Phụ huynh thấp thỏm mừng lo

|

Theo Luật Cư trú, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị xóa, kéo theo những thay đổi trong công tác tuyển sinh các cấp học phổ thông. Phụ huynh có con nằm trong các độ tuổi đó đang có nhiều lo lắng băn khoăn.

Nắm bắt tâm lý đó, sở giáo dục và ban, ngành các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch tuyển sinh sớm hơn thường lệ, trong đó có nhiều điểm mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Hồ sơ xét tuyển không yêu cầu xác nhận thông tin cư trú

Theo cách truyền thống, bộ hồ sơ xét tuyển đầu cấp bao gồm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tạm trú (nếu trái tuyến) học bạ tiểu học (đối với hồ sơ lớp 6). Như vậy, sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú là một trong những yêu cầu bắt buộc phải có trong hồ sơ xét tuyển đầu cấp. Là mùa tuyển sinh đầu tiên không xuất trình hộ khẩu giấy, công tác xét tuyển cần những giấy tờ gì thay thế?

Theo quy định, quá trình tổ chức tuyển sinh vào các đầu cấp, mầm non, lớp 1, lớp 6 năm nay, hồ sơ tuyển sinh không yêu cầu giấy xác nhận thông tin cư trú; đồng nghĩa với việc, thông tin cá nhân của học sinh được bảo mật.

Theo cách tuyển sinh truyền thống, khi tiếp nhận hồ sơ, các trường sẽ nhận bản sao có công chứng của sổ hộ khẩu rồi phải đối chiếu bản gốc. Những trường hợp xin giấy xác nhận tạm trú thì còn cần xác định của khu vực nơi học sinh cư trú, công tác tuyển sinh mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục, quy trình theo quy định.

Năm nay, để bảo đảm cho công tác xét tuyển diễn ra suôn sẻ, Ban chỉ đạo tuyển sinh lưu ý, những gia đình có trẻ ở độ tuổi đi học cần quan tâm đến việc khai báo, cập nhật thông tin lên hệ thống trục cơ sở dữ liệu, đặc biệt, rà soát, cập nhật chính xác khi khai mục Nơi ở hiện tại. Mỗi đứa trẻ được cấp một mã số định danh cá nhân để phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Nhiều ý kiến phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi khi tuyển sinh bằng mã số định danh, bởi theo logic, cách làm này thông tin tuyển sinh sẽ bảo đảm chính xác, ổn định hơn, hạn chế tiêu cực, tính công bằng, minh bạch được bảo đảm hơn.

Trong trường hợp cần xác minh thông tin cư trú trên hồ sơ tuyển sinh, nhà trường lập danh sách gửi công an tại địa bàn trường hoạt động. Cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời với nhà trường để công tác tuyển sinh của trường diễn ra thuận lợi. Các số máy điện thoại đường dây nóng được công bố rộng rãi để người dân tiện lợi liên lạc giải quyết khi phát sinh sự cố.

Năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh cả hai hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Theo dự kiến, tuyển sinh lớp 1 vào tiểu học tổ chức từ ngày 1 đến 3/7; tuyển học sinh lớp 6 vào trường trung học cơ sở từ ngày 7 đến 9/7.

Theo thống kê sơ bộ, năm học 2023-2024, số lượng học sinh đầu cấp của Hà Nội đều tăng đáng kể so với năm ngoái, đặc biệt là ở độ tuổi vào lớp 6, do đó công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội năm nay áp lực hơn. Việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 được thực hiện theo tuyến quận, huyện, do UBND quận, huyện, thị xã quy định cho các trường trên địa bàn.

Việc phân chia khu vực tuyển sinh bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp học sinh không phải di chuyển quá xa để đi học.

Chị Nguyễn Hồng Vân vốn hộ khẩu ở Tây Hồ (Hà Nội) mới chuyển chỗ ở về quận Long Biên vài năm lại đây. Năm nay chị có con vào lớp 6, rất phấn khởi cho biết: "Vợ chồng tôi thoải mái khi con được học ở trường gần nhà, trường mới xây dựng sạch đẹp, rộng rãi. Cách tuyển sinh căn cứ theo tuyến thực tế sinh sống tại địa bàn sẽ phù hợp, xác thực, thuận tiện cho người học hơn so với cách truyền thống chỉ căn cứ trên hộ khẩu".

Nếu Hà Nội linh hoạt trong các hình thức tuyển sinh thì TP Hồ Chí Minh chính thức công bố tuyển sinh các lớp đầu cấp được thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 sẽ thực hiện theo nguyên tắc phân bố học sinh được học tại trường gần với nơi cư trú, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường.

Đáng chú ý, năm nay, TP Hồ Chí Minh thí điểm áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System, gọi tắt là bản đồ GIS) trong tuyển sinh tại thành phố Thủ Đức, Quận 8 và quận Tân Bình. Theo đó, việc tuyển sinh thực hiện theo kế hoạch của các địa phương. Căn cứ vào cơ sở dữ liệu của ngành, tham khảo trên bản đồ số GIS, ban tuyển sinh địa phương sẽ phân bổ học sinh trên nguyên tắc ưu tiên xét trường gần nhà…

Giảm áp lực cho ngành giáo dục

Ngoại trừ tuyển sinh lớp 10 trên toàn quốc hầu hết đều theo hình thức thi tuyển, công tác tuyển sinh ở các cấp nhỏ hơn như tuyển vào lớp mầm non, vào tiểu học và trung học cơ sở theo hình thức xét tuyển đều là cuộc đua vô hình khiến các nhà quản lý giáo dục, nhà trường và trực tiếp các gia đình đều hứng chịu áp lực.

Theo số liệu thống kê mới nhất công bố tháng 3/2023, Hà Nội có 1.622 trường trong tổng số 2.248 trường công lập đạt chuẩn của quốc gia chiếm tỷ lệ 72,3%. Trong đó, cấp THCS có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn cao nhất với 80%; cấp mầm non 71,3%; cấp tiểu học 67,9%.

Tại Hội nghị hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp THCS, năm học 2022-2023; hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10, năm học 2023-2024 tổ chức hồi đầu tháng 4 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng để cải tạo và xây thêm trường học. Sở đã tham mưu với thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 bảo đảm từ 3-5 vạn dân có một trường trung học phổ thông.

Để có được kết quả này là nỗ lực của ngành cũng như sự chung tay của cộng đồng chăm lo điều kiện môi trường học tập tốt hơn cho con em. Như vậy, tình trạng thiếu trường thiếu lớp, thiếu cơ sở vật chất trường học không phải là vấn đề quá nóng trong thời điểm hiện tại. Thực tế, tâm lý đổ xô đăng ký vào «trường tốt» vẫn là nguyên nhân chính khiến tình trạng quá tải cục bộ diễn ra nhiều năm nay.

Đối với các vùng nông thôn, việc xóa bỏ dần các thủ tục hành chính, giấy tờ văn bản giấy thay thế bằng các dữ liệu số ngành giáo dục, hay cụ thể trực tiếp là tuyển sinh đầu cấp không hộ khẩu như hiện nay, cơ sở nền tảng cần quan tâm là tăng cường thêm kết nối hạ tầng. Thời kỳ giãn cách, dạy học trực tuyến được coi như là một phép đo khả năng thích ứng của ngành giáo dục với hoàn cảnh mới.

Những cải tiến trong công tác tuyển sinh nói chung sau bỡ ngỡ bước đầu hy vọng sẽ ngày một hoàn thiện thuận lợi dễ dàng hơn cho người học và cả từ phía nhà trường.