Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh trong bối cảnh hội nhập

|

Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết đã đưa ra quan điểm chỉ đạo "Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội". Sau hơn hai năm thực hiện, đang có những vấn đề cấp thiết đặt ra cần phải được hóa giải.

Nhiều yếu tố mới, chưa có tiền lệ

Nghị quyết số 02-NQ/TW là bước cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Phải khẳng định, việc quan tâm và đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng Công đoàn Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về các mặt nhận thức, tư duy, hành động; về tổ chức, chất lượng cán bộ và hoạt động công đoàn. Về tập hợp, vận động công nhân, người lao động, thu hút đoàn viên; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, từ thực tế các cuộc nghiên cứu, khảo sát trực tiếp công nhân, lao động, cán bộ công đoàn ở các địa phương, cơ sở cho thấy có một số vấn đề cấp thiết:

Một là, việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết của cấp ủy đảng ở nhiều nơi, một số ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự được chú trọng.

Hai là, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định, chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng tình hình mới, về tuyển dụng, giao biên chế và áp dụng chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn chưa được quan tâm thực hiện và đạt kết quả cao.

Ba là, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết về đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn chưa được kịp thời, kết quả chưa cao.

Chúng ta thấy rõ tình hình quốc tế tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen. Cùng với xu hướng dân chủ hóa, vai trò, tiếng nói và sự tham gia của các tổ chức nhân dân nói chung, tổ chức lao động-công đoàn nói riêng, ngày càng được coi trọng từ cấp độ quốc gia, khu vực đến toàn cầu. Những vấn đề đó đặt ra không ít thách thức mới không chỉ đối với công tác quản lý của Nhà nước mà còn có thể ảnh hưởng đến việc ổn định chính trị-xã hội, vai trò và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Quan hệ lao động và phong trào công đoàn trong nước đang và sẽ xuất hiện nhiều yếu tố mới, thậm chí chưa có tiền lệ như thực hiện nội dung lao động-công đoàn trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam hiện nay.

Các giải pháp trọng tâm

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa hoạt động Công đoàn Việt Nam, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 và các đạo luật có liên quan. Từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết và đồng bộ với Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới và Bộ luật Lao động (năm 2019).

Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết đặt ra nhưng đang thiếu cơ sở để thực hiện là: việc tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân; việc thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn; cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế…

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong tình hình mới nhưng chưa đạt kết quả cao là: xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt; điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp từng đối tượng đoàn viên, người lao động; lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn.