Gỡ trì trệ trong cấp phép đầu tư

|

TPHCM đang gấp rút hoàn thiện quy chế, đẩy nhanh việc thành lập tổ công tác liên ngành về đầu tư và tổ công tác liên ngành về xây dựng theo thông báo của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X.

Đối với việc thành lập doanh nghiệp, Sở KH-ĐT đã kết hợp các thủ tục liên quan nên thời gian giải quyết hồ sơ giảm chỉ còn 4 ngày làm việc
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc thành lập các tổ liên ngành này nhằm tháo gỡ những trì trệ trong công tác giải quyết thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng hiện nay, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM.

Gom về một mối, rút ngắn thời gian 

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết các dự án đầu tư thường có liên quan đến nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Do đó, nhà đầu tư đăng ký làm thủ tục tại Sở KH-ĐT, nhưng nếu dự án có liên quan đến lĩnh vực y tế thì phải chạy sang Sở Y tế. Tương tự, đối với dự án có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, nhà đầu tư lần lượt liên hệ với các đơn vị này để xin ý kiến. Việc UBND TP lập tổ liên ngành nhằm “gom” các đầu mối nêu trên về một cửa để doanh nghiệp đến TPHCM đầu tư thì chỉ làm thủ tục tại cửa này rồi chờ nhận kết quả.

Tránh biến tổ thành một cấp hành chính

Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM, để tránh biến tổ công tác liên ngành thành một cấp hành chính trung gian giữa người có thẩm quyền cấp phép đầu tư dự án và các sở, ban, ngành chuyên môn, cần phải đảm bảo tính độc lập giữa tổ công tác liên ngành và bộ phận một cửa liên thông tại các sở ngành hiện nay.

Ngoài ra, chỉ những dự án đầu tư phức tạp, đặc thù hoặc còn ý kiến khác nhau giữa các sở ngành, địa phương mới đưa lên tổ liên ngành xem xét. Các trường hợp khác trình trực tiếp người có thẩm quyền cấp phép. Để tổ công tác liên ngành không trở thành “một cửa liên thông các bộ phận giúp việc cho người có thẩm quyền”, nên trao cho tổ công tác liên ngành này thực quyền. 

Nghĩa là, quy chế phải quy định rõ những trường hợp nào người có thẩm quyền cấp phép buộc phải làm theo ý kiến đề xuất của tổ công tác liên ngành, những trường hợp nào được phép làm khác.
“Từng sở ngành hiện nay đều thực hiện cải cách hành chính, thiết lập một cửa để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực của mình. Với mô hình tổ liên ngành, sau khi nơi đây thụ lý hồ sơ sẽ tự liên hệ với các sở ngành liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ, giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp. Khi thành lập tổ này, doanh nghiệp sẽ không còn phải cầm hồ sơ đến từng sở ngành làm thủ tục như lâu nay”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh và cho biết đây cũng là hướng chung mà TPHCM sẽ thực hiện để đảm bảo phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, cho người dân. Ví dụ, trong cấp phép xây dựng đối với các dự án thì có liên quan đến các lĩnh vực, ngành khác như tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên, khi doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu xin cấp giấy phép xây dựng thì chỉ liên hệ, nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng. Sau đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm liên hệ với Sở TN-MT, với Cảnh sát PCCC… để hoàn chỉnh hồ sơ, giải quyết nhu cầu cho doanh nghiệp và người dân. Đến hẹn, giấy phép xây dựng cũng được trả tại Sở Xây dựng.

Luật sư Trần Thanh Tùng (Văn phòng Luật sư Phước & Partner) đánh giá trong 2 năm qua, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, các dự án có thể bị vướng thủ tục xin phép, xin ý kiến cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Vì vậy, với việc TPHCM thành lập tổ liên ngành về đầu tư và xây dựng, hy vọng thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ nhanh hơn. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các khu công nghiệp TPHCM, đánh giá việc lập tổ liên ngành là cần thiết. Nhà đầu tư chỉ cần nộp hồ sơ tại một cửa. Phần giải quyết hồ sơ là “chuyện nội bộ” do tổ liên ngành phối hợp với nhau giải quyết. “Tôi kỳ vọng tổ liên ngành này sẽ có sự phối hợp tốt với nhau để giúp rút ngắn thời gian duyệt dự án cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Bé bày tỏ.

Liên ngành sao cho hiệu quả thực chất?

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Trưởng Văn phòng Luật sư Hiếu và cộng sự, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư Câu lạc bộ Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp TPHCM (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM), cho biết theo quy định, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 5 - 15 ngày làm việc. Nhưng thực tế, nhiều dự án lại bị cấp trễ hạn. Vì vậy cần có một quy chế giám sát rõ ràng, trường hợp nào không đủ điều kiện thì phải trả hồ sơ, còn không phải cấp đúng hạn, để tránh tình trạng nhũng nhiễu. “Muốn thu hút đầu tư, chúng ta cần phải sửa đổi làm sao để nhà đầu tư cảm thấy quy trình thủ tục thật sự thông thoáng, minh bạch, thời gian thực hiện càng ngắn càng tốt, tránh tình trạng phải đến nhiều cơ quan hoặc nhiều lần đến một cơ quan”, luật sư Hiếu phân tích và đề nghị cần có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành, đồng thời phải đưa ra thời gian cụ thể đối với việc cho ý kiến đánh giá về dự án đầu tư. Có như vậy mới có thể rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, không khiến nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần.

