Vẫn là thị trường tự phát, nhỏ lẻ
Nếu như 10 năm trước, câu chuyện khách hàng là người Việt của các gallery hạng A kinh doanh tác phẩm mỹ thuật trong nước là rất hãn hữu, có khi cả 10 năm mở cửa mà chỉ có ba-bốn người thì nay, thực tế đã và đang thay đổi.
Phần lớn, nếu như không muốn nói là tuyệt đại đa số tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đông Dương được đấu giá thành công ở nước ngoài đều do người Việt Nam mua. Thông tin "tác phẩm quý hồi hương" được đề cập thường xuyên trong mạng lưới kinh doanh mỹ thuật. Xuất hiện ngày càng nhiều động thái quan tâm, thu hút khách hàng người Việt Nam của các hãng đấu giá tên tuổi quốc tế, minh chứng cho tiềm năng khai thác thị trường mỹ thuật ở nước ta. Cũng chính biểu hiện này gợi nhắc lại sự trồi sụt của việc kinh doanh mỹ thuật trong nước do chính người Việt Nam vận hành, để ngỏ cơ hội thu lợi nhuận cho người nước ngoài.
Việc kinh doanh mỹ thuật Việt Nam phục vụ khách hàng chủ yếu là người nước ngoài từng bị "đóng băng" trong khoảng nửa đầu những năm 2000 có nguyên nhân cốt lõi từ tình trạng một số địa chỉ kinh doanh trong nước sao chép, "nhái" tranh của họa sĩ nổi tiếng. Tình trạng đóng băng đó chấm dứt với sự chủ động chú trọng vào người mua trong nước khi kinh tế bứt phá mạnh mẽ, Việt Nam chính thức thuộc danh sách các nước có thu nhập trung bình theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (từ năm 2009).
Làn sóng đầu tư bất động sản với các khu đô thị mới, tòa chung cư, biệt thự liền kề, thúc đẩy mô hình kinh doanh mỹ thuật mới: đưa các sáng tác hội họa có chữ ký của họa sĩ ít nhiều tên tuổi trong nước thay vì tranh sao chép các tác phẩm phương Tây vào trưng bày căn hộ mẫu. Đã có tập đoàn kinh doanh bất động sản đầu tư mở một không gian nghệ thuật ngay bên trong tòa chung cư thương mại của mình, triển khai dự án xây dựng bảo tàng nghệ thuật đương đại, công viên điêu khắc quy mô lớn.
Đội ngũ những người tham gia môi giới bán tranh ngày càng đông đảo, trong đó không ít người từng là nhân viên lâu năm tại các gallery thương mại hàng đầu ở hai thành phố sôi động nhất của thị trường mỹ thuật: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh... Số lượng gallery, phòng tranh, không gian trưng bày mỹ thuật lớn nhỏ ở nhiều đô thị đã tăng lên nhanh chóng với đặc điểm nổi bật là không còn tập trung ở một vài khu phố trung tâm nhằm thu hút khách nước ngoài nữa, mà có thể xuất hiện ở ngoại thành, trong một khu dân cư đông đúc, ngõ nhỏ, trên tầng cao chung cư, len lỏi trong mô hình các điểm quán cà-phê và nghệ thuật. Một vài gallery đã chủ động tìm cơ hội giới thiệu mình và nghệ thuật Việt Nam ở các hội chợ lớn nhỏ trong khu vực như Art Stage (Singapore), Art Basel Hồng Công (Trung Quốc)...
Tuy nhiên, phía sau tất cả những hiện tượng trên, thực tế cho thấy phần đông người tham gia vận hành thị trường này chỉ như chơi trò lướt sóng. Hầu hết các phòng tranh, tụ điểm nghệ thuật xuất hiện rồi biến mất rất nhanh. Kể cả một số trung tâm nghệ thuật đương đại, nhà đấu giá được đầu tư nhiều tỷ đồng ban đầu, xuất hiện rầm rộ trên báo chí trong và ngoài nước nhưng chỉ sau 3-5 năm hoạt động, đã đóng cửa hoặc chuyển sang mô hình hoạt động khác, cầm chừng, thưa thớt. Số lượng những địa chỉ và cá nhân kinh doanh mỹ thuật theo hướng tin cậy, bền vững vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Sự phát triển mạnh mẽ của việc sử dụng internet và truyền thông xã hội kích thích mỗi một cá nhân/nhóm cá nhân tự khai thác tiềm năng kinh doanh của mình, trong đó, các tác giả mỹ thuật trẻ tham gia tích cực. Nhanh chóng xuất hiện hình thức giao dịch mua bán mỹ thuật trực tuyến từ việc đăng hình ảnh tác phẩm trên Facebook, Instagram, TikTok đến việc lập các nhóm công khai hoặc riêng tư để chào bán tranh. Thậm chí không cần "nhà đấu giá", nhiều họa sĩ tự tổ chức đấu giá trên trang mạng xã hội cá nhân.
