Theo đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), hoạt động của ngành hải quan đã thay đổi đáng kể như: giảm thời gian nộp thuế; giảm thời gian, số vụ kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hải quan; đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra một số điểm đáng lo ngại. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hải quan năm 2016 là 31%, tăng cao hơn so với 2015 (28%). Trong trường hợp không trả “phí bôi trơn”, 17% doanh nghiệp cho biết bị phân biệt đối xử bằng việc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục là nhiều nhất (chiếm 79%). Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), so với năm 2015, kết quả doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử do không chi phí lót tay cho doanh nghiệp đã có diễn biến tích cực (năm 2015 là 31%). Tuy nhiên, đây vẫn là “điểm nghẽn” của đại đa số doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu.
Một vấn đề khác được nhắc đến nhiều thời gian gần đây và tiếp tục được doanh nghiệp nêu lên trong khảo sát là việc kiểm tra chuyên ngành bị đánh giá là khó, rất khó. Trong đó, lĩnh vực văn hóa đứng đầu bảng về kiểm tra chuyên ngành (59%), tiếp đến là kiểm tra ngành y tế (40%), kiểm dịch động vật (36%), an toàn vệ sinh thực phẩm (29%), kiểm tra chất lượng (25%)… Và, có đến 81% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm tra theo quy định kiểm tra chuyên ngành còn quá dài; 72% doanh nghiệp cho biết việc chia sẻ thông tin kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt khiến doanh nghiệp mất thời gian chờ đợi. Theo ông Kim Long Biên, Ban cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan), thông qua các ý kiến của doanh nghiệp, hải quan đã nhận thức được vấn đề này và đang tiếp tục cải cách. Còn về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, hải quan đã biết điều này, thậm chí có danh mục hàng hóa cụ thể phải chịu tới 2 giấy phép kiểm tra chuyên ngành. Ngành hải quan sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ xử lý những vấn đề này.
Kết quả khảo sát dựa trên khảo sát ngẫu nhiên 3.500 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước và có 1.035 doanh nghiệp phản hồi. Trong đó, khu vực dân doanh đông nhất (chiếm 60,2%); 31,4% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 8,4% là các doanh nghiệp nhà nước.