“Sáng lên từ những nhỏ nhoi”

|

Cho đến nay, Đoàn Văn Mật đã trình làng ba tập thơ, tập gần đây nhất là “ Ngoài mây trời đầy trống vắng ” (NXB Hội Nhà văn, 2023).

Nếu ai đi theo “chủ nghĩa đề tài” để bước vào thơ của Đoàn Văn Mật thì sẽ hoàn toàn thất bại. Thơ Mật không chạy theo đề tài cụ thể nào, hiểu theo nghĩa là đối tượng người nào, phạm vi đời sống nào, vấn đề nhân sinh xã hội nào...

Nếu ai thích tinh thần hiện thực, cảm hứng hiện thực trong thơ để soi vào thơ Mật xem chừng cũng thất bại nốt. Thơ Mật không nhằm nắm bắt và biểu đạt một bức tranh đời sống xác định, rõ rệt nào.

Thơ Mật từ đầu đến cuối chủ trương dò tìm và biểu đạt một thế giới ngoài thực tại, phi thực tại, thế giới nội cảm với những “bóng”, “bông hoa”, “ký ức”, “lặng im”, “khe khẽ”, “nhỏ nhoi”..., tức là những ánh xạ của thực tại chứ không phải là thực tại trực tiếp, biểu kiến, nhìn thấy:

- Ngồi trong đêm tối / tôi ăn con đường/ và ăn luôn cả/ bóng tôi trên tường

- Vừa bước ra từ đêm/ chữ nối chữ về tìm lại bóng

- phía xa xôi tìm đến/ tiếng thì thầm thoang thoảng như mưa

Trong thơ Đoàn Văn Mật, ngay từ tập thơ đầu tiên cho đến bây giờ, hình ảnh của “bóng”, được hiểu như như một hình chiếu của thực tại (giấc mơ, ký ức, tâm tư, tưởng tượng, ảo ảnh...) trở đi trở lại với một mật độ dày đặc. Một nỗi nhớ đi qua bóng: “tôi cúi xuống/ bóng mình/ gặp khoảng trời cố hương vời vợi”. Một thân phận mây mang hình hài bóng: “Đã dạt về cuối trời/ vẫn đổ bóng sang vòm trời khác/ những đám mây kia ơi/ bay nhẹ thế làm ta kinh ngạc”... Bóng với các biến thể khác nhau chính là dòng tâm tư bất định cất lên từ những nỗi niềm đơn lẻ, nhỏ nhoi, thầm lặng trong đêm xa vắng, trong những bước chân độc bộ, trong những ký ức vọng về. Có khi một ý hướng, một ao ước được gửi vào ảnh hình của những bóng em bóng hoa, bóng cây cùng hòa làm một: “sợ làm tan chiếc bóng/ sợ làm lay chiếc bóng/ sợ làn hương bay đi” trong một bài thơ mang tên “Bóng”.

Như một trạng thái có vẻ xác định hơn, tạo hình hơn, dòng tâm tư cũng chỉ là một thế giới của những im lặng, khẽ khàng, trong đó hình ảnh bông hoa được nhắc đến khá nhiều. Hoa như một danh từ chung, chỉ loài:

- cạnh chiếc bình không hoa/ thấy có ngàn hương tỏa

- Im lặng/ Lặng im/ Nín thở/ Nụ hoa vừa mở cánh hoa/ Bò quanh một làn hương lạ/ Mùa thu bỗng hóa chiếc bình.

Nhiều khi hoa lại là danh từ riêng gọi tên những loài hoa cụ thể: hoa sen, hoa cúc, hoa đại, hoa loa kèn... Với mỗi loài hoa ấy, nhà thơ cũng không nhằm miêu tả bông hoa, mà bao giờ cũng như muốn cố nắm bắt phần hồn vía của hoa, nội tâm của hoa, tức là cái phần hư ảnh, mơ hồ nhất: làn hương. Và hương thơm của mỗi loài hoa cũng chỉ là một dạng thức khác của “bóng” mà thi sĩ họ Đoàn rất thích gọi lên. Có lẽ trong thế hệ mình, nhà thơ Đoàn Văn Mật viết về thế giới của “bóng” và “hoa” nhiều nhất. Cả hai đều thuộc về những trạng thái im lặng, nhỏ nhoi, khuất lấp. Tất cả những giấc mơ, sự lặng yên, những bông hoa, những làn hương trong cảm nhận của nhà thơ dường như được dồn tụ lại trong một khổ thơ đầy ấn tượng này:

mười năm mơ một ngôi nhàđựng vừa tiếng trẻim lặng vẽ từng cánh hoađêm vừa mở làn hương thật khẽ

