Trước tiên là bảo đảm "an toàn" cho luật

|

Những sức ép ngày một lớn về giao thông tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, đang đặt ra đòi hỏi cấp bách trong việc chỉnh lý, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống luật định liên quan đến giao thông.

Cần thiết phải tách luật

Một thực tế đáng buồn là số người bị thương, bị tử vong do tai nạn giao thông hiện còn tăng. Căn nguyên của vấn đề là, hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm an toàn giao thông chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải và Công an; Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Trước thực tế ấy, quy định liên quan hiện hành cho thấy, Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008, sau 15 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, nhất là ở thời điểm hiện nay. Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, cho nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực này, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, gây nhiều chồng chéo, khó khăn trong thực thi.

Từ thực tiễn ấy, để khắc phục những hạn chế của các quy định hiện hành, thời gian qua, Chính phủ đã chủ trì soạn thảo hai dự án luật mới là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Theo Tờ trình số 413/TTr-CP ngày 30/8/2023 của Chính phủ trình Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Đường bộ gồm sáu chương, 92 điều. So với dự thảo, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển ba chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương về quy tắc giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

Cùng đó, ở Tờ trình số 427/TTr-CP ngày 31/8/2023, bố cục dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm chín chương, 81 điều. Cụ thể, Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Riêng với lĩnh vực vận tải đường bộ, Luật này chỉ điều chỉnh đối với một số hoạt động liên quan an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ như quy định về nguyên tắc, điều kiện an toàn đối với người lái xe và phương tiện vận tải là phù hợp; còn Luật Đường bộ quy định các nội dung liên quan yếu tố kỹ thuật của vận tải đường bộ, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo.

Ý kiến các chuyên gia lập pháp cũng đồng tình với việc tách luật lần này, bởi xu hướng quốc tế cũng cho thấy các luật chuyên ngành càng chi tiết, cập nhật thậm chí dự báo thực tiễn được càng tốt, tránh tình trạng "luật khung", "luật ống".

Hiện tượng lấn chiếm hành lang đường sắt để

bán hàng vẫn xảy ra phổ biến. Ảnh: Kim Vũ

Ðể không chỉ bám sát thực tiễn

Liên quan dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý tại các kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó và tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, các ý kiến tập trung nhiều ở nội dung bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Đơn cử, ở Chương II - Quy tắc giao thông đường bộ, gồm 24 điều, từ Điều 9 đến Điều 32, quy định về: Quy tắc chung và các quy tắc cụ thể như: chấp hành báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe... Tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở luật hóa quy định trong Công ước Vienna năm 1968 về giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra được trình bày tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 11/2023), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.

Nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế phát triển đất nước, các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, đề nghị Ban soạn thảo hai dự án luật quan trọng, có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp, thiết thực đến đời sống của người dân và toàn xã hội, cần tập trung chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung như: về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; quỹ đất dành cho kết cấu h ạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; đường bộ cao tốc và hoạt động vận tải đường bộ.

Cùng với đó, ở dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện "Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định" vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về: vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại Điều 42; sử dụng xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích để vận chuyển hàng hóa trên đường bộ tại điểm a khoản 3 Điều 47; quy định cụ thể về niên hạn sử dụng xe cơ giới theo nguyên tắc tính về thời gian sử dụng hoặc đến số lượng km nhất định (Điều 37),…

Thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự điều hành của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội sẽ tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông, vận tải dự báo còn tiếp tục sôi động. Theo đó, để đón đầu và đáp ứng đòi hỏi ngày một cao trong việc kiến tạo các thiết chế liên quan đến giao thông như một thành tố không thể thiếu của nhu cầu phát triển, việc sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là hai dự án luật nói trên phải được đặt ra cấp bách đi đôi với việc đề ra các biện pháp đồng bộ bảo đảm thực thi nghiêm túc, hiệu quả.

Theo kế hoạch, hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024) tới đây.