FDI vào Việt Nam vẫn tăng nhẹ, đạt 26,46 tỷ USD trong 11 tháng

|

Ngày 26-11, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, tính đến ngày 20-11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.\r\n

Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực xếp thứ 3 trong danh sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài

Tuy chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, song vốn đăng ký mới và vốn bổ sung có mức tăng ấn tượng. Có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Về đối tác, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ.

Riêng vốn góp, mua cổ phần chỉ đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) toàn cầu bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đáng lưu ý là vốn đầu tư giải ngân tiếp tục giảm. Cụ thể, trong 11 tháng qua, vốn giải ngân ước đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.