“Ðá Ðỏ” trong ngàn mây trắng

|

Xuân về, ở nơi thâm sơn cùng cốc, tận cùng biên giới phía tây của Lào Cai có 54 hộ người Mông chung sống ở bản Hồng Ngài, dịch nghĩa tiếng phổ thông là Sừng Đá Đỏ. Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng đã bừng lên sắc mầu của một cuộc sống mới, với những con người mạnh mẽ, hồn hậu, thủy chung - đó là những cột mốc sống, giữ bình yên biên giới và bảo tồn những nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, con người Việt Nam ở nơi tột cùng Lào Cai thân thương.

Xuân về, ở nơi thâm sơn cùng cốc, tận cùng biên giới phía tây của Lào Cai có 54 hộ người Mông chung sống ở bản Hồng Ngài, dịch nghĩa tiếng phổ thông là Sừng Đá Đỏ. Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng đã bừng lên sắc mầu của một cuộc sống mới, với những con người mạnh mẽ, hồn hậu, thủy chung - đó là những cột mốc sống, giữ bình yên biên giới và bảo tồn những nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, con người Việt Nam ở nơi tột cùng Lào Cai thân thương.

Cô gái Mông Giàng Thị Say sấy khô thảo quả trong bếp.

Con đường đất và đá cuội lắt lẻo, vắt qua những núi nhọn khe sâu, xuyên qua những bản làng người Hà Nhì ở Lao Chải, Sín Chải, Sim San…, ngang bên tai là ào ào gió núi hào phóng thổi rạp bạt ngàn sim mua nở hoa tím ngắt ở nơi cao hàng ngàn thước biển, rồi “con ngựa sắt” già gầm cao dã chiến cũng khựng lại - đã đến đích. Chúng tôi ngỡ ngàng đứng trước bản Hồng Ngài của người Mông, trên độ cao gần hai nghìn mét, mịt mù sương mây trắng như vô tận. Hồng Ngài hiện ra thực mà như mơ, mờ ảo trong bảng lảng sương giăng, dù giữa buổi trưa đầy nắng. Kỳ lạ thay, Hồng Ngài ở nơi thâm sơn cùng cốc, tận cùng biên giới phía tây của Lào Cai gian khổ thế mà sao huyền ảo, kỳ bí nhưng tràn căng sức sống và gần gụi, thân tình đến vậy. Nhớ lại, cách đây tám năm, tôi và một đồng nghiệp ở báo tỉnh vạch cây rừng, “hành quân” bộ hết một ngày từ trung tâm xã Ý Tý vào Hồng Ngài, “bượt” cả chân đến phồng rộp như bánh đa nướng, tóe máu trên con đường “trâu, ngựa” đầy đá gan gà và lá ngón (loại lá rừng rất độc) xanh lét tràn kín lối, trập trùng bám trong mây mà đi, dấu chân người đi sau đặt lên dấu chân người đi trước, đúng kiểu đi rừng của người bản địa. Còn bây giờ, ô-tô đã đến được Hồng Ngài xanh thẳm. “Nếu tính kinh tế, làm con đường hơn 20 km vào Hồng Ngài thì “lỗ” lớn. Gần trăm tỷ đồng Nhà nước bỏ ra chỉ phục vụ cho chưa đầy sáu chục hộ dân cheo leo trên nghìn thước cao, chỉ có cây rừng và thảo quả để sinh sống. Thế nhưng, người Mông ở đây lại gọi đó là con đường “Jông thể” (hạnh phúc) đấy…”, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý Ly Giờ Có lên tiếng, phá tan cái tịch mịch, mù sương đang ùn lên chực trùm kín vạn vật. Thoáng cái, sương mù tràn đến, không nhìn rõ mặt, chỉ còn nghe thấy tiếng Ly Giờ Có rủ rỉ suốt dọc đường lên Hồng Ngài xa ngái. Để làm được con đường đất và đá cuội như thế này, hàng trăm công nhân của Công ty Thái Dương đã “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, không quản địa hình hiểm trở, nắng cháy thịt da, lạnh buốt thấu xương trong thi công trong hơn hai năm trời ròng rã. Có đoạn ở mỏm Ngựa Ngã, nơi vách đá xanh dựng đứng vài chục mét, phía dưới là vực thẳm hun hút, đến độ con suối Lũng Pô phân chia đường biên giới Việt - Trung, nhìn thấy chỉ như một sợi chỉ mảnh mong manh. Để làm đường, những chàng trai công nhân quê miền xuôi, tuổi đôi mươi, không sợ độ cao, treo thân trên vách đá cao vài chục thước, như chim gõ kiến, cần mẫn khoan từng ly vào thân đá gốc, cứng như sắt, để nhồi thuốc nổ mà mở từng gang tay, từng mét đường. Thế mới hay, người Mông ở Hồng Ngài gọi đó là con đường Hạnh Phúc cũng phải thôi, vì nó là mạch sống, là chìa khóa mở thông cánh cửa ngăn cách họ với bên ngoài, mở ra cơ hội có cuộc sống ấm no, giàu có, văn minh tiến bộ hơn. Lẫn trong tiếng máy ô-tô gầm gào vượt dốc Sim San, tiếng Ly Giờ Có vang vọng: Hôm thông đường, chẳng kể việc nhà, chẳng kể gái trai, già trẻ…, cả bản Hồng Ngài đổ ra đầu làng xem “con ngựa sắt” (ô-tô) đi bằng cái gì, ăn cái gì mà sao khỏe thế, đi nhanh thế, chở bao nhiêu cán bộ người Kinh, lại có cả bánh kẹo, đường ngọt, thuốc lào, quần áo chống rét… từ ở huyện, ở tỉnh vào với đồng bào. Có nhiều cán bộ thì đã quen mặt, cũng có nhiều người lần đầu mới thấy, nhưng chẳng hề chi, cán bộ với dân hỏi han, chuyện trò vui vẻ bằng cả tiếng Mông, tiếng phổ thông cứ “sôi” lên một góc rừng biên giới phía tây Lào Cai, bao năm mong mỏi con đường mang hạnh phúc, no ấm về…

Giữa trưa, nắng vàng mật ong xõa đỉnh đầu ấm áp, đứng ở đầu Hồng Ngài, nhìn lên phía gò đất cao, thoáng đãng, ngôi nhà mới xây, còn tươi mầu sơn mới của Vàng A Chu như một biểu tượng sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của đồng bào Mông ở nơi địa đầu “với mây, vịn gió”, chỉ có núi nhọn, đá sắc và mây ngàn, gió sương rét lạnh. Năm 2003, cũng dịp sát Tết, tôi có mặt, ngồi bên bếp lửa hồng đốt từ củi lấy từ gốc táu mật trên núi cao bị gãy đổ, ở ngôi nhà vuông trình tường bằng đất, tối om như hầm ngầm của Vàng A Chu. Đời làm báo đã từng đi đây đó, do nghề nghiệp và cái máu thích xê dịch, nhưng trong cái rét thấu xương ở Hồng Ngài bữa ấy, cầm tấm bánh pắp cừ pa (bánh dày bằng bột nếp) cứng như đá, rút từ gác bếp nồng mùi oi khói, vùi trong tro nóng một lúc, tấm bánh bỗng mềm, dẻo diệu kỳ như vừa “túa pa” (giã bánh) xong, đưa vào miệng dẻo thơm, bùi ngọt, ăn no không chán. Năm ấy, Hồng Ngài còn khó khăn và nhà Vàng A Chu còn nghèo lắm. Có ít bánh nếp luộc treo gác bếp, chỉ để dành cho người già, người bị ốm đau dùng khi cần kíp. Thế mà, lần đầu gặp mặt, biết chúng tôi là nhà báo đầu tiên dám leo đèo lội suối vào đây, chủ nhà không ngại ngần tự tay mời tấm bánh trân quý. Ôi, tôi cứ nhớ mãi tấm bánh kỳ diệu đó của Vàng A Chu, nó như chính tâm hồn, cách sống của những con người ngang tàng, gan góc nhưng phóng khoáng, hào hiệp nơi đây. Chỉ gặp một lần, ăn tấm bánh pắp cừ pa vùi tro bếp nóng, uống chén trà Tuyết San cổ thụ tự tay gia chủ mời mọc, bạn mới thấm cái tình của người vùng cao vốn nói ít, làm nhiều, trải hết lòng với bè bạn khi đã tin yêu.

Nói về ngôi nhà xây duy nhất ở bản Hồng Ngài này, Vàng A Chu chân thật: “Tiền thì ít thôi, nhưng cái công thì nhiều lắm. Bộ đội biên phòng Phùng Văn Tiến bảo mình, lấy tiền thảo quả xây cái nhà ở đi cho chắc chắn, công san nền và cát xây thì bộ đội giúp, lấy ở suối Thiên Sinh gần Trạm biên phòng. Thế là mình làm thôi, gần hai năm mới xây xong cái nhà đấy. Nếu không có con đường Nhà nước mở thì suốt đời mình ở nhà gỗ rừng thôi. Làm sao mà thồ được gạch, cát, xi-măng từ Y Tý về đây được”. Rồi Chu kể chuyện bộ đội ở Trạm Biên phòng Hồng Ngài bày cho cách làm ăn, đích thân Thiếu tá, Trưởng trạm Đỗ Văn Bùi còn giúp Chu tính toán, mạnh dạn “rút ống” bỏ ra hơn trăm triệu đồng từ tiền tiết kiệm nhờ bán thảo quả, để mua cái ô-tô tải, vừa chở vật liệu xây nhà, vừa chở thuê hàng hóa, vật dụng cho bà con đỡ vất vả. Hôm tôi đến, Chu nhảy lên ca-bin xe, nổ máy ầm ầm, rồi cua một vòng thành thạo như biểu diễn, ở ngay trong sân nhà. Trong ánh nắng xiên khoai vàng mật ong, cuối giờ đi học về, những đứa trẻ trong bản ngồi chơi đánh bi bằng quả cà rừng trong sân láng xi-măng nhẵn lì của nhà Vàng A Chu sao mà thanh bình, êm ả đến thế. Cái thanh bình chứa đựng trong nó một nội lực và bản lĩnh vượt lên gian khó, là cái tình của bộ đội biên phòng với đồng bào Mông nơi vùng cao biên ải. Tôi mừng cho “cứ tỷ” (người anh em) Vàng A Chu xây được ngôi nhà kiên cố ở nơi thừa nắng gió, sương mây, giá rét; càng mừng hơn, khi Chu khoe, đứa con gái Vàng Thị Cúc của vợ chồng anh năm nào còn rụt rè, bám chặt váy áo “nả” (mẹ) khi thấy khách lạ đến nhà, giờ đã là cô sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Sư phạm tại Thủ đô Hà Nội.

Đêm, chiếc bóng điện 60W lúc tỏ, lúc mờ theo nhịp nước quay turbin thủy điện ở con suối dưới thung sâu phân chia biên giới Việt - Trung, nhưng cuộc rượu vui ở nhà Vàng A Sáo mãi chưa tàn. Những chàng trai, cô gái Mông mặc váy áo thật đẹp vừa nâng bát rượu mầm thóc Hồng Ngài sóng sánh, thơm lừng vừa thổi kèn lá, đàn môi, múa điệu xênh tiền khỏe khoắn: “Anh ngắt chiếc lá đặt lên môi/ Lá kêu tiếng thật hay/Anh ước làm một cái kim, sợi chỉ /Cho em cài vào vạt áo/ Để suốt đời không rụng, không rơi”... Cuộc sống người Mông, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi, chạm mây, mặt đất lúc nào cũng như nghiêng nghiêng sẵn sàng thử thách. Người và trâu cày nương mà như làm xiếc, chân duỗi, chân quỳ men theo sườn dốc, lưỡi cày len lỏi trong đá, moi lên từng chút đất. Cây lúa, cây ngô lớn lên từ đất, từ đá được tưới đẫm bởi mồ hôi người Mông, cây nào cũng cứng cáp. Người Mông hầu như gắn số phận mình với rừng cao núi thẳm, đôi chân quấn xà cạp tung hoành, tạo nên lối đi, đến tận cả những đỉnh núi cao, hoang vu nhất. Người Mông bảo: “Không có một ngọn núi nào cao bằng đầu gối”. Tự tin và kiêu hãnh đến thế là cùng. Họ như là “đá đỏ” trong ngàn mây trắng...!