Nóng lên từng ngày

|

Câu chuyện một kỳ thi quốc gia tiếp tục nóng lên từng ngày. Những phụ huynh đang có con chuẩn bị vào lớp 12 như ngồi trên chảo lửa. Nhiều lãnh đạo Sở GD & ĐT tâm trạng rối bời. Hiệu trưởng các trường phổ thông loay hoay không biết định hướng chuyện dạy và học ra sao. Hiệu trưởng các trường đại học lại lo ngại về một dữ liệu xét tuyển chưa rõ hình hài và càng cũng chưa thật an tâm khi lấy dữ liệu đó làm cơ sở xét tuyển đại học.

Thầy trò cùng hoang mang

Học sinh lớp 12 đang là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng, bị xáo trộn nhiều nhất từ kỳ thi quốc gia. Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều lớp chuyên của Hà Nội đã xảy ra tình trạng “vỡ trận” giấc mộng ôn thi theo khối. Học sinh khối A giờ ồ ạt tìm thầy học thêm ngữ văn và tiếng Anh, học sinh khối C nháo nhác tìm lớp học thêm toán, ngoại ngữ. Em Trần Thanh Tú, lớp chuyên Toán Tin của một trường THPT chuyên chia sẻ, hai năm lớp 10, 11, em hầu như chỉ học “đối phó” với môn ngữ văn; giờ biết toán, văn, ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc trong 3 phương án của kỳ thi quốc gia, Tú mới vắt chân lên cổ chạy. Các bạn lớp Tú cũng vậy. Lớp chuyên Văn, Sử, Địa cũng nháo nhào. Từ giờ đến tháng 6 năm 2015 chỉ còn hơn 9 tháng, trong khi lịch học thêm các môn cũ của Tú đã kín đặc, giờ Tú và các bạn phải chen lịch học vào cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Vô cùng căng thẳng và mệt mỏi, Tú than thở: Giờ chưa vào năm học chính thức, em còn có nhiều thời gian, tháng 9 bắt đầu khai giảng không hiểu em lấy sức khỏe đâu, thời gian đâu để chạy cho kịp.

Ở các trường THPT không chuyên, các lớp phân ban cũng đang “dở khóc dở cười”. Ban A đương nhiên sẽ là toán, lý, hóa và những chuyên đề tự chọn nâng cao thuộc các môn của khối A. Ban C thì chẳng có lý gì để không chọn văn, sử, địa. Các học sinh ở ban cơ bản thì cũng đã định hướng học theo khối thi ngay từ năm lớp 10. Đến giờ, tất cả cùng hoang mang. Trò hỏi thầy sẽ thi như thế nào? Học ra sao? Thầy thì bảo chờ Bộ quyết. Giải pháp an toàn nhất mà các em và các bậc phụ huynh chọn lúc này là học thêm tất cả những môn sẽ có mặt ở kỳ thi quốc gia và đành cắn răng chấp nhập tình trạng... quá tải!

Câu chuyện quá tải, học hành nặng nề với những phương án thi thay đổi đột ngột lại được khơi lên ở nhiều diễn đàn, đến mức mà nhiều phụ huynh phải cảm thán: Một người lái xe lão luyện, đến khúc cua còn phải dừng, phải phanh để bảo đảm an toàn, vậy mà học sinh cứ đùng một cái hôm nay thi thế này, mai lại nơm nớp phương án thi khác, chẳng khác gì “chuột bạch”. Đằng này, kỳ thi tốt nghiệp 2014 vừa khấp khởi mừng vì giảm bớt số môn thi, cho học sinh được tự chọn môn thi, thì đùng một cái ngành giáo dục lại tiếp tục cho ra đời dự thảo “một kỳ thi quốc gia” với ngổn ngang bao bất cập mà trong năm học 2014 - 2015 chưa thể giải quyết tận gốc. Một thầy giáo dạy tự nhiên ở một trường phổ thông chuyên tại Hà Nội thẳng thắn bày tỏ, thầy vừa đi Kazakhstan về, thấy họ cũng tổ chức một kỳ thi quốc gia để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét vào đại học nhưng họ đã phải mất dăm bảy năm để chuẩn bị trước khi bấm lệnh tiến hành. Họ còn dự trữ một ngân hàng đề thi khổng lồ, đủ sức cung ứng đề thi cho bất cứ kỳ thi tầm cỡ nào. Với thang điểm 100, nếu học sinh đạt 35 điểm là được xét tốt nghiệp; từ 50 điểm trở lên được xét vào đại học, theo sự phân tầng của giáo dục đại học. “Tôi thấy, học sinh của họ học hành nhẹ nhàng lắm, đâu vất vả, cực nhọc như chúng ta. Có lẽ cái gốc là do chúng ta phân luồng giáo dục chưa tốt nên các em có tâm lí khoa cử, cứ học hết lớp 9 là phải vào lớp 10, cứ tốt nghiệp THPT là phải thi ĐH. Thành thử thi cử quá nặng nề, tâm lý khoa cử ăn sâu đã đổ dồn vào đôi vai người học”.

