Lâu dần, trong dân chúng, nhắc đến cây đa Hàng Trống người ta nghĩ ngay đến biểu tượng là Trụ sở báo Nhân Dân. Tôi gắn bó với tờ báo hơn hai mươi năm, trước khi được điều động sang lãnh đạo một cơ quan báo khác. Tính về thời gian và những đóng góp, vừa đủ tiêu chuẩn để được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo Nhân Dân. Đó là một vinh dự và niềm vui thiêng liêng, nhắc nhớ quãng đời tuổi trẻ sôi nổi gắn bó với báo, là Cơ quan trung ương của Đảng, sau thêm nhiệm vụ là Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Với chuyển động của đời sống và nhiều lý do ngẫu nhiên khác, tình hình chính trị-xã hội thời kỳ đó đã tạo ra những tiền đề, được xem như “đêm trước” của sự nghiệp đổi mới, mở ra nhiều cơ hội, dữ kiện cho báo chí nói chung và báo Đảng thêm thuận lợi để phát triển. Trong không khí ấy, việc “nở nồi”, xuất bản thêm những ấn phẩm mới như một sự cần thiết, vừa xuất phát từ tình hình nhiệm vụ cách mạng trên chặng đường mới, vừa từ đòi hỏi và nhu cầu mới của người đọc.
Vì vậy, trong thời gian gần mười năm, ngoài việc tăng trang trên tờ báo Nhân Dân hằng ngày, báo có thêm ấn phẩm Nhân Dân chủ nhật (1989) (sau đổi thành Nhân Dân cuối tuần), rồi Nhân Dân hằng tháng (1997) ra đời. Về sau, còn thêm hàng loạt sản phẩm đọc-nghe-nhìn khác như một quy luật tất yếu, để hình thành một tập đoàn báo chí lớn của quốc gia và khu vực. Trong đó, từ hôm nay nhìn lại, không ít người có cảm tưởng như vừa mới thôi, mà Nhân Dân hằng tháng đã tròn một phần tư thế kỷ.
Một phần tư thế kỷ là một thời gian không thật dài nhưng rất có ý nghĩa với các ấn phẩm của báo Nhân Dân. Tôi không thể nhắc lại vô vàn kỷ niệm sâu sắc khi được chứng kiến, tham dự, của thế hệ làm Nhân Dân hằng tháng thời kỳ trứng nước, từ việc hình thành ý tưởng, vạch lối tìm đường, kết cấu trang mục, xây dựng phong cách riêng, đến việc tổ chức in ấn, phát hành.
Càng không thể quên những cuộc họp bàn sôi nổi với cộng tác viên thân thiết dưới sự chủ trì của Tổng Biên tập Hồng Vinh, của Hội đồng biên tập với người đầu tiên được giao chủ biên là Trưởng ban Trần Truyền, một người vô cùng tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Và trên hết, ai cũng biết rằng, những năm tháng mở đầu ấy là một thời kỳ đầy khó khăn, nhưng đầy tâm huyết, sáng tạo, đoàn kết và rất vui.
Trong nghề làm báo, thêm một ấn phẩm là thêm bao trí tuệ đổ ra, với mong muốn là đúng, trúng, hay và đến với bạn đọc thật nhiều. Phải rất nhiều tâm huyết, từng bước từng bước mới đi tới định hình như hôm nay. Nhìn trên nét lớn, ta thấy cấu trúc ngày càng hoàn thiện, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, sắc sảo để đáp ứng được nhiều khía cạnh khác nhau.
Người đọc có thể tìm thấy ở đây những vấn đề cốt lõi được đặt ra của đời sống, từ những khám phá mới về lãnh đạo, quản trị xã hội và con người, đến tư duy, cách thức làm ăn kinh tế trong thời đại mới, kết hợp được tính toàn cầu và đặc trưng riêng của xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, nhận thức, cách nhìn và luận bàn về văn hóa đã nhiều trân trọng và cởi mở hơn. Các chuyên gia sâu của đủ loại hình, những ngòi bút năng nổ thuộc nhiều thế hệ, hào hứng cộng tác, gợi mở nhiều ý kiến, suy ngẫm hay cho việc sáng tạo và quản lý lĩnh vực tinh tế này.
Một số sáng tác được giới thiệu với phương thức sáng tạo, cách nhìn và hình thức biểu hiện đa dạng, phong phú hơn. Đó chỉ là vài nhận xét lướt qua mà nhiều người cảm thấy, có thể đồng tình. Điều quan trọng hơn nữa là tính toàn quốc được mở rộng. Người đọc phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long thấy được những vấn đề nóng bỏng, bức xúc nhất của vùng đất mình, những bàn luận của những chuyên gia tiêu biểu trên báo. Công cuộc xây dựng ở những vùng đất này sau giải phóng, nhất là những năm gần đây, đã có phát triển vượt bậc, được quan tâm phản ánh.
Đặc biệt TP Hồ Chí Minh, trung tâm nhiều mặt của các tỉnh phía nam, với những chung cư cao tầng được xây dựng, những con đường to rộng và những cây cầu lớn vóc dáng đẹp ra đời, những con kênh đen và khu nhà ở cũ ở được cải tạo, chỉnh trang, không chỉ làm cho gương mặt thành phố khang trang, môi trường trong lành hơn mà cuộc sống và an sinh của người dân cũng rất nhiều thay đổi. Tất nhiên, người đọc vẫn mong muốn có thêm nhiều hơn nữa, bàn luận sâu hơn nữa về đất đai, giao thông, biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, sự liên kết vùng, tới các vấn đề văn hóa giáo dục, văn học nghệ thuật về vùng đất xa với trung ương này.
