Bế tắc cải tạo chung cư cũ: Sống bất an, ngại di dời

|

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TPHCM có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 16 chung cư cấp D (thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm), hay nói cách khác là có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, công tác cải tạo chung cư cũ gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc khiến mối hiểm họa treo lơ lửng trên đầu người dân.

Nhìn từ bên ngoài, chung cư Trúc Giang (quận 4) đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Ảnh: THANH HIỀN

Nơm nớp lo bê tông rơi trúng đầu

Từ nhiều năm nay, chung cư Phạm Thế Hiển, phường 4 (quận 8) đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn. Chung cư có 3 lô A, B, C xây dựng năm 1972, gồm 4 tầng với 448 hộ dân đang sinh sống. Theo ghi nhận, các hạng mục bê tông cốt thép của chung cư đã biến dạng, đặc biệt ở cầu thang, chỗ bung sắt, chỗ rạn nứt, những cột đỡ có những nơi chỉ còn trơ khung sắt. Nhiều mảng tường bị bong tróc, nhếch nhác.

Khi nhắc đến tình trạng xuống cấp của chung cư, bà Đỗ Kim Lang, ngụ tại lô C lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bê tông rơi trúng đầu. Đầu năm nay, trong khi một anh dân phòng đang ngồi làm việc thì bị bê tông từ trần nhà rơi xuống trúng đầu, tóe máu, phải đi bệnh viện khâu 8 mũi. Gần đây nhất, một chị đang ngồi ngoài cửa cũng bị bê tông rơi trúng tay…”. Để minh chứng về tình trạng xuống cấp của chung cư, bà Lang lấy cây chổi chọc nhẹ lên trần nhà thì từng mảnh bê tông bong ra rơi xuống lộp bộp.

Ông Thái Văn Quốc Chính, cư dân lâu năm ở đây, kể khổ: “Chung cư này trời nắng đã khổ, trời mưa còn gian nan hơn. Khi mưa đổ xuống, nào là thấm, dột lềnh khênh, nước tràn ra hành lang, xộc vào cả căn hộ. Chúng tôi mong sao thành phố sớm có phương án di dời để xây dựng mới chung cư, chứ sống như thế này bất an quá”. Chia sẻ về nguyện vọng của người dân, ông Chính nói, người dân ở tầng trệt sống chủ yếu nhờ vào việc buôn bán tại khu vực cư trú, nên phải cho người dân tái định cư tại chỗ đúng với vị trí bị thu hồi, để tiếp tục mưu sinh.

Vào tháng 2-2023, chung cư Tôn Thất Thuyết (quận 4) đã xảy ra chuyện “động trời” khi bị sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi ở lô C. Rất may sự cố không gây ra thương vong. Sau đó, nơi bị sập đã được gia cố lại bằng các trụ thép chống bên dưới, trám vôi vữa lại các chỗ bong tróc, đổ bê tông lại sàn hành lang.

Tuy nhiên, nơi đó hiện vẫn rào lại bằng lưới B40, treo tấm bảng đỏ chót: “UBND phường 4 cảnh báo khu vực kết cấu yếu, nguy hiểm sụp đổ cấm lại gần”. Với hiện trạng như vậy đã cảnh báo trực diện về sự mất an toàn khi sinh sống nơi đây. UBND quận 4 đã tổ chức hội nghị công khai chất lượng chung cư và phương án di dời khẩn cấp, nhưng sự việc vẫn không có chuyển biến.

Cách đó không xa, chung cư Vĩnh Hội được xây dựng từ trước năm 1975, quy mô 4 tầng, diện tích đất hơn 3.600m2, có tổng cộng 104 căn hộ. Năm 2017, Sở Xây dựng TPHCM đã kiểm định chất lượng xếp chung cư này vào loại nguy hiểm, cần phải di dời, phá dỡ khẩn cấp. Dù vậy, đến nay những hộ dân chưa được di dời, luôn sống trong bất an.

Kiên quyết “bám trụ”

Có mặt tại chung cư Trúc Giang (quận 4), chúng tôi khá bất ngờ khi biết nơi đây vẫn còn người sinh sống! Tình trạng xuống cấp thể hiện rõ qua những bức tường xỉn màu đen, cây cỏ trên những khe vách tường mọc lên um tùm. Lối vào cầu thang của những căn hộ tầng trên đã được khóa chặt, tòa nhà gần như bỏ hoang hoàn toàn.

