Khi trẻ con bị lợi dụng để kiếm tiền

|

Những đứa trẻ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bị chính bố mẹ đẩy ra đường và trở thành công cụ kiếm tiền. Ngày đêm rong ruổi đầu đường xó chợ bán hàng rong, luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập như bị lạm dụng, bị bóc lột, gặp tai nạn giao thông bất cứ khi nào, tương lai của các bé thật mờ mịt.

Đẩy con ra đường mưu sinh

Cứ tầm sáu giờ chiều, khi đèn đường vừa bật sáng, bé Ngọc lại tất tưởi cầm giỏ đựng tăm bông, kẹo cao-su đứng ngóng khách tại ngã tư đường Lê Đức Thọ giao cắt với đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cái nóng hừng hực từ mặt đường bốc lên và hơi nóng phả ra từ những chiếc xe máy nối đuôi nhau dừng chờ đèn đỏ khiến mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt ngây thơ, non nớt của em. Tín hiệu dừng vừa bật sáng, Ngọc cùng Linh liều lĩnh lao ra trước dòng xe, miệng nhanh nhảu chào mời người đi đường mua kẹo. Thấy tôi, hai đứa trẻ ào đến ríu rít: “Chú ơi! Chú mua hàng cho cháu đi, đi mà, mua cho cháu đi”. Chưa dứt lời mời, hai em quay lại tranh nhau vị khách kế bên: “Để em bán, em đến trước mà”.

Năn nỉ tôi mua hàng xong, cả hai tiếp tục chặn đầu những chiếc xe máy đang rồ ga, chỉ chờ đèn tín hiệu chuyển xanh là phóng vút đi. Nhìn dòng người hối hả di chuyển, hai đứa nhỏ thu mình, chụm đầu chia nhau chiếc bánh gạo vừa được cô gái tốt bụng dúi cho. Chúng ngồi đó, đếm từng giây và bật dậy như lò xo, khi đèn chuyển đỏ. Ngồi quan sát cả buổi, tôi không hiếm lần thót tim khi chứng kiến hai bé gái đột ngột lao ra, chặn trước đầu xe ô-tô gõ cửa kính mời mua hàng khiến người lái giật mình, đạp phanh dúi dụi.


Trên vỉa hè, hai người phụ nữ chừng 35 tuổi ngồi núp sau tấm biển quảng cáo “trông chừng”. Nếu phát hiện người lạ dừng lại hỏi han hay chụp hình hai đứa trẻ, cả hai nhanh chóng kéo con lên chiếc xe máy rồ ga phóng mất hút.

Sau nhiều ngày đóng vai xe ôm chờ khách, tôi mới lân la bắt chuyện với mẹ con bé Ngọc. Theo lời tâm sự của mẹ bé - tên Hương, quê ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa thì Ngọc là con thứ hai, năm nay mới tròn bảy tuổi.

“Ở quê, gia đình tôi không còn ruộng, xin làm công nhân trong các nhà máy thì đã quá tuổi nên không được nhận. Đứa lớn ở nhà phụ giúp ông bà, Ngọc đành ra Hà Nội đi bán hàng rong kiếm tiền cùng bố mẹ”, chị Hương cho biết.

Ngồi nhìn con bé lầm lũi chạy tới chạy lui giữa dòng xe tấp nập, chị Hương kể: “Hồi mới ra ngoài này, con bé cứ thấy ô-tô là oà lên khóc, ôm chặt người mẹ. Nhưng giờ quen rồi, nó còn tỉnh bơ chơi đùa cạnh ô-tô, xe buýt lúc dừng chờ đèn đỏ”.

Đang dở câu chuyện, Ngọc hớn hở chạy vào, tay xòe ra một nắm tiền lẻ đưa cho mẹ cất đi rồi quay về phía bể cá cảnh của một tòa nhà ven đường nghịch nước, bắt cá. Dáng vẻ thích thú, tiếng cười giòn giã của hai đứa trẻ hòa lẫn vào dòng xe cộ tấp nập trên đường.

Thấy con mải chơi, chị Hương tay đếm tiền, miệng quát bắt Ngọc tiếp tục ra đường. Xách giỏ đồ đựng đầy bông tăm, kẹo cao-su, móc chìa khóa... nhét vào tay Ngọc, bà mẹ đẩy con ra phía ngã tư để tập trung bán hàng. Khoảng 22 giờ đêm, một người đàn ông chạy xe máy đến chỗ chúng tôi đang ngồi. Thấy ông, Ngọc chạy về, miệng nài nỉ: “Bố ơi! Cho con mượn điện thoại xem hoạt hình một lúc, rồi con ra bán tiếp”. Chị Hương kể, mỗi tháng bé Ngọc đi bán rong cũng được vài ba triệu đồng để góp vào tiền nhà trọ, điện nước ăn uống.

Bé Ngọc chỉ là một trong số hàng trăm em bé đang ngày đêm bị bố mẹ phũ phàng đẩy ra hè đường và trở thành công cụ kiếm tiền, dựa vào lòng trắc ẩn của người khác.

Trên dọc đê Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mỗi sáng, chị Hiền lại bế đứa con bé xíu, mới chừng sáu tháng tuổi chực chờ trên vỉa hè bán mấy món đồ lặt vặt. Dưới cái nóng như thiêu đốt những ngày cuối tháng sáu, mặt em bé đỏ bừng, mồ hôi ướt đẫm. Chiếc quạt nan luôn phe phẩy trên tay chị Hiền dường như không xua nổi oi bức của mùa hè. Ngay cạnh đó, bình sữa nằm chen bình nước, bám đầy bụi bặm. Khá nhiều người đi đường dừng lại xót xa cho tiền. Không thể phủ nhận, đứa trẻ bé xíu là nguyên do duy nhất khiến họ động lòng trắc ẩn.

Hiểm nguy rình rập

Những em bé bị đẩy ra đường bán hàng rong phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Nhiều em là nạn nhân bị cò mồi chăn dắt, bắt ép phải bán hàng rong cả ngày lẫn đêm. Theo chân các em bé bán hàng rong ở Hà Nội, tôi gặp Thùy khi em đang lang thang dọc các quán bia trên đường Văn Tiến Dũng (Hà Nội) bán hàng. Mới 12 tuổi, quê ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Bố mẹ ở quê vất vả không đủ tiền ăn học, em ra Hà Nội bán kẹo đã dăm năm nay.

“Hồi mới đi bán rong, nhiều đêm em bị bọn nghiện trấn lột hết tiền. Có lúc khuya khoắt, em bắt xe về nhà trọ thì bị người đàn ông chở xe ôm rẽ ngoặt vào ngõ khuất, em sợ quá phải nhảy đại xuống xe để chạy thoát thân”, Thùy rùng mình khi nhớ lại.

Theo lời Thùy, việc em đi chào khách mua kẹo ở các quán bia về đêm bị khách trêu ghẹo, quấy rối xảy ra như cơm bữa. Nhiều lần, em bị những người đàn ông ngà ngà say trong quán bia túm tay, vuốt tóc với thái độ nham nhở, đi chơi với anh, anh cho thêm tiền, nhiều tiền thì không phải lang thang vất vả nữa”.

Để hiểu rõ thêm về những em bé bị đường dây chăn dắt, trở thành công cụ kiếm tiền, chúng tôi theo chân bé Thảo - em bé bán rong trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy). Thảo năm nay 13 tuổi, cao chừng mét rưỡi, thân hình gầy gò, khuôn mặt đen nhẻm. Mỗi lần có người lạ bắt chuyện, Thảo đầy vẻ lo sợ, ánh mắt luôn liếc nhìn người phụ nữ khuôn mặt bặm trợn đứng cách đó vài chục mét. Tranh thủ lúc bé không bị người đàn bà đó canh chừng, tôi tiến đến hỏi chuyện. Thảo cho biết, người phụ nữ đó tên Huyền. Bà Huyền về quê đón Thảo ra Hà Nội bán hàng. Sau mỗi ca bán hàng, em phải nộp tiền về và được bà Huyền trả lương ba triệu đồng một tháng.

“Bác Huyền dặn em, bất cứ ai hỏi cũng không được để lộ thông tin gì. Khi có người lạ hỏi han, phải gọi điện cho bác Huyền đến đón. Bác Huyền cho em ở chung cùng nhiều bạn khác ở khu Mỹ Đình. Dù trời nắng hay mưa, em đều phải đi bán hàng, ốm cũng không được nghỉ”, Thảo cho biết.

Để xử lý tình trạng lợi dụng trẻ em bán hàng rong, từ nhiều năm nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phải áp dụng nhiều biện pháp “truy quét”. Theo đó, Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập hai đội trật tự xã hội lưu động kiểm tra, đưa người lang thang về trung tâm. Chỉ trong năm 2017, Trung tâm đã phải tiếp nhập gần 700 lượt người lang thang, trong đó có tới 57 trẻ em.

Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã xử phạt hành chính với đối tượng Lê Chí Thành (sinh năm 1984, quê Thanh Hóa) vì hành vi sử dụng người khuyết tật, trẻ em vào mục đích trục lợi.