Thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030: Thừa Thiên Huế cần huy động khoảng 430.000 - 450.000 tỷ đồng vốn đầu tư

|

Ngày 29-11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 1481/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cầu Tràng Tiền và Sông Hương, những cái tên nổi tiếng của Huế

Theo kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Cùng với đó, hoàn thành, tổ chức triển khai Đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế (bao gồm: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thành lập các phường thuộc thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế); Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế (loại I); Đề án Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030; Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế và một số Đề án khác).

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt: Kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế như: Hành lang kinh tế quốc gia Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính; Hành lang kinh tế Đông - Tây: kết nối liên thông 3 cụm cảng biển với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào, trong đó, ưu tiên đầu tư Đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa Khẩu Hồng Vân thông qua quốc lộ 49F; Hành lang kinh tế đô thị hướng biển, trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến tỉnh lộ, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.

Các thiết kế văn hóa, hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa như: Bảo tàng quốc gia cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng ẩm thực Huế; Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia, Trung tâm văn hóa điện ảnh quốc gia; Trung tâm học thuật toàn cầu về bảo tồn di sản và công nghiệp văn hóa, sáng tạo…

Theo kế hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 9 - 10%/năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430.000 - 450.000 tỷ đồng,

Số vốn của khu vực nhà nước sẽ được quyết định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch ngân sách theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật ngân sách nhà nước; số vốn khu vực ngoài nhà nước, FDI phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư của địa phương. Về cơ cấu nguồn vốn: tăng dần tỷ trọng khu vực ngoài ngân sách, FDI và giảm dần tỷ trọng khu vực nhà nước.

Một trong những giải pháp được đưa ra tại kế hoạch là tỉnh Thừa Thiên Huế đổi mới, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước.

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, lĩnh vực…