Áp lực từ nhiều phía

|

Mấy năm gần đây, ngành giáo dục ghi nhận những số liệu báo động về lượng giáo viên bỏ nghề. Đó là một câu hỏi lớn vẫn đang bị bỏ ngỏ, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Với những người ở lại, hoặc vẫn cố gắng tìm cách quay lại với nghề, liệu áp lực đè nặng nên họ có phải chỉ là "cơm áo gạo tiền"?

Vẫn như bao ngày bình thường khác, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Phương Ly (26 tuổi, Hà Nội), đang tạm gác lại đam mê nghề giáo để tập trung chăm sóc em bé mới sinh, vừa cho con ăn vừa tranh thủ cập nhật thông tin trường cũ. Nhiều người từng hỏi Ly, rằng tại sao lại thích cái nghề "làm dâu trăm họ" này đến thế? Ly nhún vai: "Cũng không biết nữa. Chỉ là tôi rất thích trẻ con. Tầm này mọi năm là mình đang dạy các con vẽ tranh, làm hoa để chuẩn bị kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam này!".

Chỉ mới đi làm được hơn hai năm, nên lương của Ly vẫn thấp. Thời gian còn công tác tại trường, Ly thường phải phụ mẹ bán bún tại nhà ngoài giờ làm để kiếm thêm thu nhập. Khi ấy, bạn bè của Ly cứ mươi bữa lại thấy Ly đi hỏi xin thùng carton, giấy vụn, giấy văn phòng dùng một mặt… cho các con ở lớp thực hành thủ công. Thường bị bạn bè trêu là "cô đồng nát", nhưng Ly thấy vui, hào hứng. Nhưng đến khi lấy chồng, sinh con, dưới áp lực cân đối thời gian và câu hỏi: "Đi làm có đủ tiền nuôi con không?", Ly nghỉ.

Tuy đã nghỉ, nhưng Ly vẫn theo dõi mọi thông tin liên quan đến nghề. Và câu chuyện xôn xao trên mạng xã hội vừa qua về cô giáo mầm non phải ngậm ngùi chia tay với phụ huynh và học sinh của mình bởi lời khiếu nại của một phụ huynh trên mạng xã hội: Cô quên tháo chun buộc tóc cho con, cô như thế là có thái độ không tốt!. Ly ấm ức, nhưng cũng không mấy ngạc nhiên: "Lớp mẫu giáo được lắp đặt camera, để phụ huynh có thể cùng các cô để ý đến các con được sát sao hơn. Có điều hiện nay, nhiều phụ huynh lại không lựa chọn trao đổi trực tiếp với cô sau giờ học, hay nhắn tin cũng được, mà họ chụp ảnh lại màn hình ngay khoảnh khắc cô hơi lơ là một chút đó, để đăng lên mạng xã hội. Thú thật, khi biết và đọc những bình luận phê bình, thậm chí là chửi bới của những người chưa hiểu rõ câu chuyện, buồn lắm!".

Cô giáo mầm non Đặng Hoài Anh (Trường mầm non Kim Liên) đồng cảm: "Không chỉ như vậy, cách giao tiếp không thông suốt giữa hai bên còn khiến giáo viên mầm non dần hình thành thói quen mới (để "tự vệ"), là ngay khi đón con vào lớp, các cô sẽ chú ý xem trên người con có vết xước hay bầm tím ở đâu không để trao đổi ngay với phụ huynh, sợ có những hiểu lầm không đáng có!".

Ấy vậy mà khi được hỏi "Sau này con lớn hơn một chút, có quay lại đi làm không?", Ly vẫn chẳng ngần ngại khẳng định ngay "Đi chứ!".

Mạng xã hội, với tốc độ lan truyền thông tin và diện phủ sóng dư luận, bên cạnh mặt tích cực, lại đang có chiều hướng trở thành chiếc "vòng kim cô" mới siết vào đội ngũ giáo viên.

Cũng trên mạng xã hội, lan truyền câu chuyện thầy giáo dạy văn tại một trường trung học phổ thông, nổi tiếng nhờ video viral trên Tiktok. Thầy được biết đến với hình ảnh trong tay cầm một cây thước to, học sinh xếp một hàng dài ngoài hành lang, thông qua những câu hỏi ngẫu nhiên của thầy về chương trình Ngữ văn đã học, để được vào lớp hay đứng hành lang. Đoạn clip rất ngắn, chỉ khoảng 30 giây, nhưng lại thu hút hơn vài trăm nghìn lượt bình luận, có người khen "thầy dễ gần, tuy phạt nhưng học sinh lại vẫn rất vui", nhưng cũng chẳng ít người bức xúc vì "thế mấy bạn không trả lời được vừa bị làm trò cười, vừa không được vào lớp à?".

Xuất phát từ mong muốn học sinh có thể ôn bài kỹ càng hơn, nếu đọc được những bình luận tiêu cực như vậy, liệu người thầy ấy còn "dám" sáng tạo để giảng dạy?

Chia sẻ nỗi niềm ấy, cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên Ngữ văn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), nói rõ thêm: "Chưa nói đến phương pháp dạy sáng tạo, bây giờ có hơi nặng lời với học sinh, có khi chỉ nửa tiếng sau là mình nổi tiếng ngay".

Bên cạnh đó, không muốn lặp lại quá nhiều những phàn nàn về thu nhập không đủ sống, cô Loan cho rằng một trong những điều khiến giáo viên ngày nay áp lực lớn nhất là… những đợt thay đổi, điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy: "Mình còn trẻ nên cập nhật công nghệ trong phương thức giảng dạy chắc chắn sẽ nhanh và thuận lợi hơn các cô lớn tuổi, nhưng cũng chẳng mấy dễ dàng. Vấn đề lớn hơn nằm ở những chương trình cải cách. Có tập huấn đấy, nhưng thời gian ngắn, lại tập trung nhiều thầy cô giáo, nên khó mà có thể giúp tất cả đội ngũ này hiểu được cặn kẽ về chương trình cải cách mới. Mà không hiểu được tường minh, thì làm sao có thể áp dụng hiệu quả?".

Những lát cắt tâm tư này, không đầu không cuối và đơn lẻ, có lẽ thường cũng chỉ nhói lên một chút thoáng qua, trong lòng người nghe. Nó cho thấy một thực tế mà nhiều người thường dễ dàng bỏ qua, thậm chí coi như điều hiển nhiên, là: Đội ngũ những người làm giáo dục và các thầy cô giáo - những người gần gũi với học sinh nhất - đang phải chịu không ít sức ép nhiều phía. Đối diện những khó khăn và áp lực như vậy, các nhà giáo thật sự rất cần được động viên, khích lệ, ghi nhận và tôn vinh nhiều hơn, thay vì những sự phán xét khắc nghiệt, mà đôi khi là "phủ định sạch trơn", ở không ít không gian…

Từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người. Dù đã tuyển mới được hơn 17.000 người, cả nước vẫn thiếu 118.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc học mầm non - Trích Báo cáo Hội nghị tổng kết

năm học, ngày 18/8/2023, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.