Bước vào kho tàng nghệ thuật thế giới đồ sộ
Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm đã trở thành hiện tượng của đời sống nghệ thuật Thủ đô, khi thu hút rất đông người thưởng lãm trong suốt một tháng vừa qua (từ 8-3 đến 9-4-2019). Không gian rộng rãi của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) hầu như không lúc nào vắng khách tham quan, chiếm tỷ lệ lớn trong số đó là giới trẻ. Nhiều người dành tới một vài giờ ngồi lặng lẽ trước những màn hình lớn, để ngắm nhìn 35 kiệt tác được trình chiếu luân phiên bằng những máy chiếu hiện đại có độ phân giải rất cao, theo từng chủ đề khác nhau (từ tĩnh vật, chân dung đến hoa, phong cảnh). Nhiều người hào hứng chụp hình check-in, chia sẻ trên mạng xã hội, bên những tuyệt tác có thể lần đầu được biết tới.
Chị Nguyễn Thanh Hương - sinh viên năm thứ ba Đại học Xây dựng hào hứng chia sẻ, “tôi nghe tới Hoa hướng dương, Đêm đầy sao, Chân dung bác sĩ Gachet... đã lâu nhưng hôm nay mới được thưởng thức trọn vẹn, theo một cách thức khơi gợi cảm xúc đến thế. Những họa phẩm gốc kích cỡ nhỏ được số hóa và phóng to, giúp nhìn rõ từng lớp lang của nét cọ thô dày, giúp quan sát được cả ma trận của nét vẽ cùng sự kết hợp phức tạp của hình khối, sắc mầu và độ sáng tối đã mang đến cho tôi trải nghiệm thị giác độc đáo, mới lạ. Tôi biết, lý tưởng nhất vẫn là được ngắm bản tranh gốc, nhưng nếu chưa có điều kiện thì tiếp cận theo cách thức này cũng thỏa mãn lắm rồi”.
Triển lãm đánh dấu lần đầu công nghệ số hóa đến với công chúng Việt Nam. Nhưng số hóa đã trở nên rất quen thuộc trên thế giới, khi các quốc gia phát triển đã đi một quãng đường dài, để cập nhật và biến kho tàng nghệ thuật vô giá trở thành tài sản chung của cả nhân loại. Gần chục năm về trước, Google đã triển khai dự án nghệ thuật Art Project, như một sáng kiến đầy tham vọng giúp người dùng có thể du hành khám phá những bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới. Bạn có thể đứng giữa phòng trưng bày số 9 của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate (London, Vương quốc Anh) hay lướt qua những báu vật của Bảo tàng Kampa (Prague, Cộng hòa Séc)... dù chưa hề đặt chân tới những địa danh này. Hấp dẫn hơn, bạn có thể thưởng thức nguyên vẹn cả một kho tàng, bao gồm cả những tác phẩm chưa được trưng bày hoặc đang lưu giữ, bảo quản đặc biệt vì lý do an toàn.
Truy cập vào website MoMA của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại New York với 34 nghìn tác phẩm đã được số hóa, thưởng thức trực tuyến hơn 400 nghìn tác phẩm của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (New York) hoặc trầm trồ với 5 nghìn danh mục của Viện bảo tàng Anh... là một món quà quý mà người yêu nghệ thuật nhận được, từ nỗ lực số hóa này. Công chúng Việt Nam, cũng không là ngoại lệ. Đó là nguyên nhân thúc đẩy số hóa trở thành một trào lưu, một xu hướng tất yếu đậm tính nhân văn. “Khi kho tàng nghệ thuật được đến với toàn nhân loại, mỗi người bất kỳ đều có thể dễ dàng tham quan, chiêm ngưỡng, đều có thể sử dụng bộ sưu tập như thể chúng là của họ và bước vào hành trình khám phá thế giới nghệ thuật theo cách của riêng mình” - ông Neil MacGregor, Giám đốc Viện bảo tàng Anh cho biết.
Trong tương lai gần, không dừng lại ở việc trình chiếu tác phẩm số hóa đơn thuần như Ấn tượng phản chiếu kể trên, công chúng Việt có thể còn được tham dự những triển lãm kỹ thuật cao, sử dụng máy chiếu thực tế ảo tương tác thể hiện các tác phẩm hội họa với hiệu ứng chuyển động hoặc lấp lánh không ngừng từ trần xuống sàn nhà và tràn khắp mọi bức tường. Ngoài xem tranh, triển lãm còn có thêm chức năng giải trí hấp dẫn nhằm thu hút khán giả, như một số quốc gia đã thực hiện. Nói như ông Mizuko Endo - Giám đốc nghệ thuật của VCCA, “nhờ những hình thức tái sản xuất này mà các tác phẩm gốc sẽ có thêm nhiều con đường để trở nên phổ cập và dễ tiếp cận hơn”. Đối tượng hưởng lợi (vừa được nâng cao thẩm mỹ vừa bồi bổ kiến thức mỹ thuật bằng nhiều hình thức hiện đại hấp dẫn), đương nhiên, sẽ là đông đảo người xem.