*
Cuộc sống hiện tại đã và đang nhiều đổi khác. Các phương tiện thông tin mới ra đời, với tất cả những sức mạnh và hấp dẫn riêng, cạnh tranh với nhau và với báo rất quyết liệt. Không chỉ báo chí in trong nước sụt giảm mạnh, mà ngay các nước tiên tiến, báo in cũng hết sức khó khăn, nhiều tờ báo giàu truyền thống như Newsweek, The New York Times, The Washington Post hay The Wall Street Journal đều dịch chuyển mạnh về nội dung, giảm số lượng phát hành, thải bớt nhân viên. Có báo còn phải đình bản. Người đọc thế hệ mới cũng rất khác, báo giấy không còn độc tôn, công chúng có thể thu nhận thông tin bằng nhiều kênh khác nhau. Thích ứng được với tình hình là thử thách vô cùng khắc nghiệt và to lớn.
Vì thế, việc cải tiến, đổi mới là chuyện không có điểm dừng, phải luôn luôn suy nghĩ tìm cách tạo ra sản phẩm mới thích ứng đòi hỏi mới của người đọc. Trọng trách ấy đang đặt ra trên vai các thế hệ đương nhiệm, không chỉ ở tờ báo hằng tháng, về tổ chức bài vở, thông tin, bình luận để chiếm lĩnh công chúng, trong lúc các phương tiện nghe nhìn khác, các cơ quan báo chí khác cũng có nhiều sáng kiến hay.
Là cơ quan ngôn luận của Đảng mà lại là Đảng cầm quyền, càng ngày tiếng nói chính thống chính thức từ nơi đây càng quan trọng, rất cần được lan tỏa và thấm nhuần đến người đọc. Đặc biệt là tinh thần khơi dậy khát vọng và chuyển hóa thành hiện thực đang là trọng tâm của tình hình mới, tiếng nói ấy càng trở nên cần thiết, làm sao trở thành sức mạnh vật chất, thúc đẩy và góp phần vào tiến trình xây dựng đất nước hôm nay. Đó cũng là mong muốn, là đòi hỏi của người đọc đối với tờ báo, từ Ban Biên tập đến mỗi phóng viên, không chỉ tâm huyết với công việc, gắn bó sâu sắc với đời sống của nhân dân, đất nước mà còn phải phát huy tối đa trí tuệ, tâm sức để làm nên những sản phẩm cuốn hút và lay động lòng người.
Trong đó, đội ngũ lãnh đạo báo các cấp, càng cần quan tâm hơn, vì với cương vị là người chỉ huy, cần “con mắt xanh” và tính liên tài trong sử dụng con người, nhất là những tài năng trong lĩnh vực của mình, bởi lẽ nhân tài bao giờ cũng là của hiếm, rất hiếm, vì vậy, người biết trân trọng, quy tụ và khích lệ sự sáng tạo của nhân tài, như nhận xét của người xưa, đó chính là “nhân tài của nhân tài vậy”! Mong muốn ấy là khát khao cháy bỏng của lòng người, của nhân dân trong vận hội mới của đất nước.
*
Nhìn từ lịch sử, phương nam là mảnh đất hun đúc sinh ra những con người can trường, anh dũng, năng động, phóng khoáng, nghĩa tình. Nơi đây từng nhiều thời kỳ chìm đắm dưới ách nô lệ của các thế lực phong kiến thực dân cũ và mới, nhưng cũng là nơi chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, cả trong nước và trên thế giới. Bây giờ lại đã qua gần năm mươi năm xây dựng trong hòa bình. Những tác động mạnh mẽ ấy đã sản sinh ra nhiều khuynh hướng, trải nghiệm nhiều mới lạ.
Đặc biệt là trong lĩnh vực văn chương, báo chí, tuyên truyền. Những tờ báo đầu tiên của lịch sử báo chí nước nhà, những trang văn xuôi hiện đại đầu tiên được manh nha và hình thành trên vùng đất này. Thời hiện đại và cả hôm nay, báo chí phía nam tiếp thu và phát huy rất nhiều yếu tố tích cực của truyền thống, để vận dụng vào thực tiễn. Những kinh nghiệm, những bài học của họ trong quá trình tổ chức một tờ báo, xử lý quan hệ giữa báo với người đọc và nhiều việc khác nữa, thật sự có giá trị rất quý cho làng báo cả nước, nhất là các tờ báo có chức năng đảm đương những nhiệm vụ chính trị hệ trọng của Đảng, đất nước, dân tộc. Nhận thức đúng về sự thật lịch sử đó, khai thác các yếu tố tốt đẹp trải nghiệm từ thực tiễn, vận dụng vào tình hình mới, sẽ rất có ích cho việc xây dựng các ấn phẩm của báo Đảng vừa chuẩn mực, đúng và hay, cởi mở, sinh động và hấp dẫn hơn.
Rất nhiều người con của báo, cũng như cá nhân tôi, dù ở xa, vẫn luôn luôn gắn bó, theo dõi những chuyển động của báo, trân trọng từng chi tiết nhỏ trong cải tiến và điều chỉnh kịp thời trên mọi ấn phẩm, để thích hợp với thời cuộc mới. Chúng tôi xem đây không chỉ là niềm vui, niềm tin, mà còn lắng nghe, tập hợp những tiếng vọng khác của dư luận chung quanh mình, không phải chỉ một vài người, để qua đây, muốn gửi tấm lòng mình, từ phương nam xa, ra Thủ đô, ra Cơ quan ngôn luận tuyên truyền quan trọng của Đảng, mà biểu tượng gắn liền với cây đa Hàng Trống.