Điểm nghẽn nhân lực khi chuyển đổi số khu vực công

|

Sáng 23-11, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là dự luật rất cần thiết ban hành trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi như nghiên cứu triển khai, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Trong những khâu trọng yếu đó, vấn đề nhân lực là điều mà các đại biểu lo lắng nhất bởi đây vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số, nhất là nhân lực trình độ cao của khu vực nhà nước.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, chúng ta đào tạo nhiều nhưng trong khu vực công để tuyển nhân lực công nghệ cao rất khó vì lương thấp. Do đó, cơ hội chuyển đổi số trong khu vực công bị kìm hãm. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho các trường đại học đào tạo chuyên ngành lĩnh vực này có cơ hội để đầu tư phát triển hơn.

Cùng với đó Nhà nước cần có chính sách khuyến khích tuyển dụng nhân sự chất lượng cao lĩnh vực này trong khu vực công lập nhằm khuyến khích lực lượng này tham gia phục vụ phát triển công nghệ số trong khu vực công, “bởi với mức lương hiện nay thì các em không vào Nhà nước làm”!

Chúng ta từng lo lắng bài toán làm thế nào để hút nhân tài vào khu vực công. Với thời đại công nghệ số hiện nay, rõ ràng nếu nhân lực chất lượng cao thiếu vắng ở khu vực công thì mục tiêu chuyển đổi số quốc gia vẫn có vẻ xa vời. Do đó, dự luật Công nghiệp công nghệ số khi được thông qua phải thực sự là cú hích để giải quyết được những điểm nghẽn hiện nay, trong đó có vấn đề nhân lực trong khu vực công.

Tăng tốc kinh tế số gắn với chuyển đổi số

Chuyển đổi số toàn diện - nền tảng cho Đô thị thông minh - Bài 2: Đóng góp lớn vào GRDP của TPHCM

Chuyển đổi số nâng chất phục vụ người dân và doanh nghiệp