Những hình thức kinh doanh tự phát này của chính người Việt Nam lại càng khiến cho thị trường mỹ thuật trong nước giống như một cái chợ thôn dã nhỏ lẻ, manh mún: ai có gì bán nấy, giá nào cũng bán. Nói cách khác, cách thức người Việt Nam vận hành thị trường mỹ thuật của chính mình vẫn chỉ ở định dạng tự phát và nhỏ lẻ.
Thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành
Ở góc độ thực chất và đúng nghĩa của một thị trường nghệ thuật, một bức tranh, bức tượng là kết quả của văn hóa và thẩm mỹ của người tạo ra nó đồng thời biểu hiện văn hóa và thẩm mỹ của người mua, bán, sở hữu nó. Chính vì thế, nhân sự tham gia vào thị trường chuyên biệt này rất cần có thái độ nghiêm túc, bền bỉ và hiểu biết với nền tảng văn hóa đầy đặn. Đây là điều không thể có được trong ngày một ngày hai mà là kết quả của một quá trình tự trau dồi kiến thức lâu dài cũng như một sự tự cam kết mạnh mẽ về việc gắn bó với mỹ thuật. Và cũng bởi vậy, điều đó vẫn còn rất hiếm hoi trong một môi trường kinh doanh mỹ thuật như ở nước ta lâu nay, biểu hiện rõ qua đặc điểm của thị trường sơ khai trong nước như đã nói trên cũng như tình trạng tranh giả, tranh sao chép, tranh không có nguồn gốc xác thực được mua bán, trao đổi công khai tràn lan.
Nhìn trên bình diện rộng, Việt Nam đã có đầy đủ các yếu tố làm nên hệ thống vận hành thị trường mỹ thuật: bảo tàng mỹ thuật công lập và tư nhân, phòng tranh, người môi giới, nhà sưu tập, người viết nghiên cứu phê bình, giám tuyển, tạp chí chuyên ngành, khách hàng nội địa… Tuy nhiên, đã gần 40 năm kể từ khi đất nước mở cửa nền kinh tế, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu và giao dịch ngày càng phổ biến ở trong và ngoài nước, song cho đến hiện nay, đặt sang một bên nguồn lực là giới sáng tác, nhân sự của hầu hết các khâu công việc để tạo cầu nối đưa tác phẩm mỹ thuật ra với công chúng và thị trường vẫn là bài toán nan giải, bởi không có hoặc rất thiếu người làm, không có nơi đào tạo chuyên nghiệp tiệm cận các mô hình đào tạo phổ biến trong khu vực và thế giới.
Sau nhiều thời gian chuẩn bị, cuối năm 2022, tổ chức nghệ thuật đương đại The Outpost (Hà Nội) được đưa vào vận hành. Mặc dù có sự hấp dẫn của một cơ sở làm việc mới, khang trang, quy mô lớn, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quốc tế của một bảo tàng nghệ thuật, nhưng đơn vị này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì nhân sự. Đại diện The Outpost cho biết: "Một vị trí đặc thù rất khó tuyển là quản lý kho và chăm sóc tác phẩm, hầu như không có nguồn tuyển dụng trên thị trường, chúng tôi buộc phải tuyển trái ngành và đào tạo thêm. Các công việc như viết, dịch, lưu trữ, nghiên cứu thị trường cũng rất khan hiếm nhân sự chất lượng tốt, có kiến thức về nghệ thuật".
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng) ra đời từ năm 2014, hiện sở hữu 11 bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật từ dân gian đến đương đại của nhiều tên tuổi tác giả quan trọng của mỹ thuật khu vực miền trung và cả nước. Tuy nhiên, ông Hà Thanh Vân, Giám đốc bảo tàng cũng chia sẻ với chúng tôi nhiều khó khăn về đội ngũ nhân sự. Theo ông Vân, nhân sự chuyên môn của bảo tàng hiện quá ít, không đủ để đáp ứng hầu hết các khâu công tác bảo tàng; mỗi người phải làm cùng lúc ba-bốn công việc chuyên môn, trong khi phần lớn cán bộ là người trẻ.
"Bài toán nhân sự này cần được giải từ nền tảng là hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và biểu hiện bề mặt là các cơ hội lao động, mặt bằng lương trên thị trường sau khi tốt nghiệp" - đại diện tổ chức The Outpost bày tỏ. Được biết, trước mắt, tổ chức này cũng như nhiều đơn vị khác đều tự giải quyết bài toán nhân sự bằng cách đào tạo tại chỗ, gây dựng mô hình và quy trình vững chắc để có thể vận hành trơn tru.
Như đã nói trên, nhân lực cho lĩnh vực đặc thù này cần thời gian dài để chuẩn bị và đào tạo chứ không thể có được trong ngày một ngày hai. Chính vì vậy, thiết nghĩ, đã đến lúc, việc đào tạo nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, lĩnh vực mỹ thuật nói riêng cần được cải tổ toàn diện và sâu sắc theo hướng chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đa dạng và chuyên môn hóa cao, để đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của đời sống.