Cơ chế cho phim nhà nước: Vẫn điệp khúc chờ

|

Mong muốn đưa bộ phim \

Khó đủ đường

Đầu tháng 7, trả lời PV Báo SGGP, ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng, cho biết, đã làm công văn gửi Bộ VH-TT-DL ngay sau buổi công chiếu ra mắt vào đầu tháng 6 tại TPHCM.

“Chúng tôi vẫn phải chờ ý kiến vì điều này không nằm trong quy định về phổ biến phim của nhà nước. Phải có văn bản và được bộ trưởng duyệt mới được phép”, ông Hưng chia sẻ. Đồng thời ông nhấn mạnh, cần phải hiểu rõ bộ phim vẫn được phép chiếu, nhưng là chiếu miễn phí, chiếu phục vụ, còn khi phát sinh doanh thu buộc phải có ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Phim “Vầng trăng thơ ấu” vẫn chờ đợi cơ chế để chiếu rạp rộng rãi Ảnh: ĐPCC

Trước đó, trường hợp phim Đào, phở và piano sau khi chiếu thí điểm tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (rạp của nhà nước) mang lại hiệu ứng tích cực đã được Cục Điện ảnh đề xuất với Bộ VH-TT-DL cho phép chiếu rộng rãi trên toàn quốc. Đồng thời, một số cụm rạp như Beta Cinemas, Cinestar chủ động bày tỏ nguyện vọng được chiếu phim và nộp toàn bộ kinh phí về ngân sách nhà nước. Sau này, phim còn được chiếu cả ở cụm rạp liên doanh Mega GS.

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trong một hội thảo về phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề này: “Không có kinh phí quảng bá, không tiếp cận được với người xem, nhiều phim được nhà nước đầu tư sản xuất xong không ra nổi rạp vì không thể thương thảo với đơn vị phát hành… Sự lãng phí rất lớn này đã tồn tại từ lâu rồi nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ”.

Nhiều đơn vị cũng đã tự mày mò cố tìm hướng tháo gỡ, mới đây, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mở khung sóng Phim của một thời - giới thiệu những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt và thế giới.

Cách đây 3 năm, Viện Phim Việt Nam cũng từng lập kênh YouTube sau đó đăng tải 9 bộ phim được thực hiện bằng kinh phí nhà nước, nhưng sau đó vì nhiều lý do việc này không thể tiếp tục. Trên nền tảng Galaxy Play cũng có kho phim Sống lại thời vàng son - Top phim Việt kinh điển trình chiếu các bộ phim nổi tiếng qua các thời kỳ do cả nhà nước và tư nhân cùng làm nhưng số lượng cũng hạn chế. Đề án xây dựng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến được đưa ra từ năm 2021, cho đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Vướng đầu tư công

Theo PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, một bất cập khác còn liên quan đến quy định cứng nhắc về đầu tư công. Đối với đơn vị hãng phim được nhà nước đặt hàng sản xuất, không cho phép kết hợp vận động thêm nguồn vốn xã hội hóa (XHH). Điều này đã tạo nên những cản trở lớn.

Ông Tú dẫn chứng, kịch bản bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) được nhà nước xem xét đặt hàng hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, do là phim chiến tranh, ước tính chi phí rất lớn, số tiền nhà nước đầu tư dự kiến sẽ không đủ nên các nhà làm phim xin phép được huy động thêm kinh phí từ nguồn XHH nhưng không được chấp thuận.

Cuối cùng, đạo diễn đành khước từ nguồn vốn tài trợ của nhà nước, tự làm phim bằng nguồn vốn huy động 100% từ bên ngoài. Dù không tiết lộ con số chính thức, nhưng kinh phí sản xuất Địa đạo chắc chắn cao hơn nhiều so với mức đầu tư trung bình các phim nhà nước đặt hàng hiện nay là 20 tỷ đồng.

TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam từng đề cập trường hợp kịch bản Trạng Tí cũng không tiếp tục được vì thủ tục khó khăn. Nhà sản xuất sau đó đã nỗ lực tự có được nguồn kinh phí sản xuất, nên từ bỏ không xin nguồn hỗ trợ từ nhà nước.

Trên thực tế, vướng mắc này từng có lối ra khi mô hình hợp tác công - tư ra đời với thành công luôn được nhắc đến của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nhưng đến nay, đó vẫn là thành công duy nhất. Cũng vì nhiều lý do, sau nhiều năm mô hình này không thể phát huy.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2023 đã đề cập đến việc phát huy hiệu quả XHH, nhưng trong nghị định hướng dẫn thực hiện luật này lại chưa có một dòng nào cụ thể.

Theo PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, nếu được phép kết hợp thêm vốn theo hình thức XHH sẽ giúp việc đầu tư bối cảnh, dàn dựng và cả truyền thông tốt, hiệu quả hơn nhiều. “Khi các bên đối tác cùng góp vốn, nếu có rủi ro sẽ cùng chia sẻ. Khi có lợi nhuận, các bên cùng được hưởng thành quả theo tỷ lệ góp vốn, điều này sẽ tăng trách nhiệm của các bên, cùng đồng lòng để có tác phẩm xứng tầm”, ông Tú nhấn mạnh.