Vì vần vụ trong không gian của bóng, nên đôi khi thơ Đoàn Văn Mật có những câu thơ bắt sang địa hạt của ảo ảnh, ảo giác mang màu sắc siêu thực, rất lạ, gây ám ảnh. Đây là những câu thơ nói về chữ: “vừa bước ra từ đêm/ nụ cười ai văng vẳng/ phố không người/ hoa đại thác vào trăng”. Còn đây là những câu thơ nói về việc “Phơi mưa”: “Treo áo quần lên cơn mưa/ mỗi giọt nước mang ngàn tia nắng nhỏ/ vừa đậu vừa rơi/ (...) vừa đậu vừa rơi/ mỗi giọt nước - một mặt trời/ từ đêm qua đã chết”. Hình ảnh hoa đại, trăng, tia nắng, mặt trời trong các câu thơ trên thật ra cũng là những dạng thức khác nhau của bóng mà thôi. Tôi nghĩ, nếu nhà thơ để tâm tận lực cho vệt đi này, rất có thể tạo ra được một thứ cảm quan mỹ học riêng, đầy đặn.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở một thế giới của những bóng và hoa như thế, thơ có nguy cơ tự tiêu trầm. Như một lực sống tự nhiên, một ham muốn thầm kín, tác giả Đoàn Văn Mật để cho mỗi bài thơ về cuối bao giờ cũng bật lên, trồi lên những cảm giác thanh sáng, ấm áp, tin cậy:

- một nhành cây qua đêm đâm chồi / cao hơn giấc mơ người đã trồng ra nó.

- và con đường bỗng nhiên nở sáng/ người sóng đôi, hàng cây sóng đôi/ anh chợt nghĩ mình là ngọn nến/ cháy long lanh từng bước chân người.

- ngôi nhà chúng ta nhỏ thôi/ hạnh phúc chúng ta nhỏ thôi/ cuộc đời chúng ta nhỏ nhoi/ nhưng đang thì thầm hát/ bài hát ngân trong vời vợi kiếp người.

Thơ ca sinh ra không đồng lõa với sự chán nản và cái chết. Thơ ca cho dù trong những biểu đạt tuyệt vọng nhất vẫn xanh lên ước vọng.

Bên cạnh những vần thơ lặng lẽ nội tâm, Đoàn Văn Mật cũng có những câu thơ mang hơi hướng triết luận. Nhưng đó chưa phải là thế mạnh của anh. Tôi thấy cứ mỗi khi tâm hồn thi sĩ ngả về những tâm tình thân thuộc của cuộc sống thường nhật lại có được những bài thơ dung dị, đủ làm xao xuyến tâm hồn người đọc. Những bài thơ như “Đêm”, “Ngày cưới”, “Mỗi ngày”, “Đêm ở nhà số 4” được khởi lên từ tâm tình cụ thể trong đời sống cá nhân thi sĩ lại có một năng lượng rất mạnh. Thì ra, chỉ từ những gì thật tha thiết, thật máu thịt với tâm hồn thi sĩ, thơ ca mới có thể cất tiếng, đặt điệu, nhả lời. Với thi sĩ họ Đoàn, thơ thật sự đã “Sáng lên từ những nhỏ nhoi”...

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Đoàn Văn Mật

Mỗi ngày

Anh thay đổi mỗi ngày
để thấy em vui
nấu cơm dọn nhà giặt giũ
mỗi sáng dậy cùng em đi chợ

anh thay đổi để biết mình bé nhỏ
để thấy mình sạch sẽ
để thấy mình còn đôi bàn tay trắng
ngày ra phố cầm vài tia nắng
đêm về sưởi ấm tay em

mỗi tối anh đi trên đường
đếm những bước chân
bước chân con hoa nở
bước chân em lá xanh
bước chân anh tình tự
hòa vào dấu lạ, bước quen

anh thay đổi mình
thành đứa trẻ cùng con
tập vẽ, tập tô
tập ngây ngô trốn tìm, đuổi bắt
tập trồng cây, gieo hạt
những mầm xanh theo mắt con cười

anh thay đổi mỗi ngày
để thấy em vui
ngôi nhà chúng ta nhỏ thôi
hạnh phúc chúng ta nhỏ thôi
cuộc đời chúng ta nhỏ nhoi
nhưng đang thì thầm hát bài
hát ngân trong vời vợi kiếp người.

Minh họa | NGUYỄN MINH

Đêm ở nhà số 4

Vừa bước ra từ đêm
chữ nối chữ về tìm lại bóng

bao nhiêu chữ đã sang sông
bao nhiêu chữ sáng cùng hy vọng
bao nhiêu chữ lẳng lặng vào dĩ vãng
chữ chữ như mây, như khói đưa đường

bao nhiêu chữ đan thành áo lính
đến rồi đi mòn mỏi chiến trường

chữ quỳ
chữ nằm
chữ vươn vai đứng thẳng
chữ chữ khải hoàn
chữ lỗ chỗ trên mình thương tích
chữ tới đích và chữ chưa xuất phát
đêm về tìm lại bóng mình

vừa bước ra từ đêm
chữ với chữ xếp hàng
chữ ngay ngắn
chữ nghiêm trang
chữ ngả nghiêng
chữ nối chữ đáp từ cùng chữ
chữ chữ gặp nhau nhắn nhủ đời mình

vừa bước ra từ đêm
nụ cười ai văng vẳng
phố không người
hoa đại thác vào trăng.