Thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả thị trường

|

Việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có sự tham gia quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đã góp phần tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) khi trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần.

Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ

- Hiện giới chuyên môn cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn mới với những dấu hiệu phục hồi rõ nét, xin ông cho biết nhận định của mình về vấn đề này?

Từ cuối năm 2022, sau vụ việc của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới... Trong khi đó, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong, ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định số 08) để điều chỉnh lộ trình áp dụng một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định số 65) theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu cân đối lại dòng tiền, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Từ quý II/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra dòng tiền trả nợ. Từ ngày 5/3/2023 (Nghị định số 08 có hiệu lực) đến hết tháng 9/2023, có 57 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với tổng khối lượng đạt khoảng 138.000 tỷ đồng.

- Phải chăng đây là kết quả có được từ hàng loạt chính sách mà Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ?

Có thể nói, sự hồi phục tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cộng hưởng của cả các chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Từ đó tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX vừa góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vừa góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường, tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

- Theo ông việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nêu trên có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường và nhà đầu tư?

Trước đây, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện tại các tổ chức lưu ký, trong đó hình thức giao dịch chủ yếu là chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và chuyển nhượng giữa nhà đầu tư và tổ chức lưu ký. Nhằm tăng cường tính thanh khoản của thị trường này, đồng thời tăng cường tính công khai thông tin về giao dịch trên thị trường thứ cấp, hỗ trợ việc theo dõi, giám sát thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 19/7/2023. Đây được coi là bước tiến mạnh mẽ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp.

Sau khi hệ thống giao dịch này chính thức đi vào hoạt động, nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua, bán trên hệ thống do HNX quản lý, việc chuyển tiền và trái phiếu thực hiện qua Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam với sự minh bạch được tăng cường thông qua các quy định pháp lý bắt buộc. Với cơ sở dữ liệu đầy đủ về toàn bộ các giao dịch riêng lẻ, cơ quan quản lý đánh giá được mức độ phát triển của thị trường, đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách cũng như quản lý giám sát để bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững.

Thực tế, hệ thống này đã góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, phục vụ tốt công tác tổ chức hoạt động giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ một cách chuyên nghiệp, có sự tham gia quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp của các cơ quan chức năng nhằm tạo ra một thị trường giao dịch an toàn, hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

- Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Tài chính đã và sẽ làm gì để tránh việc thị trường lặp lại vấn đề như thời gian vừa qua?

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã cùng các ngành liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động lành mạnh của thị trường. Đồng thời, việc xử lý nghiêm các vi phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan chức năng thời gian qua đã dần ổn định lại thị trường, tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển. Đặc biệt, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững của thị trường cần sự chung tay góp sức không chỉ từ phía chính sách quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường…

Đặc biệt, nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của chính mình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!