Đường đến thành công nhiều chông gai
Được biết, nhóm kịch xã hội hóa (XHH) của Nhà hát kịch Việt Nam do bà đứng ra chèo lái đã hoạt động từ năm 2013. Và Câu lạc bộ sân khấu Lệ Ngọc đã chính thức trở thành đơn vị tiên phong trong mô hình XHH ở phía bắc từ tháng 9-2016. Bà có nghĩ mình “liều”, khi dũng cảm khai mở lối đi đầy thách thức ấy?
Bạn bè, đồng nghiệp nói tôi liều thì có, nhưng tôi thì không. Bởi tính đến nay, tôi đã có tới 42 năm là nghệ sĩ, rồi đảm nhiệm vai trò quản lý, đôn đáo làm công tác ngoại giao để ký kết từng hợp đồng biểu diễn cho Nhà hát kịch Việt Nam qua bảy đời giám đốc. Một đời gắn bó với sàn diễn, tôi rất buồn khi công chúng quay lưng với nhà hát đã từng giữ vị trí “anh cả đỏ”, từng là niềm tự hào của sân khấu kịch nước nhà. Vở diễn chất lượng mà không có khán giả, diễn viên tài năng đạt danh hiệu NSND mà không có cơ hội diễn xuất thì cũng đồng nghĩa với thất bại.
Nói XHH là lối đi chông gai không sai. Bạn thấy đấy, 12 nhà hát công lập tại Hà Nội đang sống bằng bầu sữa ngân sách, có quỹ lương và sở hữu đội ngũ đông đảo lên tới cả trăm người mà vẫn loay hoay giải bài toán kinh tế, thu hút khán giả không xong. Tôi rất ngạc nhiên, khi với trung bình hơn chục tỷ đồng được rót mỗi năm, nếu không dựng vở thì các nhà hát biết tiêu gì cho hết? Bởi vậy, tôi thấy bao cấp là sự tổn hại lớn nhất cho tiến trình phát triển của sân khấu. Bầu sữa ngân sách, dù hào phóng đến đâu cũng sẽ tới lúc phải cạn kiệt, nếu các đơn vị công lập không chịu thay đổi tư duy, không chịu vận hành theo phương thức XHH vốn là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ thì tương lai sân khấu sẽ ra sao? Băn khoăn day dứt mãi, tôi luôn nghĩ đó là nhiệm vụ của mình, sứ mệnh đi tiên phong XHH sân khấu phía bắc đặt trên vai mình. Và nếu mình không dốc toàn tâm toàn lực, không kéo được khán giả trở lại thì sân khấu sẽ chết. Đó là điểm khởi đầu của sân khấu Lệ Ngọc.
Có thể mường tượng được vô vàn khó khăn đã đến với một sân khấu XHH vừa thành lập của bốn năm về trước, thưa bà?
Sân khấu Lệ Ngọc trực thuộc Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và được sự hỗ trợ của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nhiều người nghĩ, chắc phải có sự hậu thuẫn của một mạnh thường quân nào đó để sân khấu non trẻ đạt được những thành công ấn tượng hiện tại, chỉ sau vài năm thành lập. Thật ra, mạnh thường quân - nếu có - chính là chồng tôi. Ông từng là diễn viên, là đồng nghiệp cùng nhà hát. Và ông chấp nhận hy sinh để lui về phía sau làm kinh tế, để tạo điều kiện tối đa cho tôi được bay bổng cùng giấc mơ tận hiến cho sàn diễn. Chuyện mang tiền nhà đi làm vở là đương nhiên, khi chúng tôi không có không gian biểu diễn riêng, không có đội ngũ nghệ sĩ cơ hữu ban đầu của riêng mình. Như chuyến lưu diễn “Kịch nghệ - ngọn lửa tình yêu giữa Sài thành hoa lệ” dự kiến kéo dài từ 27-11 đến 8-12 tới đây, chỉ riêng tiền thuê sân khấu đã tới 600-700 triệu đồng, cộng thêm chi phí ăn ở đi lại cho mấy chục con người là xấp xỉ hai tỷ đồng. Nhìn vào thành quả mà sân khấu Lệ Ngọc gặt hái hôm nay, dễ dàng nghĩ đường tới thành công bằng phẳng. Chỉ người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất vị mặn của nước mắt, của lao động nghệ thuật nhọc nhằn, nhẫn nại với những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Khán giả là yếu tố quyết định thành công
Nhìn lại quãng đường nhọc nhằn ấy, những bí quyết giúp định vị thương hiệu Lệ Ngọc là gì, thưa bà?
