Thơ, hoa của người

|

Trong bài thơ mang tên “Nàng, hoa của cát” (đồng thời cũng được lấy làm tên cho tập thơ, NXB Hội nhà văn, 2019), nhà thơ Kiều Maily đã có những câu thơ như thể tự họa về mình: Nàng, hoa của cát/ yếu đuối giữa men tình/ kiêu hãnh với cô đơn/ nỗi mơ cuốn nàng về miền hạnh phúc/ Nàng, hương của đất/ chắt chiu giọt phù sa nuôi nấng đời cây/ hẹn mùa gieo hạt. Bài thơ có ba chủ thể: nàng, hoa và cát trong mối quan hệ gắn bó, ràng rịt với nhau.

Nàng chính là hoa của cát (tựa như trong văn hóa truyền khẩu của dân tộc Việt “Người ta là hoa đất”), được sinh ra từ cát, được nuôi nấng, trưởng thành, kết tinh để nở thành hoa; bông hoa ấy thơm hương thắm sắc nhờ cát, đất mẹ. Nàng là hoa. Nàng và hoa là một, trở thành nhất thể. Cả hai cùng hiện thân cho Cái đẹp của thế giới này.

Chính vì thế, nhân vật trữ tình tự tin và kiêu hãnh thấy mình là Apsara, em và Apsara cũng trong nhau, làm một và là một: Apsara/ người là ai Apsara/ mà thở trong em thức/ trong em múa trong em/ điệu diễm ảo cao hơn giấc mộng/ Đường cong thân nàng hay đường cong thân em/ Apsara/ môi người cười hay em đang mỉm cười Apsara/ Có phải nàng là em Apsara/ hay em là nàng/ Apsara? Thần vũ nữ Apsara là một cổ mẫu biểu trưng cho vẻ đẹp toàn bích về nhan sắc và nghệ thuật trong văn hóa Hindu. Cổ mẫu đi vào thơ hiện đại như một dòng chảy tự nhiên mà nữ thi sĩ thuộc về. Apsara cũng là hoa của cát. Nhà thơ đã kéo nữ thần về với trần thế, mang vẻ đẹp trần thế, sống đời trần thế: Thoát bóng nữ thần/ cởi xiêm áo cung đình chật/ em chân trần làm tình nhân mặt đất/ múa vũ điệu con người. Trong cảm quan của chủ thể trữ tình, được sống tận độ với trần thế này chính là hạnh phúc.

Nếu hình ảnh “đất” như một thực thể tự nhiên mang tính khái quát, thì đến Kiều Maily đất mang dạng thức “cát” - một chất liệu cụ thể hơn, đặc trưng hơn, bản địa hơn, thuộc xứ sở Chăm. Cát chính là điều kiện địa lý tự nhiên của dải đất miền Nam Trung Bộ. Nhưng cát đi vào trong thơ Kiều Maily có thêm những nét nghĩa khác. Cát là nơi khởi sinh sự sống, khởi sinh con người. Cát cũng là nơi nhận về những tử biệt sinh ly. Cát cũng là gió (gió cát), là nắng. Đồi cát, sa mạc cát vừa là không gian vật lý, vừa là một không gian tinh thần. Trong thi cảm của Kiều Maily, cát tượng trưng cho một quê hương khắc nghiệt, kham nhẫn, chở che và kiêu hãnh.

Chính vì thế, nữ thi sĩ này lúc nào cũng nặng lòng với nơi chốn quê hương. Hình ảnh những đồi cát miên man, những cây xương rồng khẳng khiu, những bầy cừu, bầy dê táo tác, những đứa trẻ nghèo, những thiên tai và nhân tai luôn rình rập. Trên cái phong cảnh chung đó, xuất hiện một không gian làng, “palei” theo cách gọi Chăm, được trở đi trở lại trong thơ Kiều Maily với một mức độ dày đặc. Palei hiện lên trong rất nhiều cảnh huống, màu sắc, khi xa khi gần, khi trực tiếp khi hồi nhớ. Đó là những con mương đực mương cái - ẩn dụ về sự sống tươi tốt lứa đôi. Đó là những lễ hội, tiếng trống, điệu múa. Thấp thoáng những tập tục, trang phục, những nếp sinh hoạt hiện lên (mộ đá Chăm, áo dài Chăm; người đàn bà đội lu nước, làm gốm...). Nữ thi sĩ có những câu thơ xuất sắc về người mẹ Chăm: Mẹ đã xoay vòng nặng một màu chàm/ chỉ trong vài giờ/ vừa xoay mẹ vừa già/ Vậy mà đã xa (Nhớ dáng Palei). Là công việc mưu sinh đấy. Nhưng cũng là sự sống bản địa. Một cảm thức về thời gian trôi, sự sống lưu chuyển. Những câu thơ gợi chiều sâu của những kiếp người, của palei Chăm hiện tại và miên viễn...

