Nhìn sang những người láng giềng
Những ngày đầu ASIAD 19, khi Đoàn Thể thao Việt Nam mới chỉ giành được một huy chương vàng bắn súng, Thái Lan đã có tới tám vận động viên bước lên ngôi vị cao nhất ở nhiều bộ môn khác nhau. Khép lại kỳ Á vận hội tại Hàng Châu (Trung Quốc), Thái Lan giành 12 huy chương vàng, với bảy trong số đó là các môn thuộc chương trình thi đấu của Thế vận hội. Họ đứng ở vị trí thứ tám trên bảng xếp hạng, hơn chúng ta tới 13 bậc.
Điều đáng nói, ở hai kỳ SEA Games gần nhất, Đoàn Thể thao Việt Nam luôn vượt qua Thái Lan để "thống trị" đấu trường khu vực. Song, khi bước ra sân chơi châu lục, chúng ta lại bị bỏ xa. Nguyên nhân: Thái Lan đầu tư trọng điểm nhiều môn thể thao Olympic, trong khi Việt Nam vẫn chỉ có thể chờ đợi cơ hội làm nên kỳ tích ở những bộ môn như cờ tướng hay cầu mây.
Sự phát triển của thể thao Thái Lan có dấu ấn lớn từ xã hội hóa. Đơn cử như với golf, quốc gia này giành tới hai tấm huy chương vàng ASIAD (đơn nữ và đồng đội nữ). Đây đều là thành quả từ một nền "công nghiệp golf" hàng đầu. Thái Lan thu hút hơn một triệu lượt khách "du lịch golf" trên tổng số khoảng 40 triệu khách du lịch hằng năm. Chỉ tính riêng mảng này, golf đã mang đến doanh thu hơn một tỷ USD. Nhờ vậy, Thái Lan nhanh chóng trở thành nước đứng đầu châu Á và xếp thứ ba toàn cầu về "du lịch golf".
Nhiều môn thể thao Olympic khác của Thái Lan cũng nhận sự đầu tư lớn từ các doanh nghiệp, gần như không sử dụng ngân sách nhà nước. Được rót nguồn kinh phí hoạt động đầy đủ, các vận động viên hoàn toàn yên tâm theo đuổi nghề, phát triển một cách toàn diện để vươn tầm châu lục hay thế giới.
Nhìn rộng ra các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia và Philippines đều lần lượt xếp trên Việt Nam về số huy chương vàng. Trong đó, Indonesia sở hữu năm trên tổng số bảy huy chương vàng thuộc về các nội dung thi đấu Olympic.
Nhu cầu tìm kiếm hướng đi mới
Tại ASIAD 19, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu với ba tấm huy chương vàng. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải một kỳ Đại hội thành công. Nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, các nhà quản lý thể thao nước nhà cần nhìn nhận và suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược và sự đầu tư cho thể thao trong những năm sắp tới.
Hiện nay, thực trạng được nhìn thấy rõ là thể thao Việt Nam vẫn bị "phân tâm" bởi áp lực thành tích ở SEA Games, trong khi các sân chơi ASIAD hay Olympic mới là thước đo chính xác nhất để đánh giá về sự phát triển của mỗi nền thể thao, so các nước khác trên thế giới. Muốn giành được kết quả tốt, chúng ta chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Và sự thay đổi cần phải diễn ra ngay từ bây giờ, khi quá nhiều vấn đề tồn tại cùng lúc có cơ hội được bộc lộ.
Muốn giúp vận động viên nâng cao tố chất thể lực, kỹ thuật, trình độ, cần phải áp dụng khoa học. Đặc biệt, những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, chữa trị hồi phục chấn thương, dinh dưỡng, cải tiến phương tiện dụng cụ tập luyện và thi đấu… gần như chưa được quan tâm. Hệ thống cơ sở vật chất phần lớn đều đã và đang xuống cấp trầm trọng. Những ngày qua, câu chuyện các tay vợt của Đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam "kêu đói", chưa kể những hệ lụy sâu rộng, thật sự là nỗi đau.
Trong khi đó, hiện thực chứng minh: Xã hội hóa một cách triệt để có thể giúp thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của mọi nền thể thao. Thị trường thể thao toàn cầu đã tăng từ 486,61 tỷ USD vào năm 2022 lên 512,14 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 5,2%. Ở Mỹ, kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11 trong tổng số 25 ngành kinh doanh hàng đầu đất nước. Còn tại Anh, tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh thể thao đã vượt tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong hai thập niên gần đây, đóng góp ngân sách quốc gia mỗi năm hơn 20 tỷ bảng.
Rõ ràng, xã hội hóa thành công không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn mang đến nguồn tiền đầu tư quý giá nhằm thúc đẩy sự phát triển của thể thao nước nhà. Muốn làm được điều này, ngành thể thao phải thay đổi tư duy để tìm kiếm những hướng đi mới, thay vì chỉ trông chờ vào khoản ngân sách hơn 800 tỷ đồng mỗi năm, phân bổ cho hàng trăm chuyến tập huấn, ăn ở của hàng nghìn vận động viên, thuê chuyên gia, mua trang thiết bị tập luyện, dinh dưỡng, thuốc bổ…
Thực tế, một vài bộ môn thể thao ở Việt Nam bắt đầu tìm kiếm được những nguồn kinh phí nhất định từ việc xã hội hóa, nhưng để có thể tự chủ được về tài chính như bóng đá là yêu cầu không dễ thực hiện. Bài toán xã hội hóa thể thao không phải câu chuyện mới. Vấn đề là, để làm tốt như người hàng xóm Thái Lan, chúng ta vẫn còn phải học hỏi rất nhiều.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Thể dục-Thể thao cần chứng tỏ khả năng dẫn hướng bằng những chiến lược và chính sách cụ thể. Các Liên đoàn thể thao cũng cần đổi mới tư duy phát triển và đột phá trong hành động để giải quyết những nút thắt vốn tồn đọng nhiều năm nay. Chỉ bằng cách này, thể thao Việt Nam mới có cơ hội phát triển bền vững, ổn định, từ đó hướng tầm mắt đến những chân trời thật sự cao xa.