Đã uống rượu bia - Không lái xe

|

Hàng năm, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đều đặn tổ chức chiến dịch truyền thông với khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, với mong muốn góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng và xã hội trong tuân thủ pháp luật về giao thông; từng bước hình thành văn hóa giao thông cho người dân.

Từ cuối năm 2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 100 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện giao thông, nhất là hành vi lái xe mà trong máu hay trong khí thở có nồng độ cồn. Và với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 27-6, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - Không lái xe” đã chính thức được luật hóa.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải thiện an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam, góp phần phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), giảm rủi ro, thiệt hại do việc sử dụng rượu, bia khi lái xe. Bởi thực tế thời gian qua, tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu bia vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. Hàng ngàn vụ TNGT liên quan đến rượu bia gây thương tật, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT, trong đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia.

Tới đây, Nghị định 100 sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung để tương thích với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm thiết lập mức phạt đủ sức răn đe hành vi lái xe khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Đồng thời, trong hướng dẫn thi hành luật cũng cần bổ sung quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Để Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cần có sự chung tay của toàn xã hội. Trước hết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục về tác hại của rượu bia và tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông. Lực lượng chức năng cần được trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra nồng độ cồn hiện đại.

Việc xử phạt cần nghiêm minh, công bằng và minh bạch để tạo sức răn đe mạnh mẽ. Mỗi người dân cần nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Các hoạt động cộng đồng và phong trào xã hội cần được phát động và duy trì thường xuyên để tạo nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh.