TPHCM: Giá đất cao nhất ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, hơn 687 triệu đồng/m²

|

Ngày 16-10, Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TPHCM đã có báo cáo thẩm định dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16-1-2020 của UBND TPHCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn TPHCM.

Trong báo cáo số 302/BC-HĐTĐBGĐ do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP, ký ban hành, nêu rõ: Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP thống nhất theo đề xuất của Sở TN-MT tại tờ trình số 10487, ý kiến của tổ giúp việc hội đồng và dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020.

Đồng thời, giao Sở TN-MT TP căn cứ quy định của pháp luật hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TPHCM nêu, tại các tờ trình trước đây, Sở TN-MT sử dụng dữ liệu giá đất nông nghiệp tính bồi thường trên địa bàn TPHCM để đề xuất giá đất nông nghiệp là chưa phản ánh đầy đủ giá đất nông nghiệp thuần túy cho hoạt động trồng trọt, sản xuất.

Nay, tại tờ trình số 10487, Sở TN-MT đã xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp trên cơ sở giá đất nông nghiệp quy định tại Quyết định 02/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) theo Quyết định số 56/2023 nhằm đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất nông nghiệp là phù hợp.

Điều này cũng không ảnh hưởng đến trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì khi đó người bị thu hồi đất sẽ được xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường để tính bồi thường.

Đồng thời, Sở TN-MT đã xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao theo hướng giữ nguyên như mức thu hiện hành là phù hợp.

Đối với đất ở, Sở TN-MT thực hiện thu thập thông tin giá đất từ cơ sở dữ liệu giá và giá đất chuyển nhượng thị trường và căn cứ tình hình kinh tế - xã hội thực tiễn của TP, để đề xuất bảng giá đất đối với đất ở phù hợp với từng quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đồng thời, đã thực hiện rà soát, cân đối các mức giá đối với các vị trí giáp ranh giữa các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đoạn đường, tuyến đường trên cùng một địa bàn.

QL22, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM với đường Vành đai 3 đi qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với đất thương mại, dịch vụ, tại tờ trình số 10487, Sở TN-MT đã xây dựng bảng giá đất đối với đất thương mại, dịch vụ trên cơ sở đánh giá đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực để đề xuất mức giá cho từng khu vực, vị trí là phù hợp.

Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ, tương tự như đất thương mại, dịch vụ, Sở TN-MT đã đánh giá đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực để đề xuất giá đất đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là phù hợp.

Trên cơ sở đó, Sở TN-MT đã đề xuất giá đất đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có tính đặc thù (đất khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp, khoáng sản); đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào các mục đích công cộng là phù hợp.

Người dân xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM chơi thể thao trên mảnh đất vườn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trước đó, Sở TN-MT đã có tờ trình số 10487 gửi Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP về việc ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 của UBND TPHCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, đối với đất nông nghiệp sẽ phân làm 3 khu vực và 3 vị trí. Trong đó, khu vực 1 gồm: quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận. Khu vực 2 gồm: quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức. Khu vực 3 gồm: huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

Vị trí 1: thửa đất tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 200m. Vị trí 2: thửa đất không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 400m. Vị trí 3: các vị trí còn lại.

Nhằm tạo điều kiện cho ngành sản xuất nông nghiệp TP ổn định và phát triển đảm bảo chiến lược về an ninh lương thực thực phẩm, các sở, ngành đã cân đối mức thu trước đây và tỷ lệ thu tại Nghị định 103/2024 của Chính phủ quy định về giá đất để đề xuất giá đất nông nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024 và thuộc thẩm quyền quy định của UBND TPHCM, áp dụng giá đất nông nghiệp tại Quyết định 02/2020 nhân cho hệ số K tương ứng theo từng khu vực, vị trí tại Quyết định 56/2023. Trong đó, khu vực 1 nhân hệ số K 2,7 lần. Khu vực 2 nhân hệ số K 2,6 lần. Khu vực 3 nhân hệ số K 2,5 lần.

Giá đất trồng cây hàng năm (đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác) ở khu vực 1, vị trí 1 là 765.000 đồng/m2, vị trí 2 là 540.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 432.000 đồng/m2. Đối với khu vực 2, vị trí 1 là 650.000 đồng/m2, vị trí 2 là 520.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 416.000 đồng/m2. Đối với khu vực 3, vị trí 1 là 625.000 đồng/m2, vị trí 2 là 500.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 400.000 đồng/m2.

Đối với đất trồng cây lâu năm, ở khu vực 1, vị trí 1 là 810.000 đồng/m2, vị trí 2 là 648.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 518.000 đồng/m2. Đối với khu vực 2, vị trí 1 là 780.000 đồng/m2, vị trí 2 là 624.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 499.000 đồng/m2. Đối với khu vực 3, vị trí 1 là 750.000 đồng/m2, vị trí 2 là 600.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 480.000 đồng/m2.

Con đường xanh mát tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM: Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với đất phi nông nghiệp, đất có vị trí mặt tiền đường (đường có tên trong bảng giá đất ở), áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường (lòng đường, lề đường, vỉa hè) hiện hữu được quy định trong bảng giá đất điều chỉnh. Trong đó, giá đất cao nhất ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1), có giá cao nhất lên đến 687,2 triệu đồng/m2.

Các vị trí tiếp theo không tiếp giáp mặt tiền đường bao gồm: Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1. Vị trí 3 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3m đến dưới 5m thì tính bằng 0,8 của vị trí 2. Vị trí 4 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có những vị trí còn lại tính bằng 0,8 của vị trí 3.

Trường hợp các vị trí nêu trên có độ sâu tính từ mép trong của đường (lòng đường, lề đường, vỉa hè) của mặt tiền đường (theo bản đồ địa chính) từ 100m trở lên thì giá đất tính giảm 10% của từng vị trí.

Người dân xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM trồng cỏ trên đất nông nghiệp. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Đối với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ bao gồm: đất khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào các mục đích công cộng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp; kho tàng, bến bãi, nhà ga, bến xe, bến tàu, cảng biển, cảng sông, công viên, công viên chuyên đề, Thảo Cầm Viên, thì giá đất quy định như sau:

Tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận tính bằng 50% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Tại các quận 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, TP Thủ Đức tính bằng 60% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ tính bằng 75% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.