Năm 2019 là năm vàng son của sân khấu Lệ Ngọc, khi mang tác phẩm đi lưu diễn tới 10 nước. Đại dịch Covid-19 hoành hành và khiến ngành công nghiệp biểu diễn toàn cầu lao đao cũng không ngăn được chúng tôi dựng tới năm vở mới, tính từ đầu năm. Và Lệ Ngọc cũng có tới hai đợt du diễn tại TP Hồ Chí Minh - miền đất hứa của sân khấu kịch chỉ trong năm nay, 18 buổi diễn của đợt một và hơn 20 suất diễn của đợt hai sắp tới đều đã bán hết sạch vé. Đó là còn chưa kể, những Thị Nở - Chí Phèo, Tấm Cám, Cây tre thần, Huyền thoại Gò Rồng ấp, Tình bạn và công lý...
liên tục đến với công chúng Thủ đô, với tần suất hai ba buổi mỗi ngày. Bè bạn đùa tôi giống phù thủy phép thuật, khi có thể phủ kín khán phòng dăm bảy trăm ghế bằng những hợp đồng trọn gói trong khi những đơn vị khác phải nhặt nhạnh từng tấm vé lẻ.
Với slogan “Kết nối đam mê và lòng nhiệt thành”, chúng tôi tập trung sản xuất những vở kịch mang đậm giá trị văn hóa Việt, nhằm quảng bá rộng rãi hồn cốt và tinh thần Việt tới công chúng trong và ngoài nước. Tính tới tác phẩm mới nhất Quan Âm Diệu Thiện đang dàn dựng, sân khấu Lệ Ngọc đã có kịch mục đa dạng gồm 14 tác phẩm. Trong đó có cả những vở khá “nặng đô” như Kim Tử (chuyển thể từ Nguyên Dã của nhà văn Trung Quốc Tào Ngu, do đạo diễn Singapore Chua Soo Pong dàn dựng) hay Ngũ biến về đề tài tín ngưỡng hầu đồng. Không chỉ được công chúng Thủ đô đón nhận, Ngũ biến cùng Kim Tử đã chinh phục khán giả phía nam, ngay trong chuyến du diễn đầu tiên năm 2018.
Bên cạnh những vở lấy cảm hứng từ mạch nguồn cổ tích như Tấm Cám - Cây tre thần, chúng tôi cũng có những vở chính kịch chất lượng như Tình bạn và công lý, Mảnh vở Hà Nội, Thị Nở - Chí Phèo... Chúng tôi không có vở nào ra mắt rồi cất kho. Chúng tôi cũng đã xây dựng một lượng lớn khán giả yêu mến của riêng mình. Rất nhiều người trong số họ đã miệt mài đồng hành cùng Lệ Ngọc, cứ có vở mới là mua vé đi xem. Tình yêu lớn lao mà họ dành cho sân khấu XHH này khiến tôi vô cùng hạnh phúc.
Còn bí quyết thu hút khán giả, thưa bà?
Chúng tôi coi vở diễn là sản phẩm văn hóa và khán giả chính là khách hàng. Để đưa sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng, chúng tôi tìm hiểu nhu cầu của họ rất kỹ. “Chế độ hậu mãi” hướng tới cả hai đối tượng khách hàng tiềm năng và trung thành được đội ngũ marketing thực hiện rất chuyên nghiệp và tận tâm. Trước mỗi đêm diễn, một lá phiếu đánh giá, chia sẻ cảm xúc được chúng tôi trân trọng gửi tới từng người xem. Và cuối mỗi đêm, chính tôi sẽ đọc thật kỹ hàng trăm phản hồi, gạch chân những ý kiến gan ruột mà họ gửi gắm, để có thể điều chỉnh, hoàn thiện và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của số đông. Là diễn viên, tôi có thể ngủ một giấc dài sau đêm diễn thành công. Nhưng là người cầm lái cả một đơn vị nghệ thuật, tôi vẫn phải suy tư, trăn trở không ngừng nên chỉ có thể ngủ 3-4 tiếng.
Ngắm khán giả khóc cười cùng vở diễn, nghe họ khen ngợi và quảng bá tác phẩm theo hình thức truyền miệng cho nhau trên mạng xã hội, tôi hạnh phúc vì thấy mình đã đi đúng hướng. Khán giả chính là chìa khóa thành công và cho tới thời điểm này, chúng tôi đã tìm được. Cũng có đôi lúc nản lòng, khi không nhận được sự động viên khích lệ cũng như sự vào cuộc của lãnh đạo ngành. Cũng đôi khi thấy cô đơn, khi một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân, khi các nhà hát vẫn hờ hững với hướng đi XHH. Nhưng còn sức thì tôi còn cháy hết mình, bởi “con tằm dẫu thác vẫn còn vương tơ”!
Trân trọng cảm ơn bà!