Xung đột, bất đồng và những “cú sốc chính trị”
Châu Âu trải qua một năm với nhiều thách thức lớn và hàng loạt vụ tiến công khủng bố. Chỉ hơn một tháng sau vụ thảm sát tại Pa-ri (Pháp), những người vô tội tiếp tục bị đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ, ba tháng sau lại chấn động bởi vụ đánh bom kinh hoàng tại Brúc-xen (Bỉ), nơi hội tụ các cơ quan đầu não của Liên hiệp châu Âu (EU). Khủng bố tại Đức, đất nước đã đón gần một triệu người nhập cư, càng khiến châu Âu quyết liệt hơn trong cuộc chiến ngăn dòng người di cư. Sự liên hệ giữa hàng loạt vụ việc đẫm máu với làn sóng người nhập cư dẫn đến những quyết định gây chia rẽ và làm thay đổi cục diện chính trị châu Âu.
Lực lượng khủng bố, nhất là tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tìm cách gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cánh tay của IS đã vươn dài đến In-đô-nê-xi-a, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, bằng vụ tiến công đẫm máu làm dấy lên quan ngại sâu sắc về nguy cơ tổ chức khủng bố này thiết lập địa bàn mới trong khu vực.
Trật tự thế giới đa cực thể hiện ngày càng rõ nét, đi đôi biến chuyển bất ngờ về thái độ bất đồng sâu sắc, không khoan nhượng giữa các bên trong nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Hệ quả từ “làn sóng Mùa xuân A-rập” chưa chấm dứt, lại thêm những mâu thuẫn trong giải quyết các vấn đề về miền đông U-crai-na, khiến nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ trở nên đáng lo ngại hơn.
Ở châu Á, những căng thẳng địa chính trị không những chưa thuyên giảm mà còn gia tăng, bất chấp nỗ lực của các cuộc đàm phán cấp cao và sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Những tranh cãi liên quan chủ quyền ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông đốt nóng dư luận. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều chưa được giải quyết triệt để, dù hai miền đã có những bước đi làm dịu tình hình và đạt một số thỏa thuận nhằm “tháo ngòi nổ chiến tranh”. Những tuần cuối cùng của năm, thế giới vẫn chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Hàn Quốc khiến Tổng thống Pắc Cưn Hê bị đình chỉ chức vụ.
Năm 2016, thế giới cũng chứng kiến hàng loạt “cú sốc chính trị”. Bê bối rò rỉ thông tin mang tên “Hồ sơ Pa-na-ma” được ví như “quả bom chính trị”, khi tiết lộ bí mật ẩn giấu trong 11,5 triệu tài liệu hồ sơ của Mossack Fonseca ở Pa-na-ma liên quan hoạt động trốn thuế, rửa tiền của hàng trăm nghìn công ty, phanh phui bức tranh về sự tồn tại của “nền kinh tế ngầm toàn cầu” trong hơn 40 năm qua.
Cuộc bỏ phiếu về việc “đi hay ở” của nước Anh với Liên hiệp châu Âu (EU) và quyết định lựa chọn tách riêng trên bàn cờ khu vực làm chấn động dư luận quốc tế, ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, chính trị và quân sự của Anh, EU và cả thế giới. Về mặt quân sự, việc Anh vẫn ở lại NATO mà không tham gia EU làm khơi dậy chia rẽ nội bộ các khối này về lựa chọn tập trung lực lượng để giải quyết căng thẳng ở bên kia Địa Trung Hải, hay lấn sâu vào trò chơi quyền lực địa chính trị Á - Âu do Mỹ lôi kéo. Về mặt chính trị, Brexit có thể coi là thất bại của “giấc mơ thống nhất quyền lực” của EU, đặt liên minh trước những thách thức mới trong nỗ lực “Đông tiến” và sự trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Về kinh tế, trong ngắn hạn, Brexit kéo theo phản ứng tức thì của kinh tế thế giới, với sự bốc hơi hàng nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán; tạo “cú sốc” cho các hiệp định thương mại tự do, với lập luận rằng các cam kết quốc tế làm suy giảm lợi ích và chủ quyền quốc gia.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, cuộc bầu cử tổng thống đem lại chiến thắng cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa Đ.Trăm, vị Tổng thống đắc cử được coi là “ẩn số” lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Sự kiện này cùng Brexit đưa thế giới vào tình trạng bấp bênh, với các mối quan hệ song phương hay đa phương, kinh tế hay quốc phòng, đều cần được xem xét lại theo một cách thức khác. Chủ nghĩa dân túy được đẩy lên mức cao nhất trong những năm gần đây, đi kèm là hiện tượng chống toàn cầu hóa đe dọa trực tiếp các thỏa thuận trao đổi tự do thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thắp lên hy vọng năm mới
Nhiều biến cố khó lường qua đi, những tín hiệu tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn rõ nét ở nhiều nơi, thắp lên hy vọng cho thế giới khi bước vào năm mới 2017. Việc Mỹ và các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận với I-ran, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước này sau một thập kỷ lỡ nhịp với sân chơi toàn cầu. Việc thị trường có thêm I-ran, một trong những nước có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, góp phần ổn định giá dầu mỏ toàn cầu. Tuy trải qua một năm không mấy khởi sắc, kinh tế thế giới phần nào tránh được nhiều cú sốc liên hoàn từ các vấn đề chính trị quốc tế. Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn sau các sự kiện Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường toàn cầu đã kịp lấy lại đà phục hồi tích cực.
Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã ra tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài thuộc Liên hợp quốc về vụ kiện giữa Phi-li-pin và Trung Quốc liên quan tranh chấp trên Biển Đông, mong muốn các bên tuân thủ luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Phán quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, tinh thần thượng tôn pháp luật và sự bình đẳng trước luật pháp giữa mọi quốc gia.
Việc nhiều nước nhanh chóng phê chuẩn Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu đã khẳng định nỗ lực và quyết tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời thắp lên niềm hy vọng hạn chế những nguy cơ chung từ biến đổi khí hậu, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Tình hình khu vực và thế giới năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các vấn đề gây nhức nhối trong năm qua tiếp tục là thách thức với nhân loại. Tình hình chính trị quốc tế vẫn diễn biến phức tạp với các cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi, những tranh chấp trên biển ở Đông Á. Những điều chỉnh trong chính sách và hoạt động đối ngoại của Mỹ sẽ kéo theo những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới. Chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối nguy cơ lớn nhất đe dọa tình hình an ninh thế giới. Dù vậy, với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhiều khả năng các lực lượng khủng bố suy yếu, dù chưa thể được loại bỏ hoàn toàn.
Bên cạnh đó, thế giới vẫn đối mặt ẩn họa từ việc các nước tiếp tục chạy đua vũ trang và tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Những rủi ro từ tính toán sai lầm về bài toán địa chính trị của các nước lớn và các nước nắm giữ loại vũ khí này có thể khiến tình hình thế giới trở nên khó lường hơn. Tuy nhiên, thách thức về mặt quân sự tại các vùng tranh chấp lãnh thổ trên khắp thế giới, nhất là tại châu Á, được kỳ vọng dịu bớt, nhờ sự đoàn kết và mối quan tâm chung chống chủ nghĩa khủng bố, vì ổn định, hợp tác để cùng hướng đến lợi ích chung.
Kinh tế thế giới đang có nhiều cơ hội, có bước tăng trưởng khả quan hơn, nhất là các thị trường Đông - Nam Á. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư vào các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, giá dầu có thể sẽ tăng cao do các quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Bất chấp những phản ứng đi ngược với quy luật toàn cầu hóa, tự do thương mại, di cư và kết nối toàn cầu, những tiến bộ của khoa học - công nghệ vẫn sẽ đưa thế giới tiến về phía trước. Giới trẻ các nước có thể tham gia các trường đại học hàng đầu trên thế giới thông qua những khóa học trực tuyến, các doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu qua thị trường khác chỉ với công cụ in-tơ-nét, mọi người khắp nơi trên thế giới vẫn có thể chia sẻ thông tin và trò chuyện trên nền tảng truyền thông xã hội toàn cầu…
Năm 2017 với những gam mầu đan xen vẫn sẽ là ẩn số, nhưng xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ là động lực, để toàn nhân loại hướng tới một thế giới phồn thịnh và tốt đẹp hơn.