Xuất phát từ ghế khách mời...
TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ 21, gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như: Hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Đây có thể nói là hiệp định có độ cam kết chặt chẽ và tầm ảnh hưởng cao nhất thế giới, xứng đáng là văn kiện của thế kỷ mới.
Khởi đầu, TPP có bốn nước Australia, Brunei, Chile và New Zealand tham gia, vì vậy được gọi tắt là Hiệp định P4. Ngày 22-9-2008, Mỹ tuyên bố tham gia nhưng không phải với Hiệp định P4 mà các bên sẽ đàm phán TPP, một hiệp định hoàn toàn mới...
Việt Nam đã được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu với tư cách thành viên liên kết. Sau ba phiên tham dự đàm phán, Việt Nam chính thức tham gia TPP từ tháng 11-2010.
Với tiêu chuẩn cao, vượt trội so các FTA truyền thống cả về phạm vi và chiều sâu cam kết, TPP đưa tự do thương mại lên cấp độ cao hơn, giảm thuế sâu hơn, bao quát trên diện rộng hơn, không chỉ dừng lại ở cắt giảm thuế mà còn bảo đảm hạn chế thấp nhất các hàng rào phi thuế, xây dựng luật chơi cho các vấn đề nhạy cảm thường bị bế tắc trong các khuôn khổ liên kết kinh tế toàn cầu khác (điển hình là WTO) như: nông nghiệp; dịch vụ; sở hữu trí tuệ... đồng thời xác lập khuôn khổ cho các vấn đề mới như lao động, DNNN, mua sắm chính phủ...
Theo nhận định của Giáo sư Peter A.Petri, Trường đại học Brandeis (Mỹ), TPP sẽ thúc đẩy thu nhập toàn cầu tăng thêm 0,7% (tương đương 223,4 tỷ USD), xuất khẩu (XK) tăng 4,6% (tương đương 305 tỷ USD), nhập khẩu tăng 315 tỷ USD (4,2%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 255 tỷ USD (2,5%). Tác động chuyển hướng thương mại 67 tỷ USD trong 290 tỷ USD lợi tức (23%)...
Nỗ lực khẳng định vị thế
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm các rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng như của Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, hội nhập vừa qua cho thấy mặt thuận lợi là mặt cơ bản, chủ yếu; những rủi ro và thách thức là có thể kiểm soát được.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, tham gia TPP, đương nhiên, có những tiêu chuẩn cao mà Việt Nam và các nước có trình độ phát triển thấp cần thêm thời gian để nâng cao năng lực, sửa đổi pháp luật, thủ tục, quy trình, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Đối với những vấn đề này, Việt Nam sẽ được áp dụng những thời gian chuyển đổi thích hợp để bảo đảm đến một thời điểm nào đó, chúng ta có thể sẵn sàng thực thi, áp dụng những tiêu chuẩn ngang bằng các nước trong TPP. Chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đang hướng tới một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch, dễ dự đoán, phù hợp các nguyên tắc cơ bản của tất cả các hiệp định quốc tế, nên việc Việt Nam tham gia TPP là hoàn toàn phù hợp nguyên tắc và định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước. Việc tham gia TPP với các tiêu chuẩn cao cũng giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng lại các thực thể kinh tế, đẩy mạnh cơ chế kinh tế theo định hướng thị trường, cơ cấu lại DNNN.
Nhớ lại vòng đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ), Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, các Bộ trưởng gặp nhau ở Atlanta để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị các Bộ trưởng TPP ở Hawaii vào tháng 7-2015. Trong những ngày đàm phán vòng cuối cùng này, Đoàn Việt Nam đã nỗ lực cùng tất cả các nước tìm được tiếng nói chung về vấn đề đa phương. Đó là đóng góp to lớn của Đoàn đàm phán Việt Nam. Trong những ngày này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã có các cuộc gặp rất quan trọng với các Bộ trưởng Mỹ, Mexico, Đại diện Thương mại Mỹ M.Froma. Qua đó, phía Việt Nam đã cùng các đối tác xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó chúng ta mới có thể đàm phán ở phía dưới được. Và đến 3 giờ 20 phút ngày 5-10 (giờ Hà Nội), cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Mỹ và Nhật Bản kết thúc, TPP kết thúc đàm phán toàn diện.
Chủ động tham gia “cuộc chơi” chung
Với các kết quả đàm phán đã đạt được, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia, đồng thời kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường...
Cụ thể, đối với Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và XK tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. XK sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ có tác động mạnh đến các tiến trình liên kết thương mại khu vực và toàn cầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quan hệ Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại - Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)... Đặc biệt, khi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú huých” lớn.
Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn FDI. Ngoài ra, các DN cung cấp dịch vụ cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn. Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Về thể chế, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Đình Cung nhận xét, trong cả 30 chương nội dung, TPP không hề có yêu cầu cụ thể nào bắt buộc cơ quan quản lý cũng như DN phải thay đổi về điều này điều nọ. Song, TPP tạo ra một “cuộc chơi” khắt khe, lành mạnh hơn và có khả năng đào thải nhanh hơn. Trong “cuộc chơi” này, kẻ được - người mất chỉ có tính tương đối. Ai chủ động tìm hiểu luật chơi, mạnh dạn cải cách để chuẩn bị thích nghi với môi trường mới thì có thể biến thiệt thành lợi, chuyển bại thành thắng.
Việt Nam đang thương lượng và ký kết các FTA với 55 quốc gia và các đối tác chính trên thế giới. Theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, với chính sách chủ động và tích cực hội nhập, Việt Nam không chỉ tham gia “cuộc chơi” chung toàn cầu, mà còn có những sáng kiến để chủ động góp vào luật chơi chung. “Với việc tham gia TPP, đây không phải là lần đầu chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, tôi tin là Việt Nam đủ tự tin và vững vàng trong hội nhập”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.