TPHCM kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch

|

TPHCM kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, các quy chuẩn quy hoạch mới, có quy định đặc thù (ngoại lệ) cho TP; có kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách công tác quy hoạch xây dựng tại các địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng.

Sáng 7-5, Đoàn giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM do đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2010-2023.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch. Ảnh: QUỐC HÙNG

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM Trương Trung Kiên cho biết, trong giai đoạn 2010-2023, UBND TPHCM đã hoàn thành đúng thời hạn công tác phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung các quận, huyện, phủ kín các đồ án Quy hoạch phân khu 1/2.000 tại khu vực đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM theo tinh thần Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND và Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND của HĐND TP…

Đối với tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, UBND TP đã yêu cầu các đơn vị lập quy hoạch triển khai theo hướng đổi mới, chú trọng đánh giá dữ liệu, tham khảo kinh nghiệm trong nước, quốc tế và xác định các nội dung chiến lược, đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý. Đặc biệt, lưu ý đến công tác tích hợp các yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển đô thị thông minh, bền vững, tăng trưởng kinh tế, chỉnh trang đô thị, cải thiện điều kiện sống của người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết vùng bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các đầu tư…

Song song đó, TPHCM đã xây dựng cơ sở dữ liệu GIS bản đồ thông tin quy hoạch theo đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 và quy hoạch cao độ nền TPHCM, đưa vào công bố công khai rộng rãi theo hình thức công nghệ di động và internet. Điều này giúp cho người dân, doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn, nghiên cứu quy hoạch dễ dàng tiếp cận các thông tin quy hoạch đã được phê duyệt, làm cơ sở thiết kế, đầu tư xây dựng, triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật một cách phù hợp, nhanh chóng và hiệu quả, đây là kết quả có tính đột phá.

Quang cảnh tại buổi giám sát. Ảnh: QUỐC HÙNG

Về đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) tỷ lệ 1/2.000, hiện nay, UBND TPHCM đã phê duyệt gần phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 600 đồ án, tổng diện tích khoảng hơn 88.262ha, gồm: 283 đồ án, diện tích 47.266 ha được phê duyệt theo Nghị quyết số 16, trong đó có 179 đồ án lập mới, diện tích 31.657ha và 104 đồ án điều chỉnh, diện tích 15.609ha; 290 đồ án, diện tích hơn 35.992ha đã được phê duyệt trước Nghị quyết số 16; 27 đồ án, diện tích hơn 5.003ha được phê duyệt sau Nghị quyết số 16 của HĐND TPHCM.

Tại giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị Bộ KH-ĐT có hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong GIS ở các cấp độ quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh, để sau khi các loại quy hoạch được lập và quyết định hoặc phê duyệt thì có thể tích hợp thành dữ liệu chung (big data) ở cấp độ quốc gia, cấp vùng, nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch.

UBND TPHCM cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai danh mục chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến 2025 và hướng dẫn thực hiện để các tỉnh, thành có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, kiến nghị các các cơ quan Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, các quy chuẩn quy hoạch mới, có quy định đặc thù (ngoại lệ) cho TP; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách công tác quy hoạch xây dựng tại các địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng.

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của TPHCM trong thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của UBND TPHCM về công tác xây dựng pháp luật; cơ chế chính sách và các bộ ngành Trung ương liên quan đến quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đồng chí Hà Phước Thắng đề nghị UBND TPHCM tiếp tục các công việc theo Nghị quyết của HĐND TP về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TPHCM, nhất là quy hoạch chung của TPHCM, quy hoạch TP Thủ Đức và quy hoạch không gian biển… Đồng thời, quan tâm góp ý cho dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn…