Đây là một lễ hội văn hóa đã đi vào tâm thức của đông đảo con dân đất Việt, yêu nước, thương nòi, dù đi đâu, làm gì, dù ở phương trời xa tắp, vẫn hướng về cội nguồn dân tộc để nhắc nhở nhau sống xứng đáng với vinh hạnh là con Lạc, cháu Hồng. Vào dịp này, mỗi người lại canh cánh trong lòng lời căn dặn sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18-9-1954 khi Bác viếng thăm Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy đó đã, đang và mãi mãi thôi thúc chiến sĩ, đồng bào cả nước ta, nhất là thế hệ trẻ, củng cố ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam. Các lễ hội nối nhau, như Lễ hội đền Gióng ở Hà Nội, Lễ hội đền Trần ở Nam Định, Lễ hội đền Vua Lê ở Ninh Bình, Lễ hội Tây Sơn ở Bình Định, Lễ hội đền Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang..., thể hiện lòng biết ơn các anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc, mở mang bờ cõi, làm cho muôn dân được hưởng thái bình, hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tổ chức các lễ hội nhằm giáo dục các tầng lớp nhân dân tri ân công đức tổ tiên, những vị “thần hoàng” đã bỏ công sức, trí tuệ, dẫn dắt nhân dân khai khẩn đất hoang, dựng xây xóm, thôn trù phú... Theo hướng đó, mỗi dịp lễ hội, lại thắp lên trong lòng người dự lễ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn công đức tổ tiên và ý thức duy trì, nhân rộng những việc làm hướng thiện, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày thêm an khang, thịnh vượng...
Cùng với những việc làm đáng trân trọng nêu trên, thật đáng zz tiếc, đây đó đã xuất hiện những lễ hội “biến tướng” với mục đích là thu nhiều lợi nhuận qua việc tổ chức các dịch vụ với “giá cắt cổ”; phát triển những hoạt động mê tín, dị đoan; đặc biệt gần đây, dư luận tỏ ra bất bình với việc phục hồi các hủ tục, như chém lợn, đâm trâu, cướp lộc... Không thể không suy nghĩ, từ hôm Tết đến nay, đã có hơn 6.000 trường hợp nhập viện, trong đó có 15 người đánh nhau bị tử vong. Dư luận bức xúc trước những biểu hiện hung hãn, thích dùng bạo lực để “tự xử” khi tranh nhau cướp lộc, hoặc chen lấn xô đẩy lúc vào đền, chùa khấn viếng, đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng hướng dẫn cách thức, nội dung từng lễ hội; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh những biểu hiện không lành mạnh nêu trên, nhưng xem ra kết quả chưa được như mong muốn...
Thiết nghĩ, việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức ý nghĩa thiêng liêng của các lễ hội đã được Nhà nước cho phép và nhân dân thừa nhận; theo đó là việc kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những việc làm trái với tinh thần Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cần được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp “vào cuộc”, mới mang lại kết quả đích thực.
Mỗi dịp lễ hội, lại thắp lên trong lòng người dự lễ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn công đức tổ tiên và ý thức duy trì, nhân rộng những việc làm hướng thiện.