Hơn 3 năm qua, những người dân cư ngụ tại chung cư Trúc Giang đã được chính quyền bố trí tạm cư nơi khác nhưng dưới tầng trệt vẫn còn hai hộ dân đang sinh sống. Ông Lã Trọng Loan, 84 tuổi, ngụ tại tầng trệt cho biết, ông và hộ ông Đát, đều là thương binh, nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được giải quyết quyền lợi nên chưa thể dời đi.

Ông Loan kể lại, Nhà nước cấp căn nhà này cho ông vào năm 2005, là nơi cư ngụ của gia đình, đã làm thủ tục thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2015, thành phố ký quyết định bán nhà, nhưng giá bán quá cao, ông đã làm đơn kiến nghị xin được mua nhà với giá trước đó và giảm giá theo diện chính sách. Tuy nhiên, đến năm 2017, khi nguyện vọng chưa được giải quyết thì chính quyền tiến hành kiểm định chung cư, xếp vào loại cấp D hư hỏng nặng, buộc phải di dời, thế là ông không được mua nhà.

“Chính quyền địa phương nhiều lần tiếp xúc và đưa ra phương án, nếu tôi di dời thì sau này chung cư xây lại xong sẽ giải quyết cho mua nhà. Tuy nhiên, chưa có cam kết cụ thể nên gia đình chưa thể di dời”, ông Loan xót xa nói.

Ngay tại quận 1, chung cư 155-157 đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, là một trong những chung cư cũ thuộc diện phải di dời khẩn cấp vì xây dựng cách đây gần 50 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Tòa nhà cao 7 tầng, các cầu thang dẫn lên đã bị khóa lại vì cư dân đã dời đi nơi khác. Thế nhưng dưới tầng trệt vẫn còn một hộ đang bán quán nước.

Người bán quán cho biết, đây là căn hộ của bà T. đang ở nước ngoài, cho thuê lại. Kế bên là quán ăn của anh L., nằm trên vỉa hè và hành lang của chung cư. Anh L. cho biết, có nhà ở chung cư và đã di dời, được bố trí tạm cư tại chung cư 212 đường Nguyễn Trãi. Anh L. xin phường cho sử dụng tạm vỉa hè dưới chung cư để mở quán ăn, kiếm thu nhập lo cho gia đình.

“Chúng tôi rất mong chung cư sớm được xây dựng mới chứ sống cảnh tạm như thế này quá khổ”, anh L. mong mỏi. Trong khi đó, anh Đ., là một người dân đã cư ngụ tại chung cư 155-157 đường Bùi Viện, được bố trí tạm cư tại một chung cư thuộc phường 22 (quận Bình Thạnh), nhưng tâm trí vẫn luôn ngóng mong chờ ngày quay về nơi ở cũ.

“Tuy chỗ ở mới khang trang hơn nhưng nhà tôi vẫn luôn mong chờ chung cư sớm được xây dựng để ổn định cuộc sống, con cái an tâm học hành. Chúng tôi đã chờ đợi 4-5 năm qua mà nay dự án vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Có trường hợp người dân đã qua đời ở khu tạm cư. Đời con của họ tiếp tục phải chờ và cũng không biết chờ đến bao giờ”, anh Đ. tâm sự.

Đại diện UBND phường Phạm Ngũ Lão cho biết, năm 2019, quận 1 đã tổ chức di dời các hộ tại chung cư 155-157 đường Bùi Viện và bố trí tạm cư đối với các hộ dân tại chung cư trong thời gian chờ xây mới, có 95 hộ di dời, 1 hộ còn lại không chấp thuận.

Mới đây, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội của TPHCM, ông Lâm Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng cho biết, tính đến tháng 11 năm nay, thành phố đã di dời được 674/1.194 căn hộ ở các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm, trong đó 454 hộ dân tại 8/16 chung cư được di dời toàn bộ, 220/466 hộ tại 4/16 chung cư được di dời dở dang và chưa di dời là 4/16 chung cư. Hiện, 4 chung cư còn lại vẫn chưa di dời do thiếu quỹ nhà tạm cư; các khu nhà tạm cư chưa được sửa chữa và chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận người dân, gây khó khăn trong việc di dời cư dân đến nơi an toàn…