quan đến hoạt động nội bộ của quận nên không ảnh hưởng nhiều đến công tác phục vụ người dân. Dù vậy, quận cũng kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh tác phong làm việc để đạt hiệu quả cao nhất trong thực thi nhiệm vụ.