Dồn sức nâng cao năng lực cạnh tranh

|

Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành điện cũng đứng trước sức ép kép. Một mặt vừa phải lo cung ứng đủ điện cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, mặt khác, phải tự nâng tầm để phát triển tương thích với yêu cầu của khu vực ASEAN. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành chia sẻ về tầm nhìn trong phát triển một ngành mũi nhọn của nền kinh tế.

- Cả năm trời ngược xuôi từ bắc chí nam, đồng chí có thể nói gì về một giai đoạn “nóng” của ngành điện?

- Đúng là EVN luôn phải đối diện với những vấn đề nóng, từ chuyện giá điện, đến quy hoạch làm sao có đủ nguồn trước đòi hỏi của thực tế, từ việc phát triển mạng lưới điện sâu rộng, cho đến quản lý mạng lưới tối ưu, giảm được tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ... Nhìn lại, có lẽ chưa năm nào, ngành điện hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ như năm 2015: Bổ sung cho nguồn điện quốc gia 3.314 MW; hoàn thành 231 công trình phát triển đường dây và trạm, trong đó đưa vào vận hành 2.970 km và hơn 12.800 MVA dung lượng các biến áp. Đằng sau những con số tưởng như vô hồn ấy là cả một nỗ lực lớn của tập thể ngành điện vì mục tiêu bảo đảm chất lượng điện an toàn, hiệu quả ở mức cao nhất có thể.

Trong niềm vui hoàn thành kế hoạch, có cả những cảm xúc dâng trào khi điện đã đến được những vùng xa, vùng sâu như xã miền tây Nghệ An, hay các xã thuộc vùng miền núi cao Sơn La.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được sử dụng điện đạt gần 96%; đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã có thêm xấp xỉ 100 nghìn hộ dùng điện lưới quốc gia...

Xác định điện khí hóa nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, đóng góp hiệu quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng như Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, EVN đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về điện nông thôn mà Đại hội X của Đảng đề ra: Cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã được nối lưới quốc gia với 98,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia... Những nỗ lực này đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Thực tiễn cho thấy không có doanh nghiệp nào khác có thể đảm nhận được vai trò của EVN trong công cuộc điện khí hóa nông thôn ở nước ta.

- Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao chất lượng dịch vụ là yêu cầu sống còn. Làm sao để có thể biến những chuyển đổi về nhận thức, cung cách phục vụ của một doanh nghiệp vốn giữ lợi thế độc quyền tự nhiên, thành hành động cụ thể, thưa đồng chí?

- Những năm gần đây, EVN xác định rõ phương châm “khách hàng là sự tồn tại của ngành điện”, công tác dịch vụ chăm sóc khách hàng luôn được chú trọng và liên tục được cải tiến, hoàn thiện, song hành cùng với sự phát triển của hệ thống điện, mạng lưới cung cấp điện và mô hình quản lý của Tập đoàn... Qua đó, số khách hàng mua điện trực tiếp tăng từ 1,9 triệu ở thời điểm mới thành lập lên 23,7 triệu khách hàng năm 2015. Có thể nói, công tác dịch vụ khách hàng trong toàn hệ thống đã có bước tiến dài cả về lượng và chất, đáp ứng cơ bản các nhu cầu dịch vụ điện ngày càng cao của khách hàng như: Rút ngắn thời gian cấp điện mới xuống dưới 10 ngày, xử lý sự cố dưới hai giờ; Khách hàng có thể giao dịch các dịch vụ điện theo nhiều kênh khác nhau (đăng ký mua điện và tra cứu thông tin qua in-tơ-nét, thanh toán điện tử, nhắn tin SMS, hóa đơn điện tử...); Thực hiện cơ chế “Một cửa” trong giao dịch để khách hàng dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát các dịch vụ về điện... Đối với khách hàng lớn là doanh nghiệp nhà đầu tư, chúng tôi đã rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng từ hơn 150 ngày xuống dưới 10 ngày. Chiến lược từng bước xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với khách hàng được lan tỏa đến từng cán bộ, nhân viên của ngành.

- Điều gì đồng chí cảm thấy tâm đắc nhất trong năm 2015?

- Đó là sự lớn mạnh và lan tỏa của các phong trào thi đua trong toàn ngành. Từ phong trào thi đua „“Ngành điện làm theo lời Bác”, nhiều điển hình tiên tiến đã được nhân rộng... Là sự chuyển động từ các Tổng công ty Điện lực chú trọng vào việc thành lập Trung tâm chăm sóc khách hàng để lắng nghe, chia sẻ và giải quyết các yêu cầu của khách hàng nhanh nhất. “Tháng hành động tri ân khách hàng” được ngành điện lực cả nước thực hiện, đã tạo nên hình ảnh đẹp về mối quan hệ giữa cán bộ của ngành và người dân. Tôi rất mong hình ảnh đẹp của những người cán bộ điện đến tận nhà dân giúp bảo trì, sửa chữa, lắng nghe dân..., sẽ trở nên thường nhật. Họ chính là những sứ giả bồi đắp tính nhân văn trong mối quan hệ tương tác giữa ngành điện và khách hàng.

- Năm 2016 đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của đất nước. Ngành điện sẽ làm gì để góp phần vào việc đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong phát triển của sân chơi chung ASEAN?

- EVN xác định, năm 2016 sẽ là năm “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”. Đây là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Điều quan trọng nữa, chính là cụ thể hóa chiến lược đưa EVN lọt vào top 4 của các tập đoàn ngành điện trong khu vực ASEAN. Đó là tâm huyết, trăn trở không chỉ của cá nhân tôi. Ngành điện ngày nay phát triển dựa vào sự kế thừa của quá trình hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, tôi tin, chỉ cần mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, chúng ta sẽ có những tập thể mạnh và lớn hơn là sự phát triển theo kịp yêu cầu thời đại của cả ngành điện.

- Xin cảm ơn đồng chí!