Đã giảm hơn 3.400 cơ quan cấp xã

|

Ngày 24-2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021”.\r\n

Toàn cảnh phiên làm việc

Theo báo cáo kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, Đoàn giám sát nhận thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Khoá XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Riêng về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: sau khi sắp xếp, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện; giảm được 706/2.411 cán bộ, công chức cấp huyện, 9.694/20.403 cán bộ, công chức cấp xã và 8.448/14.233 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, qua đó, đã giảm được 16.321/86.282 thôn, tổ dân phố và tương ứng giảm được 48.963 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (chỉ tính tại 45 tỉnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính)…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát 

Về ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2021 đã tiết kiệm chi khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp là 787,84 tỷ đồng; giảm chi hoạt động là 344,79 tỷ đồng) và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng. Qua đó, đã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, theo phản ánh của các địa phương, việc sắp xếp làm tăng quy mô dân số và diện tích tự nhiên, mở rộng phạm vi địa bàn quản lý, khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu sử dụng dịch vụ công tăng, trong khi số lượng cán bộ, công chức phải cắt giảm để bảo đảm số lượng theo quy định đã tác động không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành quản lý của đơn vị hành chính mới, đặc biệt là các huyện, xã thuộc khu vực miền núi, nông thôn có diện tích lớn, địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, sông suối, dân cư rải rác, giao thông đi lại khó khăn. Việc khám chữa bệnh của người dân cũng gặp khó khăn do khoảng cách đến trạm y tế của một số nơi còn xa.

Bên cạnh đó, việc đổi tên các đơn vị hành chính ít nhiều gây xáo trộn đến bản sắc riêng của địa phương về phong tục, tập quán, sinh hoạt, sản xuất; đến tâm tư, tình cảm của cộng đồng dân cư, thiết chế văn hóa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá được nhân hợp tác xã cũng bị ảnh hưởng do phải thay đổi, xây dựng lại thương hiệu, mối quan hệ đối tác, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, nguyên liệu, giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá đất, thuế, thay đổi, đăng ký lại các giao dịch bảo đảm tại các tổ chức tín dụng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh…