Cần, rất cần hay không cần?

|

Có lẽ chưa bao giờ cái gọi là Tầm soát ung thư lại trở thành trào lưu mạnh mẽ như hiện nay. Các trung tâm quảng cáo dịch vụ chẩn đoán ung thư sớm mọc lên như nấm đã đưa người dân vào một ma trận đúng sai lẫn lộn, thật giả khó lường. Vậy thực chất các biện pháp tầm soát ung thư có mang lại hiệu quả thật sự hay không?

Ung thư và chẩn đoán ung thư

Ung thư là tập hợp một nhóm các bệnh lý có nguyên nhân từ sự xuất hiện của các tế bào bất thường trong cơ thể. Các tế bào này bản chất đều có đột biến gene, phát triển mất kiểm soát, xâm lấn các mô, cơ quan bên cạnh hoặc di chuyển (di căn) đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể và gây nên các triệu chứng. Những đột biến này có thể do di truyền, do các tác nhân vật lý (tia xạ, tia cực tím, nhiệt độ...), hóa học (độc chất, hóa chất trừ sâu diệt cỏ...), sinh học: vi khuẩn, virus (Helicobacter Pylori; virus viêm gan B, virus Epstein - Barr, virus gây u nhú thường truyền qua đường sinh dục...), ký sinh trùng (sán Schistosoma). Con người bị phơi nhiễm với các tác nhân nói trên từ môi trường tự nhiên, môi trường làm việc, thức ăn nước uống, từ các thói quen sinh hoạt hằng ngày: hút thuốc lá, sinh hoạt tình dục không an toàn, nhiễm bệnh lý khi cơ thể suy yếu.

Ước tính, một người bình thường sẽ có khoảng 30 nghìn tỷ tế bào gồm hơn 200 loại khác nhau. Các tế bào này liên tục sinh sản và chết theo chu trình, trong đó luôn có các tế bào bị đột biến. Tuy nhiên, có một số người nhất định trong đó bị ung thư khi có tế bào bị đột biến nhưng không bị hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện và tiêu diệt hoặc các tế bào này không thể bị tiêu diệt, điều kiện của cơ thể và môi trường bên ngoài thuận lợi để chúng phát triển mất kiểm soát. Như vậy, ung thư là các tế bào đột biến phát triển mất kiểm soát để hình thành khối u trong cơ thể.

Các giai đoạn phát triển của ung thư bao gồm giai đoạn tiền ung thư (đã có các tế bào ung thư ở một cơ quan nào đó nhưng chưa phát triển thành khối u); Giai đoạn ung thư phát triển thành khối u tại chỗ; Giai đoạn khối u đã có di căn gần sang các tổ chức, cơ quan lân cận; Giai đoạn khối u đã có di căn xa.

Chẩn đoán ung thư dựa vào: Các dấu hiệu lâm sàng như gầy sút, mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân; ho ra máu, khó thở, đau ngực (ung thư phổi), đau vùng gan, vàng da vàng mắt (ung thư gan); tiểu máu (ung thư hệ tiết niệu); đau đầu (u não)... kết hợp với các biện pháp cận lâm sàng gồm chẩn đoán hình ảnh (Siêu âm, XQ, CT, MRI...), xét nghiệm (các chất chỉ điểm-markers ung thư, vi khuẩn, virus có liên quan đến ung thư...), và sinh thiết mô xác định tế bào ung thư là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư. Chẩn đoán được ung thư ở giai đoạn tiền ung thư được coi là sớm. Thông thường ung thư được phát hiện khi người bệnh đã có biểu hiện lâm sàng đến khám tại các cơ sở y tế hoặc tình cờ được phát hiện qua các lần khám sức khỏe định kỳ.

Có cần tầm soát, sàng lọc ung thư hay không?

Vấn đề được đặt ra là một người bình thường, chưa có triệu chứng có nên đi khám để chẩn đoán ung thư hay không? Việc này được gọi là tầm soát hay khám sàng lọc ung thư. Câu trả lời là nên.

Trong rất nhiều trường hợp, ung thư phát triển mà không có biểu hiện lâm sàng, hoặc do các dấu hiệu bệnh lý diễn tiến âm thầm, người bệnh không để ý, hoặc chủ quan, cho nên khi phát hiện ra thì đã quá muộn, khả năng đáp ứng điều trị rất kém hoặc không thể điều trị được nữa. Vì vậy, việc sàng lọc ung thư sớm sẽ phát hiện các khối u ở giai đoạn tiền ung thư, ung thư chưa di căn hoặc mới di căn vào các cơ quan bên cạnh. Điều này cực kỳ quan trọng vì phát hiện càng sớm đồng nghĩa với việc điều trị càng có hiệu quả, thậm chí có thể khỏi bệnh. Thống kê cho thấy một số bệnh có thể tầm soát ung thư hiệu quả như ung thư phổi, đại tràng, vú, tiền liệt tuyến, tử cung... Bên cạnh chẩn đoán ung thư sớm, sàng lọc cũng giúp phát hiện và loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư như nội soi cắt polyp đại tràng, cắt hớt niêm mạc dạ dày...

