Phim Tết

|

Ngày xa xưa, khi tôi còn bé tý, không hề có khái niệm “phim Tết”. Bởi vì thứ nhất gần như toàn bộ hồi đó là phim Liên Xô, mà Liên Xô tuy là bạn thân thiết vô cùng với Việt Nam nhưng cũng chả hiểu Tết Việt Nam là gì mà sản xuất phim cho dịp ấy. Thứ hai là hồi đó đi xem phim là một thứ giải trí khá sang trọng. Hồi đó ở Hà Nội, tôi còn nhớ như in, rạp Tháng Tám có loại vé ba hào, năm hào và sáu hào thì ngồi trên gác, tôi thề là trong suốt 21 năm ở Hà Nội chưa hề mua vé sáu hào ngồi trên ghế bao giờ, đa số chỉ đủ vé ba hào và không phải phim nào cũng được xem.

Mà hồi ấy, Tết quan trọng nhất là ăn. Rất nhiều món ăn như bánh quy gai, kẹo Hải Châu hoặc bánh chưng và thịt gà, thịt đông chỉ Tết mới có, cho nên mọi người dồn sức và dồn tinh thần cho “ăn Tết” chứ chơi Tết và xem Tết là việc thứ yếu. Do đó, bây giờ ngồi nhớ lại, tôi không cách gì nhớ nổi bộ phim nào để lại ấn tượng về Tết của mình ngày xưa. Điện ảnh rõ ràng bị thua giò chả, nem rán và hạt bí, mứt gừng.

Cho đến những năm 90, khi vào Sài Gòn sinh sống, tôi mới biết khái niệm phim Tết, bởi lúc đó phim Việt Nam đặc biệt là phim video bùng nổ với giá thành rẻ và phương tiện gọn nhẹ, hầu như ai có tiền một chút cũng làm phim được, chiếu rạp được, thế là phim Tết ra đời.

Thật ra, sau này tìm hiểu, tôi mới biết từ trước 75, Sài Gòn đã có phim Tết kiểu như “Tứ Quái Sài Gòn” hoặc “5 Vua hề về làng” của nhiều hãng phim tư nhân.

Tết là dịp ăn và chơi. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cái ăn ngày càng mất đi phần quan trọng. Gần như toàn bộ các món ăn ngày Tết bây giờ ngày thường cũng có, cũng mua được ngay lập tức chỉ cần có tiền. Do vậy, phần chơi đã được nâng cao. Nhưng như bất cứ thứ gì khác, phong trào phim Tết cũng có lên có xuống, có thăng có trầm. Thời kỳ bùng nổ của phim video cũng là bùng nổ của phim Tết, nhưng sau đó đến sáu, bảy năm khi phim video suy tàn, điện ảnh Tết cũng tàn theo. Nói chả phải kể công, có lẽ chỉ đến khi phim “Gái nhảy” do tôi đạo diễn vào dịp mồng 8 Tết năm 2002 ăn khách, ầm ĩ, phim Tết mới hồi sinh trở lại.

Những bạn bè ở Tây kể rằng bên đó cũng có mùa phim Giáng sinh, nhưng không cách gì bằng mùa phim Tết Việt Nam vì Giáng sinh luôn quá lạnh, tuyết phủ trắng xóa, trẻ con không dám đi ra đường nhiều, mà trẻ con hay đám tuổi teen là loại khán giả quan trọng nhất. Với các nhà làm phim Việt hiện nay, có hai tâm lý luôn tồn tại song song là thích Tết và sợ Tết.

Thích Tết vì đó là lúc người ta đi xem phim rất đông. Đông đến mức có nhiều rạp cả năm vắng như chùa Bà Đanh, mấy ngày Tết bỗng hồi sinh trở lại. Đặc biệt hôm nay, khi các phòng chiếu phim thường đặt ở những trung tâm thương mại lớn, việc đi xem phim cũng là dịp để nhìn ngắm quần áo đẹp của nhau và nhìn ngắm các món đồ sang trọng, lộng lẫy, thơm phức, đến rạp với giới trẻ thật là thích thú. Thử tưởng tượng hôm nay, với đám sinh viên và học sinh, nghỉ Tết có thể từ 10-15 ngày không xem phim thì làm gì cơ chứ.

Cho nên nói theo ngôn ngữ kinh doanh, Tết rõ ràng là dịp hốt bạc. Nhưng khốn thay, đó cũng là con dao hai lưỡi và cả hai lưỡi cùng sắc đứt tay hoặc đứt cổ như chơi.

Bởi mình muốn phim mình chiếu Tết thì người khác cũng muốn, mình quen biết, ăn nhậu, say sưa với chủ rạp thì đứa khác cũng quen biết và cũng say sưa. Do đó, hầu như chả Tết nào các rạp tại Sài Gòn chiếu một phim Việt Nam. Ít nhất phải hai, ba, thậm chí bốn phim.

Chiếu nhiều phim thì sao? Thì phim nào yếu bị vứt ra ngoài ngay lập tức chứ sao. Không lơ mơ gì cả, vì trong dịp Tết thời gian rất quý, không có chỗ cho ai kém sức khỏe.

Do vậy, giới làm phim luôn thì thầm, thị trường phim Tết là một thị trường tàn nhẫn, ở đó người ta không thương xót ai, cũng không nể nang ai, đưa phim vào rạp chiếu Tết là đánh một canh bạc một sống một chết!

Đấy là chưa kể, có những năm, tất cả cùng chết. Đó là năm phim “Mỹ nhân ngư” của đạo diễn Hồng Kông Châu Tinh Trì đột nhiên thắng lớn, quét sạch tất cả các phim Việt trong những ngày Xuân.

Vậy công thức làm phim Tết phải thế nào?

Theo thì thầm của một số kẻ chuyên nghiệp, có hai công thức cơ bản thống trị các tác phẩm này: Đó là phim phải có hài và không có... chết!

Hài thì lúc nào cũng cần, nhưng đặc biệt Tết còn cần hơn nữa vì theo các thầy bói kinh doanh, những ngày Xuân là những ngày thiên hạ cần vui vẻ, cần cười toác cả mồm và không cần gì thêm nữa. Cho nên các nhà làm kinh tế nghệ thuật luôn cố gắng nghĩ ra các tác phẩm đơn giản, chỉ nghe tên cũng biết nội dung ra sao kiểu như “Phát tài phát lộc” hoặc “Tám Tàng về làng” quy tụ các danh hài, nghĩ ra một câu chuyện vớ vẩn gì đó sau đấy quay vội quay vàng. Họ còn lạm dụng đến mức đầu phim hoặc cuối phim các nhân vật hay gào lên “Cung chúc tân Xuân” bất kể hoàn cảnh thế nào.

Cho nên đã có một thời, bà con trong nghề kháo nhau là phim Tết cẩu thả, dễ dãi, chỉ cần khiến khán giả vui vẻ một cách đơn sơ là xong. Cũng may, tình trạng này đang ngày một giảm và phim Tết ngày càng khá hơn.

Nói chung, không thể phủ nhận phim Tết là một bộ phận quan trọng của điện ảnh, nếu biết khai thác và sản xuất cho đàng hoàng, sẽ là một đòn bẩy cho nghệ thuật thứ 7!