Lợi ích và lương tri

|

Rất nhiều những cột mốc lịch sử, và hầu hết các câu chuyện ấn tượng nhất trong dòng chảy sự kiện quốc tế năm 2015 đều mới chỉ là những chặng khởi đầu. Muôn hình muôn vẻ, nhưng trong sâu thẳm, có lẽ những vấn đề cốt lõi - mang tính quyết định đến quỹ đạo của mọi hành động ở tất cả các “điểm nóng” trong năm 2016 - vẫn không có gì khác biệt.

1 Xét cho cùng, ngay cả khi theo đuổi những mục tiêu cao đẹp nhất, giương cao những khẩu hiệu giàu lý tưởng nhất, người ta vẫn luôn phải tính toán đến chuyện: Sẽ dựa vào nguồn lực nào để hiện thực hóa những mục tiêu ấy, lý tưởng ấy?

Diễn biến đầy kịch tính của Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Pa-ri (Paris, Pháp) những ngày cuối năm 2015 là một thí dụ điển hình. Sau một mùa hè nóng chảy nhựa đường ở Ấn Độ, sau những mùa đông khắc nghiệt chưa từng thấy ở nước Mỹ, sau những cơn siêu bão hoành hành khắp các khu vực của thế giới, chẳng còn ai mơ hồ về việc cần phải gấp rút hành động, nhằm cứu lấy “ngôi nhà chung của loài người”.

Thế nhưng, ngay trước thềm COP 21, vẫn có những nhà phân tích e ngại: Liệu sự kiện “rình rang” này, cuối cùng, có chỉ là một hoạt động tuyên truyền về môi trường không hơn không kém? Cơ sở để họ hoài nghi không phải là tính chi tiết của các chương trình hành động, nhằm hướng đến việc khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất (không quá 20C so với thời kỳ Tiền công nghiệp) mà đơn giản là tính khả thi của 100 tỷ USD dự kiến cần phải có. Trong con số này, hàm chứa những mâu thuẫn tưởng chừng không thể san lấp, giữa các nước giàu và các nước nghèo, giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển.

Thậm chí, đã có một trong những “giàn ống khói” lớn nhất thế giới tỏ ý sẽ “không đánh đổi mức tăng trưởng kinh tế lấy môi trường”. Và thậm chí, dù đã đẩy sớm chương trình hoạt động lên một ngày, COP 21 vẫn phải khép lại muộn đi một ngày, để có đủ thời gian tương đối cho các cuộc tranh luận.

Những điểm cơ bản đã được thống nhất. Nhưng, như người ta thường nói, “vạn sự khởi đầu nan”. Quá trình triển khai những điểm cơ bản ấy vào thực tế, trong 12 tháng đầu tiên trước mắt sẽ còn là cả một hành trình chông gai. Thỏa thuận Pa-ri này chưa đưa ra các chế tài dành cho những nước không hoàn thành trách nhiệm của mình, để những lần “giải ngân” phục vụ lợi ích chung luôn luôn có thể diễn ra chóng vánh.

2 Tương tự, từ góc độ mang màu sắc tiền bạc ấy, việc xử lý cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu trong năm mới cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Nói một cách ngắn gọn, sau cảm giác lay động bao trùm xuất phát từ tấm ảnh cậu bé tị nạn người Xy-ri (Syria) yên nghỉ bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ để mở rộng vòng tay, cựu lục địa đã nhanh chóng cảm nhận được những bức bách hiện thực, để trở nên lý tính hơn.

Rất nhiều quốc gia còn chưa đủ tiềm lực kinh tế để chu toàn cho chính công dân của họ, huống chi là lo cho hàng triệu người phiêu dạt. Vì không muốn bị chất thêm gánh nặng, đến nước Anh thịnh vượng còn nghiêm túc cân nhắc chuyện rời Liên hiệp châu Âu (EU). Trong khi đó, hàng loạt quốc gia lên tiếng phản đối hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người tị nạn. Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong năm mới, sẽ còn tiếp tục phải “đau đầu” với việc tìm kiếm những giải pháp dễ chấp nhận hơn cho vấn đề này, thay vì dồn ép các thành viên của mình.

“Có thực mới vực được đạo”, mệnh đề này cũng sẽ còn được khẳng định trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tại LHQ, các cường quốc đã thống nhất đẩy mạnh việc chặn những nguồn cung tài chính cho tổ chức khủng bố tàn bạo ấy. Song, ngổn ngang trên thực địa, những thông tin về các điểm đến “nhạy cảm” của dòng dầu lậu mà IS kiểm soát đang khiến các mối liên kết quốc tế rất khó trở nên bền chặt.

Có quá nhiều thứ lợi ích chồng chéo và phức tạp ở khu vực này đang trở nên bức thiết hơn cả IS, đối với các trung tâm quyền lực. Nhưng, gắn liền với ảnh hưởng chính trị vẫn luôn là lợi ích kinh tế. Đơn cử, vị thế của I-ran (Iran) đang lên, sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1. Trong tương lai gần, nếu được dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, I-ran sẽ gia nhập “câu lạc bộ các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ”, tức là thêm một nguồn cung lớn đầy sức tác động đổ vào thị trường thế giới. Giá dầu đang xuống gần đáy, mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhất quyết không hạ sản lượng (trùng khớp với những tính toán trong việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ).

Triển vọng dầu tăng giá (đồng nghĩa với việc gia tăng động lực phát triển cho kinh tế toàn cầu vẫn còn đang tương đối trì trệ) là không mấy sáng sủa. I-ran dĩ nhiên không muốn mọi chuyện diễn ra như thế, và đồng minh chủ chốt của họ là Nga cũng vậy. Họ sẽ trấn áp IS mạnh tay hơn nữa trên thực địa, ngõ hầu kiểm soát càng nhiều giếng dầu càng tốt, để bảo vệ các ưu thế của mình.

Nhưng, phương Tây có lẽ đang chờ đợi một viễn cảnh khác. Mỹ vẫn âm thầm triển khai các dự án dầu đá phiến. EU gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm sáu tháng. Sức ép kinh tế vẫn đã, đang và sẽ còn được sử dụng như một vũ khí lợi hại, nhằm tạo nên khốn quẫn, lụn bại và bất ổn, đặc biệt là trước những dấu hiệu rõ ràng về mong muốn sắp xếp lại trật tự thế giới, của những “người khổng lồ vừa thức giấc”.

3 Nhưng, ngược dòng lịch sử, loài người sẽ không thể phát triển được đến mức này, nếu chỉ xoay quanh những tranh chấp về lợi ích. Vượt trên mọi khác biệt, tiếng nói của lương tri vẫn luôn mang tính quyết định, nhất là trong những khoảnh khắc “sinh tử”.

Hãy nhìn cách tạp chí Thời đại (TIME) bầu Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) là “Nhân vật của năm 2015”. Dù vấp phải rất nhiều trở lực ngay trong liên minh cầm quyền của mình ở Đức, dù mang rất nhiều cảm tính, quyết định mở rộng vòng tay đón những người tị nạn của bà vẫn nhận được sự đồng cảm của triệu triệu trái tim trên khắp thế giới. Đôi khi, điều đúng đắn lại không xuất phát từ trí não, với những logic cứng nhắc.

A.Méc-ken, thông qua quyết định của mình, đã nhắc nhở châu Âu về những giá trị cổ điển, để nhìn nhận nghiêm túc về nguồn gốc của dòng người tị nạn. Đó là chiến tranh, là tang tóc, là đói nghèo… ở những khu vực rất xa cựu lục địa, mà Xy-ri là dẫn chứng rõ ràng nhất. Tiến trình hòa đàm cho Xy-ri đang được thúc đẩy theo những chiều hướng mới, khi phương Tây nhận ra điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến họ như thế nào. Rất đáng để hy vọng, rằng châu Âu sẽ hợp tác với Nga chặt chẽ hơn, trong việc làm dịu và dập tắt “lò lửa” này, ngay từ đầu năm 2016.

Cũng chính là trên đôi cánh của lương tri, thế giới xích lại gần nhau hơn, để đối mặt với chủ nghĩa khủng bố. Tiếng bom ở Pa-ri đêm 13-11-2015 là lời tuyên chiến với mọi giá trị văn minh, đủ để tất cả mọi quốc gia phải hành động. IS đang chuyển sang một giai đoạn “biến hình” mới, với những chiếc vòi bạch tuộc vươn khắp mọi cộng đồng, với việc dịch chuyển hình thái từ công khai “diễu võ giương oai” sang “những con sói đơn độc”. Chúng chỉ có thể bị đẩy lùi, dồn ép, truy đuổi và tận diệt, khi những mành lưới được giăng khắp thế giới.

Và hơn cả khủng bố, biến đổi khí hậu bộc lộ rõ nhất nhu cầu gắn bó của nhân loại. Dù muốn dù không, một cam kết toàn cầu cũng đã được hình thành, để tác động đến đường hướng, chiến lược của bất cứ cường quốc nào. Có mâu thuẫn, có bất đồng, có tranh cãi, nhưng cuối cùng, COP 21 cũng đã thiết lập được một tuyên ngôn hành động cần thiết, để bảo đảm một lộ trình cần thiết cho chiến dịch cứu thế giới.

Đầu tiên, phải có một sự thức tỉnh rộng lớn như thế đã! Ngay cả việc nước Pháp, dù còn đang chấn động trong dư âm của loạt vụ tiến công khủng bố, vẫn hoàn tất trọn vẹn vai trò chủ nhà, cũng đã là một “hồi kèn xung trận” đầy thúc giục rồi…

Vượt trên mọi khác biệt, tiếng nói của lương tri vẫn luôn mang tính quyết định cho sự phát triển của nhân loại.