Khán giả Thủ đô với một tác phẩm trình chiếu trong triển lãm Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm.
Và đưa tranh Việt ra ngoài biên giới
Hiện nay, thế giới chủ yếu biết đến tranh Việt thông qua những phiên đấu giá tác phẩm của các danh họa thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương. Trong khi đó, nhiều họa sĩ của giai đoạn hậu đổi mới, của hội họa đương đại Việt Nam là cái tên bán được tranh, với giá trị hợp đồng giao dịch khá cao nhưng tác phẩm hiếm khi được đông đảo công chúng biết tới. Bởi khâu quảng bá thường dừng lại ở những nỗ lực nhỏ lẻ, mang tính tự thân của từng cá nhân hoặc một số gallery, nhà sưu tập uy tín. Sau giao dịch, tranh Việt giá trị chạy ra nước ngoài, nằm yên trong một bảo tàng nhỏ hoặc một bộ sưu tập cá nhân nào đó nên rất hiếm người được chiêm ngưỡng.
Việc quảng bá trên mạng vừa manh nha đâu đó đã đối mặt với nhiều hệ lụy tiêu cực. Tranh vừa hoàn thành, chỉ chụp hình khoe lên Facebook đã ngay lập tức bị làm giả, bị copy hoặc “đạo” concept trắng trợn. Vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn loay hoay chưa tìm ra liều thuốc đặc trị. Sự co cụm đầy thủ thế trước những nguy cơ vi phạm bản quyền luôn rình rập cũng đã khiến đa phần tác phẩm hội họa đương đại Việt Nam chỉ tồn tại và có giá trị duy nhất là bức tranh độc bản. Việc khai thác những giá trị gia tăng, với biên độ dường như không giới hạn và “tái sản xuất nhằm phổ cập và dễ tiếp cận công chúng hơn” - như cách nói của ông Mizuko Endo gần như bị bỏ ngỏ.
Chính vì thế, sự xuất hiện mới đây của ông Jinhyung Park - CEO của BitGlim, một công ty công nghệ thông tin chuyên về phát triển công nghệ mới trong hoạt động nghệ thuật của Hàn Quốc tại Việt Nam đã cho thấy một tín hiệu tích cực, trong bước khởi đầu đưa mỹ thuật Việt vươn ra ngoài biên giới. Ông chia sẻ, “BitGlim sẽ cung cấp dịch vụ trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) để quảng bá, mang lại giá trị gia tăng bằng nhiều hình thức khác nhau và bảo vệ quyền lợi cho họa sĩ cũng như tác phẩm”. Với dịch vụ trực tuyến, BitGlim phát triển những ứng dụng phù hợp bằng cách số hóa toàn bộ tác phẩm. Ứng dụng này cho phép người dùng (user) có được mọi thông tin chi tiết về địa điểm, triển lãm, nghệ sĩ cũng như tác phẩm nghệ thuật. Bằng việc quét mã QR do ứng dụng cung cấp, người quan tâm sẽ có được những nội dung cần thiết xoay quanh tác phẩm và tác giả.
Theo ông Park, công nghệ số hóa hiện đại sẽ giúp tác phẩm được rất nhiều người, thuộc nhiều quốc gia biết tới. Tác phẩm sẽ được tồn tại dưới nhiều hình thức khác, được nhân bản có kiểm soát minh bạch với nhiều dạng thức khác (trình chiếu tại các không gian công cộng, bán các bản copy trên đa dạng chất liệu và kích cỡ, quảng bá trên một kênh thuê bao do người dùng trả phí sử dụng...). Dưới góc nhìn của ông, họa sĩ sẽ có lợi khi kinh phí quảng bá bằng 0, cơ hội bán được tranh gốc với giá cao tăng lên do được nhiều người biết đến, tác phẩm đi vào đời sống với nhiều phiên bản đa dạng và nguồn thu gia tăng ấy cũng là động lực kích thích họ tiếp tục sáng tạo. Việc số hóa với công nghệ hiện đại cũng cho phép mọi chi tiết dù nhỏ nhất của tranh được thu thập, lưu giữ và là dữ liệu tin cậy để phân định thật - giả, khi xuất hiện những nghi vấn về nguồn gốc tranh. Bản quyền, vốn là nỗi lo thường trực cũng sẽ được bảo vệ tối đa, nhờ công nghệ ngày một hiện đại.
Từ đốm sáng đầu tiên này, hy vọng về độ lan tỏa của mỹ thuật đương đại Việt trong tương lai gần là hoàn toàn có cơ sở. Để các tác phẩm có giá trị không còn cảnh âm thầm “áo gấm đi đêm”. Để tranh Việt có thể vươn mình mạnh mẽ ra ngoài biên giới.