Học thế nào, thi thế đó?

GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ quan điểm: Học thế nào thì thi thế đó. Đổi mới thi cử là tốt, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học. Ngành giáo dục cần có một, hai năm để tổng kết, đánh giá về thi cử thời gian qua để làm cơ sở khoa học thì mới đưa ra được phương án đổi mới tối ưu nhất. Còn hiện tại, khi chúng ta vẫn đang dạy học theo môn, chương trình, sách giáo khoa chưa thay đổi thì thi theo môn là tốt nhất. Khi nào có chương trình, sách giáo khoa mới, thay đổi cả phương thức phát triển năng lực, phẩm chất người học tổ chức thi tích hợp, đánh giá năng lực mới phù hợp. Nôm na, GS-TSKH Đào Trọng Thi nhấn mạnh: Chưa dạy học theo phương pháp tích hợp thì chưa nên áp dụng thi tích hợp.

Rất nhiều vị lãnh đạo Sở GD & ĐT, các thầy cô dạy lớp 12 cũng đồng tình: Để có những thay đổi lớn về thi cử như kỳ thi quốc gia cần ít nhất ba năm chuẩn bị. Học sinh lớp 10 bước chân vào trường phổ thông trung học, sẽ được thông báo về phương án thi mới để ba năm tiếp đó dùi kinh mài sử theo đúng định hướng. Một nhà giáo, nguyên là Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh miền núi phía bắc cho hay, học sinh thành phố sách vở nhiều, thầy luyện thi nhiều, cái gì mới nhất, hay nhất các em được tiếp cận ngay; còn như học sinh vùng cao, đặc biệt học sinh người dân tộc thì khái niệm “bài thi tích hợp” sẽ rất xa vời. Thầy giáo này đã từng đi dự giờ một tiết học tiếng Anh ở một lớp 12. Khi thầy đứng lớp gọi học sinh lên trả lời câu hỏi, là ngay lập tức các em trả lời thầy toàn bằng tiếng dân tộc. Cứ gặp câu hỏi khó các em lại dùng tiếng dân tộc đáp lời thầy. “Thế nên, việc đưa ngoại ngữ là môn bắt buộc theo tôi cũng cần phải nghiên cứu kỹ càng. Ngay như Hà Nội, không phải vùng nào, huyện nào cũng dạy học ngoại ngữ tốt đâu”, thầy giáo này chia sẻ. Một lãnh đạo Sở GD & ĐT Kiên Giang cũng tha thiết: ngoại ngữ chưa nên là môn thi bắt buộc mà giao luôn cho các địa phương “tự quyết” theo đặc thù riêng của mỗi vùng miền...

Xét căn cơ, kỳ thi quốc gia nếu được tổ chức bài bản, có lộ trình sẽ là “phương án lý tưởng” nhất trong bối cảnh hiện nay. Bớt đi một kỳ thi là bớt đi bao sự mệt mỏi, căng thẳng về tâm lý xã hội, tiết kiệm được một khoản ngân sách khổng lồ dành tổ chức thi cùng nhiều nguồn lực xã hội, tiến tới hiện đại hóa thi cử. Tuy nhiên, khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, chưa có thời gian để các nhà trường phổ thông thích nghi thì một kỳ thi quốc gia chưa chắc đã cho ra kết quả mỹ mãn. Nói như một vị Giáo sư đầu ngành, bài toán này phải được tính thật chu đáo, tỉ mỉ để đã “ra trận” là chắc thắng bởi đơn giản trong câu chuyện này, người chịu nhiều thiệt thòi nhất không ai khác chính là các em học sinh.

Giải pháp an toàn nhất mà các em và các bậc phụ huynh chọn lúc này là học thêm tất cả những môn sẽ có mặt ở kỳ thi quốc gia và đành cắn răng chấp nhập tình trạng... quá tải!

Một kỳ thi quốc gia là chủ trương đúng đắn, có tầm chiến lược dài hơi và cũng là giải pháp phù hợp khi toàn Đảng, toàn dân đang quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo nước nhà. Chọn khâu thi cử để “đột phá” cũng là một giải pháp được ngành giáo dục ưu tiên hàng đầu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (giữa) kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT.