Còn nhiều khó khăn cản trở

|

Dư luận vẫn còn bức xúc với hình ảnh nhà máy gang thép Thái Nguyên trong dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 từ năm 2007, tổng mức đầu tư lên tới 8.100 tỷ đồng đắp chiếu thành đống sắt gỉ. Đối nghịch với nó là biệt phủ xa hoa của ông Trần Văn Khâm, lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Mãi đầu năm 2021, 19 bị cáo của dự án tai tiếng này mới bị tuyên án bồi thường 830 tỷ đồng, nhưng khả năng thu hồi rất hạn chế. Minh chứng điển hình cho thấy, nếu TSTN không được thu hồi thì các phán quyết của Tòa án cũng chỉ có hiệu lực trên giấy, tài sản Nhà nước vẫn bị thất thoát.

Gian nan truy tìm, thu hồi

Trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng bị buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thi hành án được khoảng tám tỷ đồng. Một vụ án này cũng đủ kéo tụt tỷ lệ THTSTN thời gian qua xuống thấp.

Nhiều vụ án thu hồi “chỉ như muối bỏ bể ”, số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án lại rất nhỏ. Vụ án Trịnh Xuân Thanh, tổng số bồi thường là 122 tỷ, đến nay mới thi hành được 31 tỷ; vụ Huỳnh Thị Huyền Như tổng tài sản đã kê biên khoảng hơn 500 tỷ đồng, số còn lại khoảng 13.500 tỷ đồng đến nay chưa có điều kiện thi hành án; vụ Phạm Thị Bích Lương số phải thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng nhưng tổng số tài sản kê biên đã xử lý chưa đến 100 tỷ đồng.

Các vụ án tham nhũng lớn có nhiều tình tiết phức tạp, các mối liên hệ chằng chịt, diễn biến trong khoảng thời gian dài, các tài sản liên quan đến nhiều giao dịch, nhiều quan hệ dân sự như mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, góp vốn, đầu tư... nên điều tra xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh TSTN đòi hỏi thận trọng, công phu. Đơn cử vụ án Phạm Công Danh, việc chuyển dịch dòng tiền của các bị cáo hết sức phức tạp, chồng chéo, có dòng tiền phải qua quá trình điều tra dài mới có thể xác định chính xác. Nhiều vụ phát hiện qua xác minh tin báo, tố giác tội phạm; sau quá trình thanh tra, kiểm toán; khởi tố về tội danh khác để điều tra rồi mới khởi tố về tội tham nhũng, khâu giám định, định giá tài sản tốn kém thời gian và chi phí, đến khi khởi tố bị can, kê biên, phong tỏa tài sản thì đương sự đã kịp thời tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản. Nhiều đối tượng còn sẵn sàng chấp nhận “hy sinh đời bố, củng cố đời con” để con cháu thụ hưởng khối tài sản lớn nên nhất quyết bất hợp tác, tìm đủ mọi cách che giấu TSTN.

Chưa kể, không ít vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng, tòa án thường chú trọng chứng minh hành vi phạm tội để bảo đảm không oan sai, bỏ lọt tội phạm mà chưa quan tâm đúng mức phần trách nhiệm dân sự và việc xử lý tang vật. Một khó khăn nữa khi truy tìm TSTN mà Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ chỉ rõ là cơ chế quản lý tài sản còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung đối với thông tin về tài sản phải đăng ký và thói quen sử dụng tiền mặt khi giao dịch.

Theo một số thẩm phán, đôi khi xét xử vụ án tham nhũng lớn, phần hình sự không áp lực nhiều bằng dân sự. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chánh tòa kinh tế TAND cấp cao tại Hà Nội bộc bạch: tài sản kê biên, phong tỏa nhiều, đông người triệu tập đến tòa, các tình huống phức tạp thường gặp là tài sản liên quan đến nhiều giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình, đến chế định tài sản chung vợ chồng, xử lý cổ phần, cổ phiếu của bị cáo trong khi doanh nghiệp đang hoạt động... Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Xuân Tĩnh chia sẻ, đối tượng tham nhũng có địa vị, hiểu biết pháp luật nên tính toán đường đi nước bước rất kĩ, thường chỉ khi tới phiên phúc thẩm, biết chắc đối diện với mức án cao mới chấp nhận giao nộp TSTN để hưởng khoan hồng, giảm án. Tòa tuyên kê biên số lượng cổ phần, cổ phiếu, khi cơ quan THADS thu hồi giá trị thực tế còn rất thấp bởi đa số công ty khi bị “sờ gáy” thì giá cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí là âm.

“Sự chênh lệch giữa lệnh kê biên tài sản của cơ quan điều tra, quyết định của Tòa án với kết quả xác minh trên thực tế của cơ quan THADS, chuyển giao chậm hoặc không đầy đủ bản án, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tang vật, tài vật, tài sản kê biên nên cơ quan thi hành án chưa có cơ sở để xử lý tài sản hoặc kê biên được rất ít tài sản. Xác định hiện trạng, tình trạng pháp lý về đất đai phục vụ thu hồi tài sản của Văn phòng đăng ký đất đai các cấp còn chậm, trả lời chung chung không đáp ứng được yêu cầu, phải đề nghị xác minh tại nhiều cơ quan đơn vị”, Tổng cục Phó THADS Trần Thị Phương Hoa bày tỏ. Bà Nguyễn Thu Nga, Phó phòng Nghiệp vụ, Cục THADS Hà Nội than thở “nỗi khổ trần ai” với muôn hình vạn trạng tình huống trớ trêu. TSTN nhiều chủng loại, nằm rải rác ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý của tài sản nhiều khi chưa rõ ràng do chưa có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu của người phải thi hành án, đến tận nơi xác minh phải hẹn năm lần bảy lượt, nhờ cậy chính quyền, cảnh sát khu vực, tổ dân phố; thái độ bất hợp tác như đóng cửa không tiếp, cố tình chây ỳ, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vượt cấp để kéo dài, trì hoãn thi hành án nên chấp hành viên phải kiên trì theo đuổi, khéo léo vận động, thuyết phục. Vất vả là thế mà không ít tài sản kê biên thiếu cơ sở vật chất bảo quản sau một thời gian hư hỏng, bán được rồi thì tiền thu lại chẳng được bao nhiêu. Thế nên, với vụ án phức tạp, các chấp hành viên dày dạn kinh nghiệm được ưu tiên “chọn mặt gửi vàng”.

Rửa tiền, bỏ trốn ra nước ngoài

Quá trình xác minh TSTN, có những tình tiết “cười ra nước mắt” khi chủ nhân đứng tên những căn biệt thự xa hoa, khối tài sản khổng lồ lại là nông dân hằng ngày đi cày ruộng hoặc những cậu ấm, cô chiêu tuổi đôi mươi đã sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ngoài hình thức phổ biến là mua nhà, xe nhờ người thân đứng tên thì nay thủ đoạn che giấu, ngụy trang tinh vi, xảo quyệt hơn như đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chuyển tiền ra nước ngoài dưới vỏ bọc đầu tư, sử dụng công ty bình phong nhằm rửa tiền... Có đối tượng tiêu xài hoang phí, khi bị bắt tài sản đã sạch trơn. Huỳnh Thị Huyền Như chi tiêu cá nhân gần 100 tỷ đồng như du lịch, làm thẻ xanh đi Mỹ, sử dụng gần 3.000 tỷ đồng trả lãi cao cho các đối tượng môi giới, cho vay lãi nặng, việc giao nhận tiền trực tiếp, không thể hiện trên sổ sách, chứng từ nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để thu hồi. Thậm chí, các đối tượng còn lo lót sẵn quốc tịch nước ngoài, mua nhà, lập tài khoản ở nước ngoài để chuyển tiền, sẵn sàng cao chạy xa bay ôm theo TSTN khi có “động” nên THTSTN thêm phần nan giải.

THTSTN ở các vụ án có yếu tố nước ngoài còn khó bội phần, nhất là những nước mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp. Rào cản xuất phát từ sự khác biệt về chế độ chính trị, pháp luật và cơ chế phân công trách nhiệm phòng chống tội phạm ở mỗi nước khác nhau, cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế chưa đầy đủ, không bảo đảm chặt chẽ. Luật Tương trợ tư pháp chưa có các quy định cụ thể về phát hiện, thu hồi, chuyển giao TSTN hay chia sẻ thông tin với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài liên quan đến TSTN. “Một số quy định chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu các điều khoản điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp liên quan đến phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu tài sản và xử lý tài sản do phạm tội mà có”, Tổng cục Phó THADS Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Đáng tiếc là nhiều vụ việc đã xác định rõ và bị cáo đã khai nhận nhưng không thu hồi được TSTN. Tại phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ, Phan Sào Nam khai có 3,5 triệu USD gửi ngân hàng tại Singapore nhưng qua ba năm vẫn chưa thu hồi được mặc dù Việt Nam và Singapore đã tham gia tương trợ tư pháp trong khối ASEAN. Trong vụ Dương Chí Dũng tổng số tài sản bị thất thoát là 6,7 triệu USD có 4,3 triệu USD chuyển cho Công ty Global Success ở Nga tới nay vẫn biệt tăm dù Việt Nam đã có văn bản đề nghị tương trợ tư pháp. Đề nghị, kiến nghị nhiều nhưng không nhận được hồi đáp đã không còn là chuyện hiếm.

