“Anh Thạch tủ sách”

|

NDO - Chiếc xe Nguyễn Quang Thạch đón tôi từ ngã tư Vũ Hạ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) lăn chông chênh giữa tối lạnh. Anh đi chậm, có chút giật mình mỗi lúc gặp đèn pha xe ngược chiều. Thị lực Thạch yếu, lại chỉ còn nhìn được một bên mắt. Nhưng đó không phải chuyện anh quan tâm nhất lúc này. Mỗi suy nghĩ, lời nói của Thạch đều chỉ xoay quanh những trăn trở về sách cho nông thôn, sách cho nông dân.

Cuộc “cách mạng thư viện”

Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Quang Thạch là sự nhiệt tâm, từ cách nói chuyện điện thoại, đến vẻ tận tình khi ra tận nơi đón một phóng viên chưa từng quen biết. Sự nhiệt tâm ấy có lẽ là động lực quan trọng nhất giúp anh duy trì ước vọng đưa sách về nông thôn, trên hành trình đằng đẵng suốt 18 năm qua. 18 năm dành trọn tâm huyết vào chương trình “sách hóa nông thôn”, anh đánh đổi tất cả, từ công việc, thu nhập, hạnh phúc gia đình… để toàn tâm, toàn ý cho ước vọng lớn. Ban đầu, Thạch dự định lo cho mình trước khi lo việc xã hội. Nhưng rồi anh nhận ra điều ấp ủ sẽ không thể thành hiện thực nếu không “sống chết” vì nó. Anh quyết bỏ công việc ổn định, lương cao để sáng lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng, sống tằn tiện bằng nguồn thu chỉ năm triệu đồng mỗi tháng. Lâu lâu, anh mới đảo qua thăm con trai đang sống với ông bà ngoại ở Thanh Hóa, mua vội cho con những quyển sách, vài món đồ chơi…

Anh Thạch và em Nguyễn Thị Lanh.

Thạch dành 10 năm công sức, tiền bạc nghiên cứu, khảo sát các mô hình trước khi đặt nền móng cho Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh và một số mô hình khác. Trong đó, Tủ sách phụ huynh được Thạch dành nhiều trăn trở nhất. Xuất phát từ sự đóng góp của phụ huynh cho tủ sách lớp học của chính con em mình, anh hy vọng đây sẽ là mô hình bền vững để trẻ em mọi nơi trên đất nước được tiếp cận tri thức, văn hóa, qua đó hình thành nhân cách và trí tuệ. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm ở nhiều nơi không thành. Cho tới khi Thạch đến Thái Bình - “đất cách mạng” của chương trình Tủ sách, như anh thường bảo.

“Anh Thạch tủ sách”, thầy, cô giáo ở các ngôi trường tại Thái Thụy đón anh bằng cách gọi bình dị thế. Nơi đâu, họ cũng phấn khởi “khoe” với Thạch những bước phát triển của Tủ sách phụ huynh. Sau vài năm triển khai, từ chỗ ban đầu chỉ có một, hai tủ sách, những trường như tiểu học Thụy Phong, THCS Thụy Dương hay THCS Thụy Liên… đều đã có Tủ sách phụ huynh đầy đủ cho mỗi lớp học. Tủ nhỏ xinh, được những bàn tay bé trang trí sinh động, với các ngăn được ghi nhãn “sách tham khảo”, “truyện, tiểu thuyết” hay “kỹ năng sống” rõ ràng. Đến mỗi trường, Thạch lại háo hức lên lớp để giao tiếp tiếng Anh với các em. Anh hỏi vui, cháu nào chưa đọc sách trong Tủ sách phụ huynh giơ tay sẽ… có quà. Đám trẻ ngoác miệng ra cười, những nụ cười hồn nhiên hết mực.

Nguyễn Quang Thạch vui khấp khởi. Anh gọi điện đi mấy nơi, tíu tít kể chuyện cô bé Nguyễn Thị Lanh, học sinh lớp 9, Trường THCS Thụy Liên tự làm một chiếc thuyền bằng chai nhựa, chạy được bằng động cơ. Lanh học theo mẫu trong sách “Tập làm phát minh” của tủ sách lớp, nhưng sáng tạo ở chỗ sách chỉ hướng dẫn làm mô hình, còn em “chế” được cả động cơ. Thạch thích lắm, phấn chấn như chính sản phẩm của mình. Loay hoay chụp ảnh chiếc thuyền chưa “đã”, anh còn mang ra bể nước sau trường… chạy thử.

Nhu cầu đọc sách, truyện của các em học sinh nông thôn rất lớn, cô giáo Dương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên chia sẻ. Cô Nguyệt cho biết dù mới triển khai Tủ sách phụ huynh được gần hai năm, thành quả thu được đã rất rõ. Như năm ngoái, khi toàn bộ sách tham khảo của khối 9 trước kỳ thi vào THPT đều được học sinh mượn hết, các thầy, cô giáo phải tất tả đi mua thêm mỗi lớp ít nhất ba bộ nâng cao cho các em đang cần. Kết thúc kỳ thi, trường có hơn 80% số học sinh đỗ vào trường công lập, vượt 20% so dự kiến.

Giản dị hơn, Tủ sách phụ huynh giúp trẻ nghèo có cơ hội đọc sách như chúng bạn. Thạch rất xúc động khi nghe chuyện về các em Đoàn Thị Huyền Trang hay Dương Thị Huyền, đều là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố đã mất hoặc không còn khả năng lao động. Từ khi có tủ sách, các em không chỉ học giỏi hơn, mà còn hoạt bát hơn và diễn đạt tốt hơn. “Túp lều bác Tôm” là cuốn sách các em đều yêu thích.

Hành trình nối vòng tay lớn

Cách làm của Nguyễn Quang Thạch là giúp đỡ, gây dựng cho mỗi trường vài tủ sách đầu tiên, còn lại việc nhân rộng, phát triển mô hình này hoàn toàn tùy thuộc vào nhà trường. Ở Thái Thụy, nhiều trường chủ động tạo “bản sắc” cho Tủ sách phụ huynh bằng các sáng kiến. Có nơi mở thi kể chuyện, thi giới thiệu sách hay trong giờ chào cờ; nơi ra mức khen thưởng cho các lớp có phong trào đọc sách tốt; nơi kêu gọi cả doanh nghiệp, tổ chức xã hội và chính những thầy, cô giáo chung tay cùng phụ huynh gây dựng tủ sách… Thầy Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thụy Phong quả quyết, tất cả thống kê, sáng kiến của trường đều bắt nguồn từ lòng tâm huyết với dự án của “anh Thạch tủ sách”, hoàn toàn không vì thành tích. Bởi thực tế, cũng không có cơ chế khen thưởng, đánh giá nào cho “thành tích” này.

Thầy Uông Minh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Lễ, đồng thời là người giúp đỡ Thạch nơi ăn, chốn ở gần bốn năm qua, đồng tình với quan điểm ấy. Họ là những người cùng tuổi, đồng cảm với nhau, và sự chung tay đến như một lẽ tự nhiên. “Tôi mến Thạch vì anh là người quyết đoán, sống có lý tưởng, khát vọng, muốn làm gì là làm đến cùng. Anh đang biến chuyện tưởng như không thể thành hiện thực”.

Ông Phạm Đức Phiệt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho rằng, Tủ sách phụ huynh sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nhiều so thư viện truyền thống. Hình thức thư viện có nhiều hạn chế, chẳng hạn tạo khoảng cách với học sinh; diện tích phòng đọc nhỏ; nhiều nơi thủ thư chỉ quản lý sách, không có kiến thức tư vấn, hướng dẫn cho người đọc. Thêm nữa, việc đặt tủ sách ngay trong lớp học còn tạo hiệu ứng mạnh để các em thi đua tích lũy tri thức, mở rộng thế giới tâm hồn. Một em thích đọc, sẽ có nhiều em bị lôi cuốn theo. Theo ông Phiệt, thành công ban đầu của Tủ sách phụ huynh đáng ghi nhận, nhưng để phát triển thành một mô hình phổ biến, bền vững trên cả nước, những nỗ lực hiện thời là quá nhỏ. Cách đây không lâu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã có công văn chỉ đạo thành phố và các huyện khuyến khích phát triển Tủ sách phụ huynh. “Nếu những cơ quan cấp quốc gia, chẳng hạn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vào cuộc sát sao như vậy, hiệu ứng xã hội sẽ vô cùng lớn”, ông Phiệt khẳng định.

Nguyễn Quang Thạch, trong những lần diễn giải say mê về dự án các tủ sách, hay dùng cụm từ “đẳng cấp dân tộc”. Anh mơ sau 30 năm, 50 năm nữa, đất nước sẽ có một lực lượng trí thức đông đảo, đủ sức tạo dựng cường quốc trên tinh thần “nhân văn và sáng tạo”. Khi Thạch làm tủ sách, nhiều tổ chức nước ngoài ngỏ ý muốn giúp. Anh từ chối, vì để phát triển bền vững, các tủ sách của trẻ em Việt Nam cần sự chung tay của chính người Việt Nam trước nhất.

Mồng 1 Tết này, anh Thạch đi xuyên Việt kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ cho các chương trình tủ sách. Không phải bằng xe máy như hành trình anh đã trải qua hơn bốn năm trước, mà đi bộ. Cũng lo chứ, anh nói, vì chỉ còn một bên mắt nhìn được, thể trạng cũng không tốt. Nhưng chừng nào còn sức, anh còn chưa thôi thực hiện “sứ mệnh khai trí”. Thạch bảo thế, như một câu tự nhủ chính mình...

Bên cạnh Tủ sách phụ huynh, Nguyễn Quang Thạch còn sáng tạo những mô hình khác như Tủ sách dòng họ, Tủ sách hậu phương, Tủ sách chiến sĩ, Tủ sách giáo xứ… Sau gần mười năm triển khai, đến nay Thạch đã cùng hàng chục nghìn người gây dựng được hơn 3.500 tủ sách ở 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng ở Thái Bình, sau ba năm đã gây dựng được gần 3.000 tủ sách các loại, trong đó, phần lớn là Tủ sách phụ huynh và Tủ sách lớp em đặt tại lớp học, 16 Tủ sách dòng họ; 33 Tủ sách giáo xứ và sáu Tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ. Các tủ sách đã mang lại cơ hội tiếp cận sách cho khoảng 200.000 người dân nông thôn, trong đó có hơn 100.000 học sinh nông thôn được tiếp cận ít nhất 50 đầu sách/năm học.