Thời của nhà báo dữ liệu?
Báo chí thế giới hiện đang đối diện với những khó khăn và thách thức chưa từng thấy. Trong kỷ nguyên số, hàng tỷ USD giá trị thị trường quảng cáo chuyển từ báo in vào túi những tập đoàn công nghệ lớn như Google hay Facebook, rồi đại dịch Covid-19 xuất hiện làm trầm trọng thêm tình hình. Kế tiếp, là những biến động liên quan tình trạng suy thoái kinh tế, khiến hàng loạt tờ báo biến mất. Ở Mỹ, tính từ năm 2005, cứ mỗi tuần lại có hai tờ báo đóng cửa.
Tuy nhiên, khó khăn trùng trùng lại cũng chính là cơ hội để những ông lớn trong ngành tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Thay vì chỉ bán được sản phẩm in cho thị trường trong nước, những tờ báo nổi tiếng, kể cả tuần báo, có thể bán tin tức cho toàn thế giới nhờ vào internet.
Đơn cử, tuần báo The Economist của nước Anh vẫn đánh dấu doanh thu cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, thời điểm thế giới vừa bước ra khỏi giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Số lượng người trả phí để theo dõi ấn phẩm trực tuyến vẫn đang tiếp tục tăng lên, và có dấu hiệu tăng mạnh ở thị trường châu Á đầy tiềm năng.
Chiến lược của họ là tiếp cận với mọi đối tượng khách hàng tiềm năng, thông qua trang Facebook hàng chục triệu người theo dõi, với những bài báo phân tích sâu và đầy ắp thông tin. Đơn cử, gần đây, có một bài viết được chạy quảng cáo trên Facebook, hướng tới khách hàng ở Việt Nam, tiêu đề: "Vì sao các trường học ở Việt Nam lại tốt đến như vậy?"; một bài viết cụ thể, mang tính địa phương, với rất nhiều chi tiết đáng chú ý đã tạo ấn tượng sâu sắc, tác động không nhỏ đến quyết định đăng ký trả phí từ độc giả Việt Nam.
Thực tế, The Economist nói rằng, họ thích những người chỉ đăng ký ấn phẩm trực tuyến, vì điều này sẽ giúp họ hướng đến mục tiêu chung: Giảm thải carbon còn 25% vào năm 2025. Nhưng để duy trì lượng khách hàng ấy, bản thân tuần báo này cũng luôn nâng cao chất lượng và đón đầu xu thế báo chí chuyển đổi số. Xác định năm 2024 sẽ có nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới, tòa soạn đã tuyển số lượng lớn nhà báo dữ liệu (tức là những chuyên gia dữ liệu biết làm báo) để đưa ra những nhận định, mô hình đánh giá kết quả bầu cử với mức lương rất cao. Những người này phải vừa thông thạo các ngôn ngữ lập trình, vừa có trình độ nhất định về chính trị.
Bài toán của báo chí địa phương
Những tờ báo lớn có rất nhiều nguồn lực để tiếp tục phát triển, đồng thời giảm tối đa thiệt hại từ quá trình chuyển đổi số. Có điều, câu chuyện của các tuần báo địa phương không dễ dàng như vậy, bởi phần lớn số này là dạng tờ tin tức do tư nhân sản xuất. Đối với họ, áp lực tài chính để duy trì là rất lớn, trong khi nguồn thu khó có thể mở rộng do tính địa phương của nội dung.
Ở Anh, nhiều tờ báo địa phương đã biến mất trong gần mười năm qua. Cơ hội tồn tại tốt hơn dành cho những tờ báo chủ động thay đổi về mặt tổ chức và phương thức hoạt động. Một thí dụ là tờ Bristol Cable, hoạt động theo mô hình thành viên ở địa phương cùng tham gia sở hữu, có đại hội đồng cổ đông quyết định đến những vấn đề chung liên quan đến tờ báo. Những thành viên này sẽ đóng góp kinh phí thường xuyên và không giới hạn, đồng thời được thông tin rõ ràng cách thức sử dụng nguồn thu của tờ báo. Là tờ tuần báo điều tra những vấn đề nổi lên ở địa phương, nên mô hình này phần nào bảo đảm được sự "liêm chính" của tòa soạn. Trang web của Bristol Cable hoàn toàn không có quảng cáo, không có những tựa đề gây tò mò, giật gân, câu khách. Một thí dụ khác, Manchester Mill, tờ báo được thành lập trong đại dịch Covid-19, lại tối ưu hóa mô hình hoạt động với chỉ sáu thành viên làm việc toàn thời gian. Tuần báo này có khoảng 2.000 người đăng ký với mức chi phí thấp, bắt đầu cho ra lợi nhuận.
Một số trường hợp tiêu biểu nói trên cho thấy người đọc vẫn có nhu cầu tiêu thụ nội dung báo chí chất lượng cao, nhất là những nội dung mang tính địa phương và cá nhân hóa. Chuyển đổi số là yêu cầu gần như bắt buộc, nhưng có lẽ cũng chưa phải gốc rễ vấn đề. Đúng hơn, dù ở trên nền tảng nào, báo chí cũng phải "bày" được cho bạn đọc những "bàn ăn ngon nhất", từ nguyên liệu không thể thay thế: Thông tin.