Gỡ khó trong phát triển đảng viên khu vực đặc thù: Chắt chiu tạo nguồn ở khu dân cư

|

Công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, song tại TPHCM, có những chi bộ khu phố với hơn 10.000 dân, nhiều năm liền chỉ phát triển được một vài đảng viên. Lý do là nguồn cảm tình Đảng ngày càng khan hiếm, thậm chí đã cạn. Phần lớn đảng viên ở các chi bộ khu phố là cán bộ về hưu.

LTS: Trong công tác phát triển đảng viên, một số khu vực gặp khó khi tạo nguồn kết nạp Đảng, như trong học sinh, sinh viên, công nhân, các chủ nhà trọ, địa bàn dân cư… Dù các tổ chức Đoàn thanh niên, công đoàn, chi bộ tại các doanh nghiệp, chi bộ khu phố có rất nhiều hoạt động để bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ, nhưng nhiều năm qua, số lượng đảng viên mới được kết nạp vẫn chưa tương xứng với nguồn quần chúng. Trong cái khó chung, một số tổ chức cơ sở Đảng đã có nhiều cách làm hay để tập trung bồi dưỡng, tạo nguồn và xây dựng kế hoạch dài hơi hơn trong tạo nguồn phát triển Đảng.

Bà Văn Lệ Di (phải), đảng viên người Việt gốc Hoa (phường 4, quận 5, TPHCM) luôn sâu sát, gắn bó với cuộc sống người dân trong khu phố. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Chọn lựa, bồi dưỡng đảng viên ưu tú

Đảng viên khu phố 1, phường 17, quận Phú Nhuận hay nói vui với nhau về việc thành lập chi bộ cho gia đình ông Phạm Văn Lộc. Bởi gia đình này có tới 3 người là đảng viên, dù mọi người đều là lao động tự do. Năm 2018, bà Phạm Thị Xuân Hương (em gái ông Phạm Văn Lộc) theo gót chị và anh mình, đọc lời tuyên thệ vào hàng ngũ của Đảng.

Bà Xuân Hương chia sẻ, dù gia đình xuất thân là nông dân, nhưng với truyền thống ông ngoại và cậu từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nên dù làm công việc gì, các thành viên trong gia đình cũng luôn nỗ lực phấn đấu vào Đảng. Được trở thành đảng viên, với 3 anh chị em ông Phạm Văn Lộc là niềm vinh dự lớn. Vì vậy, dù phải đi làm ăn xa nhưng đều đặn hàng tháng, ông Lộc lại chạy xe máy hoặc đón xe buýt về địa phương để dự họp chi bộ.

Theo Phó Bí thư Chi bộ khu phố 1 (khu phố cũ trước khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 11 của HĐND TPHCM) Nguyễn Thúy Hồng, chi bộ có 56 đảng viên, trong đó 12 đảng viên được miễn sinh hoạt do tuổi cao, sức khỏe yếu. Đa phần đảng viên của chi bộ là cán bộ về hưu. Đảng viên là lao động tự do tại địa phương như 3 đảng viên trong gia đình ông Phạm Văn Lộc rất ít.

Đồng chí Nguyễn Thúy Hồng cho biết, nhận thức công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, thông qua các hoạt động của đoàn thể quần chúng, Chi bộ khu phố 1 luôn quan tâm chọn nguồn quần chúng ưu tú, nhất là lực lượng thanh niên ở khu phố để bồi dưỡng. Ngoài ra, mỗi đảng viên trong chi bộ cũng có trách nhiệm theo dõi, giới thiệu quần chúng để chi bộ xem xét bồi dưỡng, kết nạp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mỗi năm chi bộ kết nạp được 1 đảng viên mới.

Chi bộ khu phố 5 (khu phố cũ trước khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 11 của HĐND TPHCM), phường Linh Xuân là chi bộ hiếm hoi của TP Thủ Đức từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều đặn hàng năm kết nạp được đảng viên mới. Đồng chí Đinh Xuân Lâm, Bí thư Chi bộ khu phố 24 (trước đây là khu phố 5), khẳng định, công tác kết nạp đảng viên của khu phố cũng rất khó khăn, song với sự nỗ lực, kiên trì tạo nguồn của các đồng chí đảng viên, mà đứng đầu là cấp ủy chi bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay chi bộ đã kết nạp được 4 đảng viên.

Về cách tạo nguồn, đồng chí Đinh Xuân Lâm cho hay, chi bộ hướng đến những tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố dưới 40 tuổi để bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét, kết nạp. Chi bộ luôn tạo điều kiện, tổ chức các hoạt động để các quần chúng này tham gia, vừa thể hiện được vai trò, uy tín của bản thân đối với người dân, vừa là dịp để mỗi quần chúng được rèn luyện, học hỏi. Từ các hoạt động đó, các quần chúng trong diện bồi dưỡng đều tiến bộ rõ rệt, phát huy được vai trò tiên phong của mình ở khu dân cư.

Điểm mới là những năm gần đây, một số chi bộ khu phố còn kết nạp được đảng viên là chủ nhà trọ. Nhắc đến thời khắc đứng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời thề vào Đảng, bà Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ tại phường Linh Xuân (TP Thủ Đức) không khỏi xúc động. Bà Thanh Hoa là một trong rất nhiều chủ nhà trọ trưởng thành từ quần chúng và phong trào địa phương.

Thử thách đối với các tổ chức hội, đoàn thể

Bên cạnh những chi bộ khu phố thực hiện tốt công tác kết nạp Đảng hàng năm thì cũng có những khu phố nhiều năm liền không có nguồn kết nạp. Như ở khu phố 3 (khu phố cũ trước khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 11 của HĐND TPHCM), phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, 3 năm nay chưa kết nạp được đảng viên nào dù khu phố này có hơn 10.000 dân.

Theo Bí thư Chi bộ khu phố 3 Đặng Thế Hùng, dù chi bộ, đoàn thể đã theo dõi sát nguồn ưu tú từ phong trào đến trong địa bàn dân cư, kể cả đoàn viên, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng hầu hết đều vướng tiêu chuẩn, trình độ nên chưa phát triển được.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ khu phố 1 (khu phố cũ trước khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 11 của HĐND TPHCM), phường 17, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: HỒNG HẢI

Dù TPHCM có hơn 5% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn, song việc kết nạp Đảng trong đồng bào DTTS vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chưa tương xứng với dân số hiện hữu. Như tại quận 5, quần chúng là người DTTS đa phần tập trung đi học, làm việc, ít có điều kiện tham gia hoạt động phong trào tại địa phương, dẫn đến địa phương khó khăn trong việc phân công công tác, bồi dưỡng để giới thiệu kết nạp Đảng.

Ngoài ra, công tác thẩm tra, xác minh, đặc biệt là đối với quần chúng là dân tộc Hoa, cần nhiều thời gian do phải thực hiện xác minh theo thông tri của Ban Bí thư Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM. Một số ít quần chúng đang trong thời gian theo dõi, giúp đỡ, phân công nhiệm vụ thì chuyển nơi cư trú, có việc làm ổn định, đi làm ăn xa… nên địa phương không có điều kiện tiếp tục bồi dưỡng phát triển Đảng.

Trong khi đó, nhiều địa phương như quận 6, quận 11 gặp khó khăn về tiêu chuẩn phát triển Đảng bởi quần chúng chưa đạt một số tiêu chuẩn, như đã lớn tuổi hoặc không đáp ứng được trình độ học vấn theo quy định. Ngoài ra, một số quần chúng vướng quy định gia đình sinh sống từ 3 đời trở lên ở Việt Nam, việc xác minh lý lịch đối với các trường hợp này rất khó khăn.

Còn những quần chúng trong độ tuổi thanh niên thường công tác tại các cơ quan có tổ chức Đảng hoặc tập trung làm kinh tế, chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động đoàn thể. Do đó, các địa phương đều gặp chung tình trạng khan hiếm nguồn phát triển Đảng đối với quần chúng là đồng bào DTTS...

Bên cạnh việc tiếp tục chờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chung, bản thân các địa phương cũng rất nỗ lực để tạo nguồn phát triển Đảng trong điều kiện cụ thể của địa phương mình.

Trong đó, để có được nguồn quần chúng ưu tú giới thiệu kết nạp Đảng, cấp ủy các địa phương thường xuyên quán triệt các quy định của Trung ương, nghị quyết của Thành ủy, quận ủy, huyện ủy về việc giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ, phân công đảng viên tiếp tục giới thiệu quần chúng ưu tú cho các đoàn thể. Trước hết là kết nạp vào các tổ chức hội, đoàn thể. Sau đó, các tổ chức hội, đoàn thể giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để kết nạp vào Đảng...

TPHCM có 53 DTTS sinh sống, hơn 103.100 hộ với khoảng 453.400 nhân khẩu (chiếm hơn 5% dân số toàn thành phố). Trong số đó, nhiều người đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, là cầu nối rất hiệu quả giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Song, một thực tế cần phải bàn đến là việc kết nạp đảng viên là đồng bào DTTS tại TPHCM thời gian qua còn ít. Chẳng hạn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, quận 5 chỉ kết nạp được 12 đảng viên là đồng bào DTTS trong tổng số 367 đảng viên mới.

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng, Bí thư Quận ủy quận 5, đảng viên là đồng bào DTTS tham gia rất tích cực trong các hoạt động ở địa phương, đặc biệt nhiệt tình tham gia công tác xã hội vì cộng đồng, quân sự địa phương, trong ban điều hành khu phố, tổ dân phố... Các cô bác, anh chị không nề hà việc khó, kể cả khi khó khăn nhất là thời điểm làm nhiệm vụ trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát; cùng tham gia vận động người dân địa phương chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, hoạt động của chính quyền địa phương từ quận đến phường. Quận sẽ tiếp tục nỗ lực để phát triển nguồn quần chúng ưu tú này trong thời gian tới.