Góp ý thêm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận xét điều quan trọng khi lập tổ liên ngành là tổ này phải hoạt động hiệu quả. “Thông thường trong tổ liên ngành sẽ có lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo quận huyện. Tuy nhiên, tổ liên ngành họp thì thường chẳng thấy những vị này, mà chỉ là phó phòng, trưởng phòng, thậm chí là chuyên viên dự. Những người này có cho ý kiến nhưng vẫn không đúng thẩm quyền. Thế là tổ liên ngành tuy có họp, có bàn nhưng vẫn phải gửi văn bản về các sở để chính thức lấy ý kiến” - ông Lê Hoàng Châu phân tích và khẳng định nếu vẫn thực hiện theo cách làm này sẽ khó thể rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Do đó, ông Châu đề nghị cần có quy chế tổ chức rõ ràng, vận hành hoạt động có trách nhiệm, không đùn đẩy qua lại để tổ liên ngành hoạt động hiệu quả.

Một cán bộ từng tham gia một số tổ liên ngành cho rằng góp ý của ông Lê Hoàng Châu là rất đáng lưu tâm. Vị này từng chủ trì các buổi họp liên ngành, nhận thấy nhiều người đại diện cho sở, ngành mình đi dự, phát biểu góp ý thì rất hay nhưng đến khi kết luận lại nói: “Đây là ý kiến cá nhân, không phải ý kiến của lãnh đạo sở. Tôi sẽ về, trình lãnh đạo rồi có văn bản gửi qua sau” (?!). Chưa hết, mỗi buổi họp thì một người đi dự và không nắm xuyên suốt nội dung. Vì vậy, vị này nhấn mạnh khi lập tổ liên ngành thì phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị khi cử người tham gia vào các cuộc họp, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Đại diện tổ liên ngành chỉ điều phối và tổng hợp ý kiến qua vài cuộc họp, chứ không thể lại gửi văn bản đi xin ý kiến từng cơ quan khác.
Ban hành kịp thời văn bản dưới luật

Hiện nay, hệ thống ban hành các văn bản pháp luật vẫn còn quá nhiều tầng nấc. Khi nhận thấy một vấn đề cần có luật điều chỉnh thì Quốc hội giao cho Chính phủ; Chính phủ giao cho bộ, ngành liên quan chủ trì soạn dự thảo, lấy ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua. Quá trình này thường kéo dài khoảng 1 năm và các luật đó cũng chỉ quy định cái khung điều chỉnh, rất ít luật nào quy định chi tiết để có thể thực hiện được ngay. 

Khi luật được ban hành, còn phải chờ đến thời gian có hiệu lực, khi có hiệu lực rồi, còn nhiều trường hợp không thể áp dụng được vì chưa quy định cụ thể. Do vậy, lại phải chờ tiếp nghị định của Chính phủ. Có nghị định rồi còn phải chờ đến thông tư của bộ hướng dẫn; có thông tư, đôi khi còn phải đợi đến cơ quan đầu mối quản lý nhà nước ban hành các quy trình, biểu mẫu để hướng dẫn thực hiện. Với quy trình ban hành văn bản pháp luật như vậy, có khi mất từ 3 - 4 năm chính sách pháp luật mới có thể áp dụng trong cuộc sống nên đã có độ trễ nhất định và cũng không còn phù hợp nữa.

Điều khúc mắc nhất là các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật lại không áp dụng ngay được mà thường căn cứ vào văn bản hướng dẫn mang tính chi tiết ở tầng nấc thấp nhất để thực hiện. Ở đây, thường là các thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của bộ ngành hoặc các quy định thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành. Thực tế đó dẫn tới tình trạng thông tư đôi khi còn… cao hơn luật! Trong khi đó, ở cấp này, việc ban hành văn bản pháp luật thường ít được phản biện hơn nên dễ dẫn đến sự chồng chéo với các văn bản liên quan đồng cấp, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; cũng như dễ gặp phải lỗi không rõ nghĩa nên không nhất quán trong thực hiện ở các nơi, mỗi nơi hiểu mỗi cách. Còn rất nhiều trường hợp văn bản pháp luật được ban hành, gặp phải nhiều vướng mắc nhưng việc tiếp nhận, lắng nghe để chỉnh sửa thường rất chậm chạp. Có tình trạng nghe xong, ghi nhận và để đó luôn, chưa thấy tiếp thu, chỉnh sửa.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, việc giảm các tầng nấc ban hành văn bản pháp luật là quan trọng nhất. Bởi càng nhiều tầng nấc thì sự phản biện chính sách sẽ khó có thể được thực hiện tốt, dẫn đến sự chồng chéo, cách hiểu khó thống nhất. Bên cạnh đó, dù chính sách được thảo luận kỹ, những vướng mắc cũng là điều khó tránh khỏi, nên cần thiết lập kênh tiếp thu, phản hồi để kịp thời điều chỉnh. Đó là những việc làm rất thiết thực, cấp bách, giúp chính sách sớm đi vào cuộc sống, giải quyết các vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn.
Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN,
Thành viên Nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM