Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh PVN Phạm Quang Dũng cho biết, chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng tác động sâu sắc đến chiến lược sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng là tiên quyết tất yếu của mỗi tập thể, mỗi cá nhân trong doanh nghiệp và sự tham gia của các đoàn thể chính trị trong tập đoàn để cùng đồng hành “một đội ngũ, một mục tiêu” phát triển tập đoàn thành tập đoàn năng lượng hàng đầu theo Kết luận 76/KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị.
Cũng theo ông Phạm Quang Dũng, thực hiện chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng không chỉ tạo ra giá trị sản xuất kinh doanh bền vững của đơn vị mà còn khẳng định giá trị trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công nhân viên, công đoàn viên, hội viên và đoàn viên thanh niên trong Tập đoàn. Bên cạnh đó, khẳng định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chiến lược chuyển đối số, chuyển dịch năng lượng trong PVN nói chung và “hiện thực hóa” nhận thức về chuyển đổi số và chuyển dịch nguồn năng lượng của cán bộ, công đoàn viên, hội viên và đoàn viên thanh niên các cấp trong Tập đoàn nói riêng là cần thiết, tất yếu và khách quan.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Vì vậy, Tọa đàm là dịp để các đại biểu, chuyên gia trao đổi, làm rõ sự cấp thiết phải tăng cường công tác chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng trong giai đoạn hiện nay cũng như phân tích những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng; đề ra bài học kinh nghiệm và phương hướng tiếp theo, biện pháp hữu hiệu để thực hiện chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng thành công trong thời gian tới.
Theo đại diện của Liên doanh Vietsovpetro, xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực dầu khí là giải pháp cấp thiết trong xu thế chuyển dịch năng lượng, giúp tối ưu chi phí tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác các mỏ dầu khí; đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của ngành dầu khí với các nguồn năng lượng khác, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thực trạng chuyển đổi số trong thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam, nhất là việc áp dụng các công nghệ còn rời rạc, thiếu tính liên kết, ít được phổ cập, trao đổi kinh nghiệm. Cơ sở dữ liệu các chuyên ngành mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ; phục vụ cho từng lĩnh vực hẹp, khó tích hợp…
Với mục tiêu hướng đến trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực dầu khí-năng lượng và mở rộng mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững, Vietsovpetro tiếp tục tập trung số hoá toàn diện các hoạt động sản xuất trên nền tảng số, tối ưu hoạt động quản trị vận hành trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng và hạ tầng số hiện tại cũng như đổi mới mô hình kinh doanh hiệu quả thông qua năng lực số…
Lãnh đạo PVN cho biết, để triển khai công tác chuyển đổi số đạt kết quả, Tập đoàn đã phối hợp với Tư vấn hoàn thành công tác xây dựng chiến lược chuyển đổi số của PVN giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, với lộ trình chuyển đổi số bao gồm các sáng kiến số được chia thành 4 nhóm như kiện toàn năng lực và cơ cấu tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số; số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu của PVN, trong đó tập trung vào xây dựng các cơ sở dữ liệu và phân tích dữ liệu của 5 lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn; xây dựng, triển khai mô hình công nghệ thông tin tổng thể, quản lý định danh, tăng cường bảo mật, an ninh mạng, ứng dụng điện toán đám mây và nghiên cứu triển khai giải pháp công nghệ ứng dụng trong nhà máy thông minh…
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy PVN Trần Quang Dũng phát biểu chỉ đạo Tọa đàm. |
“Thời gian tới, PVN tiếp tục phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số, phát động các cuộc thi sáng tạo như “Ý tưởng số hóa quy trình”, “Ứng dụng công nghệ số vào công việc” nhằm khuyến khích đoàn viên thanh niên chủ động sáng tạo. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ AI nhằm tăng hiệu suất và tốc độ làm việc, nâng cao độ chính xác, tiết kiệm chi phí nguồn lực bằng cách giảm bớt công việc thủ công. Xây dựng “văn hóa số” tạo môi trường làm việc, tiên phong ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động gắn liền với công việc chuyên môn… qua đó gia tăng năng suất, thúc đẩy tập đoàn phát triển và trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng.
Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) khẳng định: Trong những năm gần đây, đơn vị đã nhanh chóng có những bước tiến đầu tiên vào chuỗi cung ứng dịch vụ điện gió ngoài khơi toàn cầu, bao gồm nhiều đơn hàng lớn cho các khách hàng quốc tế như sản xuất 33 chân đế trụ tua-bin điện gió cho khách hàng Orsted (Đan Mạch) và 10 trạm biến áp cho các dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Dự án CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc) có tổng công suất 920 MW, là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 19/5/2023, PTSC và Công ty Orsted Taiwan Ltd (Orsted) đã ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho dự án. Để giành được hợp đồng quốc tế quan trọng này, PTSC đã vượt qua 6 vòng lựa chọn và phê duyệt khắt khe, chứng minh năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế. Đến nay, dự án CHW2204 đã trải qua hơn 9 triệu giờ an toàn, đã bàn giao lô 4 chân đế đầu tiên cho khách hàng là minh chứng cho năng lực, kinh nghiệm của đơn vị có khả năng bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cao nhất trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và khả năng làm chủ chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy PVN Trần Quang Dũng khẳng định: Tập đoàn có sự chuyển biến rất lớn trong chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng, với những thành tựu, sản phẩm đã được khẳng định. Trong đó, các đơn vị có sự chuyển dịch rất lớn đơn cử như PTSC, từ tháng 3/2023 trúng thầu thiết kế, thi công 33 chân đế turbin điện gió ngoài khơi với giá trị hơn 2 tỷ USD, tiếp đến các đơn vị khác như: BSR, PVCFC…
PTSC bàn giao lô 4 chân đế đầu tiên cho khách hàng. |
Với tư cách là tập đoàn công nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, việc chuyển đổi số của Tập đoàn cần khẩn trương, tích cực và hiệu quả hơn nữa, cần làm ngay để đạt hiệu quả thể hiện qua việc nâng cao nâng suất lao động, nâng cao hiệu quả quản trị…
Về chuyển dịch năng lượng, PVN cần làm mới động lực truyền thống, tạo động lực mới liên quan đến năng lượng tái tạo theo tinh thần Kết luận 76 của Bộ Chính trị định hướng phát triển PVN trở thành một tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia và giữ vai trò tiên phong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đồng thời, xác định nhiệm vụ và trách nhiệm tiên phong của Tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất, phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo và năng lượng mới phục vụ phát triển đất nước.
“Với tinh thần “một đội ngũ, một mục tiêu”, Tập đoàn, đặc biệt là các đoàn thể sẽ tăng cường tuyên truyền, động viên người lao động biến khẩu hiệu thành hành động, chuyển hóa thành năng lượng, năng lực thực sự của PVN, đồng thời có nhiều sáng kiến, sáng chế, đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả, giá trị nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp”, ông Trần Quang Dũng nhấn mạnh.
Cùng ngày, Hội Cựu chiến binh PVN đã tổ chức kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Tập đoàn (15/12/2009-15/12/2024) và tổng kết hoạt động năm 2024. Tại lễ tổng kết, Hội đã tuyên dương 80 cựu chiến binh tiêu biểu và 15 cựu chiến binh có nhiều sáng kiến, sáng chế.