NHỮNG năm gần đây, phong trào bóng rổ ở nước ta phát triển vô cùng mạnh mẽ. Bộ môn này chính thức được đưa vào giảng dạy trong trường học và được tiếp sức bởi chương trình Bóng rổ học đường do Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam triển khai.
Tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trung tâm đào tạo bóng rổ tư nhân được thành lập, và liên tục tăng trưởng về số lượng học viên tham dự. Hàng loạt sân bóng rổ công cộng được xây mới. Thậm chí, việc có ít nhất một sân bóng rổ được xem như tiêu chuẩn không thể thiếu trong nhiều dự án nhà ở, chung cư hướng đến khách hàng là các gia đình trẻ.
Nhìn lại thời điểm mới du nhập vào nước ta, bóng rổ cũng gặp vô vàn thách thức, trong việc phát triển và mở rộng phong trào. Với xuất phát điểm muộn, vốn chỉ được yêu thích bởi nhóm cộng đồng nhỏ tại các khu đô thị, không dễ để thu hút thêm người chơi mới, nhất là bộ phận khán giả đã dành tình yêu cho môn thể thao khác.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất thiếu thốn khiến người chơi khó duy trì một cách lâu dài thói quen và đam mê. Cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp chưa được xem là nghề hấp dẫn để các tài năng trẻ quyết tâm theo đuổi, cũng như nhận được sự ủng hộ của gia đình. Thiếu hụt nguồn vận động viên đỉnh cao, trình độ chuyên môn của các đội bóng trong nước còn thấp, thành tích ở đấu trường khu vực không bảo đảm... là những lý do khiến "diện mạo" bóng rổ không mấy hấp dẫn. Do đó, các thương hiệu và doanh nghiệp chưa thể ngay lập tức tin tưởng vào sự phát triển của bộ môn, khiến việc vận động các nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
"Xác định được vấn đề, bộ môn bóng rổ đã quyết tâm xây dựng con đường phát triển riêng biệt. Đó là mô hình đoàn tàu, trong đó VBA chịu trách nhiệm làm động lực chính, vừa kéo lại vừa đẩy. "Kéo" bằng sự hấp dẫn, tính cạnh tranh công bằng, trình độ chuyên môn cao từ các cầu thủ ngoại lẫn vận động viên gốc Việt, cùng sự kết hợp các yếu tố giải trí để thu hút người hâm mộ. Đồng thời, VBA "kéo" trình độ của các cầu thủ Việt đi lên, nâng tầm để thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp trở thành cơ hội hấp dẫn các tài năng trẻ" - Giám đốc điều hành VBA Trần Chu Sa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sa, với điểm tựa là nền tảng trình độ chuyên môn cao, VBA thúc đẩy sự phát triển của các chương trình đào tạo trẻ, các hệ thống giải phong trào trên cả nước, đặc biệt là đội tuyển quốc gia, hướng đến từng bước đạt thành tích cao hơn tại đấu trường khu vực và quốc tế. Thành tích ấy sẽ tác động ngược trở lại, để truyền cảm hứng và thu hút sự ủng hộ của khán giả, kích thích các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào bộ môn.
KHÔNG như Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) vốn sở hữu hệ thống giải học sinh-sinh viên phát triển làm nhiệm vụ đào tạo và sàng lọc, Việt Nam chưa có hệ thống đào tạo cơ bản đủ rộng để thu hút và chọn lọc tài năng. Điều này cũng tạo ra áp lực cho các câu lạc bộ khi phải đảm nhiệm cả hai vai trò: sàng lọc chiều rộng lẫn đào tạo chiều sâu, khiến nguồn lực bị phân tán, không thể tập trung toàn lực phát triển.
Để so sánh, NBA đã trải qua 77 mùa giải, còn VBA mới chỉ có bảy mùa giải. Trong giai đoạn đầu phát triển, mỗi đội bóng phải chật vật tìm kiếm mô hình đào tạo phù hợp với mỗi địa phương. Có câu lạc bộ đã phải vài lần hủy bỏ và xây dựng lại mô hình từ đầu. Thông qua việc đánh giá các chương trình đào tạo, VBA từng bước rút kinh nghiệm, lựa chọn những mô hình hiệu quả chứng minh được khả năng thành công. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để có thể triển khai thống nhất và giúp các đội bóng chuẩn hóa mô hình đào tạo.
Quan trọng nhất, sự non trẻ của nền bóng rổ nước nhà tạo nên bài toán đầy thách thức, về sự thiếu hụt lực lượng đào tạo có chuyên môn cao. Với số lượng chuyên gia trong nước vô cùng ít ỏi, các đội bóng đang phải trông cậy rất nhiều vào lực lượng chuyên gia nước ngoài. Song, để tuyển chọn được đội ngũ giỏi, phù hợp khả năng tài chính và có mong muốn gắn bó công việc lâu dài là điều không đơn giản.
DÙ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, đặc biệt sau những ảnh hưởng của đại dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, VBA vẫn không ngừng nỗ lực, nhằm giữ vững vai trò "kéo cả đoàn tàu bóng rổ Việt Nam tiến lên". Nhờ sức ảnh hưởng của mình, giải đấu đã góp phần thu hút, để rồi chuyển hướng các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc phát triển cộng đồng cũng như phong trào bóng rổ trên cả nước.
Theo ông Sa, trong thời gian tới, VBA sẽ tiếp tục triển khai các chương trình nhằm tiếp cận, truyền cảm hứng và khơi dậy ngọn lửa tình yêu bóng rổ đang âm ỉ cháy trong các thế hệ học sinh, sinh viên mới. Bên cạnh đó, giải đấu cũng sẽ cải tiến công tác chuyên môn, tạo nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của bóng rổ.
Cuối cùng, câu hỏi "Làm thế nào để cầu thủ chuyên nghiệp sống trọn vẹn được với nghề?" vẫn luôn được nhắc đến, như trăn trở lớn nhất của VBA cũng như chủ sở hữu các câu lạc bộ. Với VBA, việc cân đối khả năng tài chính để nâng cao mức lương cho cầu thủ qua từng năm, đồng thời tăng số trận, kéo dài mùa giải... là hướng đi được giới chuyên môn vô cùng ủng hộ. Còn với các đội bóng, quá trình mở rộng hệ thống đào tạo trẻ được kỳ vọng sẽ góp phần mang đến nguồn thu cho các vận động viên, bên ngoài thời gian thi đấu của mùa giải chính thức.
VBA và các câu lạc bộ ngày càng chuyên nghiệp, từ quá trình xây dựng chiến lược nâng cao giá trị hình ảnh của cầu thủ để trởthành lựa chọn sáng giá với các thương hiệu, làm trung gian kết nối, cho tới việc ký kết các hợp đồng quảng cáo dài hạn... Tất cả nhằm mang về doanh thu cho đội bóng, giúp cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống và gia tăng giá trị cho vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp.