Đà Nẵng từng bước khơi thông nguồn lực về đất đai

|

Ngày 6-8, tại họp báo 6 tháng đầu năm 2024 của UBND TP Đà Nẵng, phóng viên đã đặt câu hỏi về tháo gỡ các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra theo tinh thần Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Võ Nguyên Chương thông tin. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trả lời tại họp báo, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay TP Đà Nẵng đang tập trung xử lý 4 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012, 3 bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn. Khi triển khai, vướng mắc cơ bản mà TP Đà Nẵng gặp phải là đối diện thực tế và xung đột pháp luật để giải quyết các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại.

Trước khó khăn trên, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo cho ngành TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành có báo cáo cho Trung ương. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 77 về tháo gỡ cơ bản về thể chế, trong đó có định hướng xác định đối tượng, nguyên tắc cơ bản, tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn trong các kết luận thanh tra.

Phương án tháo gỡ sẽ có 10 nội dung cơ bản đã được phân công cụ thể cho từng cơ quan liên quan. Trong đó, nhiệm vụ của Quốc hội có 4 nội dung tập trung tháo gỡ, nhiệm vụ của Chính phủ và Ban cán sự Đảng Chính phủ có 1 nội dung và TP Đà Nẵng có 5 nội dung.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường chủ trì họp báo. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Chương, riêng 5 nội dung của Đà Nẵng tập trung ngay khi đề án của Chính phủ phê duyệt trên cơ sở kết luận số 77 của Bộ Chính Trị, gồm: truy thu nghĩa vụ tài chính về ngân sách nhà nước đối với các khoản thất thu được nêu trong kết luận thanh tra trước đây; xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng trong quá trình gia hạn sử dụng đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà đất, chủ yếu là các cơ sở nhà đất công sản; phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định đối với các sai phạm tại dự án Ghềnh Bàn - Bãi Đa của Công ty cổ phần Xây dựng 79 trước đây và lô đất L09 của Khu biệt thự Suối đá; thực hiện quy trình thu hồi dự án 181ha trên đường Nguyễn Tất Thành (ở quận Hải Châu và Thanh Khê) - Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.

Trước đó, tại buổi làm việc của đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với các tỉnh thành Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung diễn ra ở TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin, kết luận 77 sẽ khởi chọn Đà Nẵng để tháo gỡ, sau đó là Khánh Hòa, TPHCM và Hà Nội. Sau khi hoàn thành, sẽ có văn bản hỏa tốc gửi những địa phương còn lại.

Theo ông Võ Nguyên Chương, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành đề án tháo gỡ, địa phương chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Một trong những giải pháp hiệu quả là cho phép doanh nghiệp, nhà đầu tư dùng tài sản trong dự án đó hoặc tài sản khác dùng làm tài sản để làm đảm bảo trong việc phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trong tương lai sau khi xác định lại.

Để giải quyết bài toán nơi thừa, nơi thiếu đất tái định cư, Đà Nẵng cho phép người dân chuyển đổi đất tái định cư từ địa bàn này qua địa bàn khác. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bên cạnh đó, Đà Nẵng khai thác nguồn lực đất đai là quỹ đất công. Toàn TP Đà Nẵng hiện có 345 khu đất lớn, 20.166 lô đất tái định cư sẽ khai thác đồng loạt để đảm bảo cao nhất tính hiệu quả. Cụ thể, năm 2022-2023, Đà Nẵng đã đấu giá được 9 khu đất lớn, 7 lô đất ở chia lô. Năm 2024, Sở TN-MT trình UBND TP phê duyệt đấu giá 33 khu đất lớn, 189 lô đất ở chia lô. Vừa qua, TP đấu giá thành công một số khu đất, trong đó có khu đất y tế có giá trúng tăng 6,5 lần so với giá khởi điểm. Như vậy, thị trường bất động sản của địa phương không đến mức bi quan như thời gian qua.

Về đấu giá cho thuê mặt bằng có thời hạn, năm 2023, TP Đà Nẵng đấu giá thành công 3 trường hợp cho thuê mặt bằng tạm. Năm 2024, đấu giá 11 vị trí làm bãi đỗ xe tạm, vừa chống việc hoang hóa đất, vừa giải quyết "điểm nghẽn" giao thông.

Không chỉ vậy, Đà Nẵng rà soát lại quỹ đất công để ưu tiên phát triển công viên và các tiện ích công cộng khác nhằm giải quyết "bài toán" về đô thị.

Để giải quyết bài toán nơi thừa, nơi thiếu đất tái định cư, với 20.166 lô nói trên, Đà Nẵng cho phép người dân chuyển đổi đất tái định cư của mình từ địa bàn này qua địa bàn khác. Người dân có quyền lựa chọn nơi ở của mình, muốn khu vực yên tĩnh có thể đổi ra vùng ven hoặc ngược lại.

Việc hoán đổi đất tái định cư giảm đáng kể áp lực về đầu tư công khi xây dựng các khu tái định cư. Đà Nẵng cũng cho hợp thửa các lô đất nhỏ lẻ thành khu đất lớn để có mặt bằng, diện tích lớn xây dựng các thiết chế văn hóa và các công trình công cộng khác.