Những rào cản pháp lý

Cho đến nay, THTSTN chủ yếu vẫn được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đòi hỏi quy trình hết sức nghiêm ngặt, kéo dài. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, việc áp dụng các biện pháp thu hồi không qua thủ tục kết án hình sự và buộc đối tượng tình nghi phải tự chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản mang lại nhiều hiệu quả đột phá, đó cũng là yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tuy nhiên, các biện pháp nói trên sau nhiều năm cân nhắc vẫn chưa được bổ sung một cách có hệ thống vào quy định pháp luật. TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật PCTN năm 2018, nhiều phương án mạnh mẽ được đưa ra xem xét để thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp nhưng vẫn chưa có phương án đột phá được thông qua, áp dụng.  THTSTN theo thủ tục hành chính bước đầu được quy định trong Luật Thanh tra nhưng còn thiếu cụ thể, THTSTN thông qua tố tụng dân sự mới chỉ là các quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại.

 Bị cáo Phan Sào Nam khai nhận tại phiên tòa xét xử còn 3,5 triệu USD gửi ở ngân hàng tại Singapore. Ảnh | DH

Vẫn còn hàng loạt rào cản như các quy định của pháp luật về THTSTN còn mang tính nguyên tắc, nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Theo ông Nguyễn Đức Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Viện KSNDTC, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chưa có quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi một cách chi tiết và đầy đủ, không có quy định riêng cho việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế mà áp dụng chung cho tất cả các loại tội phạm. Các quy định chưa chú trọng nhiều việc làm rõ TSTN, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi, chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan như ngân hàng, tài chính, đất đai, xây dựng, giao thông... trong phối hợp, phát hiện, xác minh làm rõ TSTN. Hình phạt tiền vẫn chưa được coi là hình phạt chính đối với tội phạm tham nhũng theo thông lệ quốc tế; chưa bổ sung chính sách hình sự giảm nhẹ đặc biệt đối với người bị kết án phạm tội tham nhũng, kinh tế đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại cũng như hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Thực tiễn PCTN và THTSTN cũng cho thấy, nhiều khó khăn xuất phát từ bất cập pháp luật, điển hình là quy định về kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Biện pháp kê biên tài sản bị thu hẹp diện đối tượng được áp dụng chỉ là bị can, bị cáo nên không thể áp dụng đối với các đối tượng chưa bị khởi tố bị can, nhưng có căn cứ xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội hoặc nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội; biện pháp phong tỏa chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội, nhưng thực tế có những đối tượng không bị buộc tội nhưng lại đứng tên giúp tài sản cho bị can hoặc đối tượng bị buộc tội, nên không áp dụng được biện pháp này nếu chưa xác minh làm rõ. Điều tra vụ án Hứa Thị Phấn là minh chứng điển hình cho thấy, đến khi Cơ quan điều tra xác minh làm rõ được việc này, thì đối tượng cũng đã thừa thời gian để tẩu tán tài sản.

Khó khăn THTSTN còn do chưa có quy định bắt buộc việc giao dịch kinh tế, dân sự với số tiền lớn phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Thế nên dư luận có câu: “Cởi ra mới biết béo gầy. Mới khai tài sản thì đây sợ gì!”.

Đã đến lúc cần có phương án đột phá nhằm hoàn thiện pháp luật về THTSTN, tạo cú hích mạnh mẽ hơn cho công tác này.

Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Singapore và Nam Phi đều thực hiện chiến lược THTSTN bằng cách hình sự hóa hành vi “làm giàu bất chính”. Một viên chức Chính phủ sở hữu những tài sản không phù hợp với thu nhập chính thức mà không thể giải thích thuyết phục đều có thể bị tịch thu hoặc phạt tù, có thể kèm thêm phạt tiền ở mức rất cao. Ngoài ra, THTSTN còn có thể dựa vào các chế tài mang tính kinh tế, thí dụ như phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Ở Singapore, tòa án có thể áp dụng thêm phạt tiền với mức tương đương giá trị của “của hối lộ”. Ở Nam Phi, phạt tiền bổ sung có thể được áp dụng với mức phạt lên đến năm lần giá trị của khoản lợi bất chính do tham nhũng.