Tuy nhiên, sàng lọc chẩn đoán ung thư sớm cũng còn nhiều tồn tại. Thứ nhất là sàng lọc có tính chất thời điểm. Ở thời điểm sàng lọc có thể chưa phát hiện ung thư nhưng không có gì bảo đảm ung thư sẽ không xuất hiện sau sàng lọc. Thứ hai là sàng lọc có thể cho kết quả dương tính giả (cho kết quả nghi ung thư nhưng thực tế không phải) hoặc âm tính giả (sàng lọc không phát hiện ung thư nhưng người bệnh lại đang bị ung thư).

Tầm soát ung thư cũng chỉ có nghĩa là tìm các dấu hiệu ung thư (như xét nghiệm các chất do khối u tiết ra có cao hay không, chiếu chụp xem các cơ quan có hình ảnh khối u hay không...) và sau đó, dựa trên các dấu hiệu gợi ý mới sinh thiết mô để có chẩn đoán xác định. Xét nghiệm tầm soát thấy gene đột biến cũng không có nghĩa là người đó sẽ bị ung thư trong tương lai. Thêm nữa, với hàng trăm loại ung thư thì tầm soát như thế nào cho xuể? Cuối cùng, tầm soát sàng lọc ung thư cũng gây tốn kém lớn và nhiều khi mang lại lo lắng không cần thiết.

Tầm soát ung thư sao cho phù hợp

Như trên đã nói, tầm soát ung thư là một việc nên làm nhưng ai cần làm, làm khi nào, làm bao nhiêu lần, tầm soát ung thư gì, đánh giá, xử lý kết quả sau tầm soát sao cho phù hợp để có những phương án tốt nhất giúp cho người bệnh là những vấn đề không dễ!

Tầm soát ung thư vú có thể phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao hơn.

Điều đầu tiên là không phải tất cả mọi người đều cần sàng lọc ung thư và không phải tất cả mọi loại ung thư đều cần phải sàng lọc. Chỉ định sàng lọc dựa vào các yếu tố nguy cơ phát sinh ung thư đối với mỗi cá thể. Thí dụ như tuổi 45 trở lên đối với ung thư đại tràng, tiền sử gia đình có người ung thư hoặc đối với những loại ung thư có tính chất gia đình, tiền sử hút thuốc lá từ 20 bao trở lên/năm... và đối với từng loại ung thư sẽ có các yếu tố gợi ý cần sàng lọc ung thư đó hay không.

Thêm nữa, các biện pháp tầm soát cũng được chỉ định cho từng loại cơ quan sau khi thăm khám lâm sàng. Thí dụ, chụp cắt lớp phổi liều thấp tầm soát ung thư phổi; nội soi, xét nghiệm phân tầm soát ung thư đại tràng; siêu âm, chọc hút kim nhỏ tầm soát ung thư tuyến giáp... Xét nghiệm các chất chỉ điểm ung thư (Marker ung thư) ít có giá trị trong tầm soát ung thư do không đặc hiệu với từng loại ung thư, cao không có nghĩa là bị ung thư và thấp cũng không loại trừ được ung thư.

Như vậy, chọn lựa đối tượng vào các nhóm cần sàng lọc ung thư đều phải được chỉ định chặt chẽ dựa trên các bộ tiêu chuẩn đã được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi.

Rõ ràng tầm soát chẩn đoán ung thư sớm không hề đơn giản như quảng cáo. Việc tổ chức tầm soát đại trà là hoàn toàn không cần thiết và gây lãng phí lớn cho xã hội, nguy cơ cho cá thể cũng như tạo ra tâm lý sính... sàng lọc trong cộng đồng.

Để công tác sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư được tổ chức tốt và có hiệu quả, về phía chuyên môn: chỉ tổ chức sàng lọc những loại ung thư đã có nghiên cứu rõ ràng về hiệu quả sàng lọc và đã được các hiệp hội chuyên ngành khuyến cáo, hướng dẫn, Bộ Y tế cho phép cũng như chỉ định sàng lọc chặt chẽ đúng đối tượng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước: chỉ cấp phép cho những đơn vị đủ điều kiện sàng lọc; Tổ chức giám sát kiểm tra công tác sàng lọc. Có chế tài nghiêm khắc đối với những đơn vị vi phạm. Đối với người dân, cần tìm hiểu kỹ, hỏi ý kiến các nhà chuyên môn trước khi quyết định đi sàng lọc ung thư để tránh tiền mất tật mang.