Xuyên suốt các tập thơ, chủ thể trữ tình đã tự “tố cáo” mình như một kẻ luôn lên đường và trở về. Lên đường để đi về “hướng mở” (như cách nói của nhà thơ đồng hương Inrasara). Lên đường mở ra đất nước. Lên đường mở ra với năm châu. Trở về để nương tựa, thụ nạp dưỡng chất quê hương. Chính vì thế, thơ của Kiều Maily hiện đại ngay từ đầu mà cũng dân tộc ngay từ đầu. Dân tộc tính trong dáng vẻ hiện đại.

Điều này trước hết thuộc về cảm thức thơ ca. Kiều Maily sống trong và sống cùng toàn bộ đời sống này cả với hiện tại và quá khứ, ở palei của mình và ở các không gian khác trên mọi miền đất nước, yêu thương và sống chết với mỗi nơi chốn đi đến và trở về, tất cả đều đắm đuối và cả những xa xót chúng sinh. Phải có một tấm lòng nhiều rung cảm, rộng rãi, phóng khoáng, vô phân biệt mới có được nguồn thi cảm giàu có, phong nhiêu như thế. Thơ Kiều Maily chan chứa sự sống.

Thơ chị cũng dám biểu tỏ một cách bạo dạn những cảm giác có tính nhục cảm của con người khi yêu một cách trẻ, đẹp và thiêng. Điều này có được là nhờ nội lực mỹ cảm tinh tế của nhà thơ: anh sẽ hóa kiếp/ nhiều/ nhiều lần hơn/ để được/ ngồi cà phê bên em chiều nay/ để/ hôn tóc em mắt em môi em vòm ngực em/ như chúng mình đang/ chiều nay/ mãi mãi. Đôi câu thơ thật đẹp dưới đây, có vẻ tiết chế hơn, nhưng cũng thật chất chứa: Anh là một vệt sáng buồn/ bước vào đời em làm giông gió. Thì ra, người nữ ở đâu khi yêu chẳng đắm say.

Thêm nữa, Kiều Maily chủ trương chọn thể thơ tự do (mặc dù chị có làm thơ lục bát, rất ít), một thể thơ cho phép người làm thơ thoát khỏi một số khuôn mẫu gò bó về vần, chữ, nhịp, đăng đối... để được “co duỗi” thoải mái miễn sao phù hợp với cảm xúc và ý tưởng riêng. Với thơ Kiều Maily, người đọc không bị làm khó ở thể thơ, câu chữ, mà có lẽ chính là ở hệ thống hình ảnh thuộc về văn hóa Chăm, như những ký hiệu hàm nghĩa. Có lẽ đây là một điều kiện đối với người đọc khi tiếp nhận các thi phẩm của nữ thi sĩ này.

Tôi cho rằng, thơ Kiều Maily rất Chăm mà hiện đại. Kiều Maily là một trong số không nhiều các nhà thơ dân tộc ít người đã nhập vào hải lưu thơ Việt Nam hiện đại có xu hướng giao lưu quốc tế. “Nàng, hoa của cát”. Với nữ sĩ Kiều Maily, có thể nói thơ chị chính là Thơ, hoa của người.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Kiều Maily

KHÚC THEI MAI GIỮA SÀI GÒN

Loài dế lạc bầy cuối vườn chuối kêu chưa thôi
tiếng kêu tìm bạn tình, có lẽ

Khúc dân ca đầu hôm ai bỏ dở nửa chừng
âm vang lửng lơ trong gió
làm thức giấc mơ hoang

Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ
lũ dê đã về chuồng
dường nắng Phan Rang vừa tắt

Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng
khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm
dáng người đi như nhớ

Anh là một vệt sáng buồn
bước vào đời em làm giông gió

Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai *
hồn người như mộng vỡ.
______________
* Ai đến

Minh họa | NGUYỄN MINH

NHỚ DÁNG PALEI

Mẹ đã xoay vòng nặng một màu
chàm chỉ trong vài giờ
vừa xoay mẹ vừa già
Vậy mà đã xa
ký ức chôn ẩn đầy ngõ ngách của palei *
Đi
Ánh sáng chín vàng đã bị mất từ hôm qua
vĩnh viễn không thấy nữa,
ngọn lửa đã cháy hết hũ lu đất
cháy hết điệu múa
cháy hết màu rơm cuối cùng
Palei phát ra một màu sắc
trên những nỗi đau
làm sao?
tìm lại mẹ, khi bóng khói đã mất
làm sao, tìm hồn chữ giữa bãi cháy sa mạc
lúc này
hiện tại
ngay bây giờ
làm sao để khóc tìm nét cha
trong tấm khăn Njăm
làm sao!!!
chỉ có thể là lửa
và giọt màu đỏ Palei
Đi…
_________________
* Làng người Chăm