Theo chuyên gia Didier Chaudet thuộc Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh châu Âu, việc chính quyền Pakistan quyết định trả tự do cho Mullah Baradar - nhân vật rất có uy tín trong hàng ngũ Taliban - vào tháng 10-2018, theo yêu cầu của lực lượng Taliban và của chính quyền Kabul, mở ra một cơ hội chưa từng có cho hòa bình. Baradar là một trong các lãnh đạo trụ cột của Taliban, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Trong những năm 1990, Baradar trở thành nhân vật số 2 của Bộ Quốc phòng của chính quyền Taliban thời điểm đó. Baradar cũng là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy đối thoại hòa giải với chính quyền Kabul được thành lập vào cuối 2001 nhờ hậu thuẫn của Mỹ lật đổ chế độ Taliban. Bị chính quyền Pakistan bắt giữ năm 2010, vụ bắt Baradar rất được truyền thông phương Tây lúc đó quan tâm, không phải bởi các nỗ lực đối thoại tìm kiếm hòa bình với chính quyền Taliban, mà do việc chính Baradar đã trở thành thủ lĩnh trên thực tế của lực lượng Taliban kể từ năm 2001.
Không chỉ được tự do, Baradar còn được bổ nhiệm đứng đầu văn phòng đại diện của Taliban ở Qatar (một dạng sứ quán trên thực tế của tổ chức này), nơi thường diễn ra các thương lượng bí mật với đại diện của Washington. Đối với Mỹ và Taliban, việc bổ nhiệm Baradar cho thấy hòa bình không chỉ là một ước mơ, mà là điều hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều yếu tố gây trở ngại cho đối thoại tìm hòa bình cho Afghanistan. Một trong những vấn đề hàng đầu là quan hệ phức tạp giữa Afghanistan và Pakistan. 2 quốc gia láng giềng có nhiều hiềm khích lâu đời, đặc biệt về đường biên giới. Kabul cũng không hợp tác với Islamabad trong việc trao đổi tù nhân chính trị, từ chối cho dẫn độ một số tù nhân bị Pakistan buộc tội khủng bố. Một nền hòa bình tại Afghanistan chắc chắn phải đi kèm với việc bình thường hóa quan hệ với Pakistan, cũng như với khu vực Nam Á nói chung.
Việc trả tự do cho Baradar chỉ có một tác động không đáng kể đến tiến trình hòa giải, nếu Kabul và Islamabad không thể chủ động đối thoại. Hiện xu hướng đối thoại Afghanistan và Pakistan có vẻ như đang thắng thế khi mà Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani mới đã đây thừa nhận phần đóng góp tích cực của Pakistan. Thế nhưng, những mâu thuẫn giữa Ấn Độ với Pakistan tại Afghanistan dường như vẫn tiếp tục cũng là một nhân tố gây trở ngại khác.
Một thách thức lớn khác là thế đối đầu giữa hai nhóm. Một bên là Mỹ và Pakistan gây áp lực với Taliban để thúc đẩy đối thoại và bên kia là Iran và Qatar ủng hộ mạnh Taliban, và từ chối gây áp lực. Theo nhà nghiên cứu Didier Chaudet, đây là một nhận định khó kiểm chứng thực sự, nhưng điều này ít nhất cũng cho thấy tình hình tại Afghanistan phụ thuộc chặt chẽ vào cục diện của cả một khu vực rộng lớn, chứ không chỉ là vấn đề của Nam Á. Để hòa bình trở lại với Afghanistan, cần nỗ lực để các căng thẳng địa chính trị khu vực lắng dịu, và Afghanistan cần được nhìn nhận như một vùng đất “trung lập vĩnh viễn” để quốc gia này không còn là nơi tranh chấp giữa các cường quốc khu vực và thế giới. Để đạt được mục tiêu này, toàn bộ cộng đồng quốc tế phải triệt để ủng hộ tiến trình hòa giải giữa các phe nhóm Afghanistan. Đây là một tiến trình phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài.
Hy vọng và thách thức
|