Gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân

|

Năm 2015, đất nước ta chào đón nhiều lễ kỷ niệm lớn: 85 năm thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2015 cũng là năm tiến hành Ðại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội toàn quốc Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Những ngày này, chúng ta càng ý thức một cách sâu sắc về vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh trong thời đại ngày nay, sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Mỗi bước đi lên, mỗi thắng lợi mà nhân dân ta đã đạt được luôn gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những thành tựu của chặng đường cách mạng vẻ vang 85 mùa xuân chứng tỏ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta là kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đây cũng là sự lựa chọn của nhân dân ta, dân tộc ta. Ðảng ta đã và đang làm tròn sứ mệnh vẻ vang đối với giai cấp và dân tộc. Tuy nhiên, những thành công này không thể tách rời sự đồng lòng nhất trí của toàn dân tộc.

Vai trò của nhân dân đã được khẳng định trong cả ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khi nào lòng dân cùng hướng về một mối thì sự nghiệp cách mạng bao giờ cũng thành công. Ðể có được sự đồng lòng của nhân dân thì sự nghiệp đó phải là sự nghiệp cách mạng chân chính, luôn xuất phát từ nguyên tắc: Vì nhân dân, vì lợi ích của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh" (1). Vai trò của nhân dân được Người nhắc đến nhiều lần: "Nước lấy dân làm gốc"; "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(2)... Người khẳng định: Ðảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Ðảng thì lấy ai dẫn đường? Hai điều đó như hai tiền đề bảo đảm để có được các điều kiện khác, và nhờ đó cách mạng thắng lợi. Lúc nào, ở đâu hai điều kiện tiên quyết đó bị suy giảm, bị tách rời, hoặc thực hiện nửa vời thì lúc đó, nơi đó nhất định phong trào cách mạng gặp khó khăn, thậm chí thất bại.

Từ việc thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Ðảng phải coi việc vận động, thuyết phục, chinh phục quần chúng nhân dân là công việc thường xuyên, liên tục, coi việc huy động được sức mạnh của toàn dân là cơ sở, là điều kiện quyết định để Ðảng tồn tại và phát huy sức mạnh của Ðảng, nhất là khi Ðảng còn hoạt động bí mật, chưa giành được chính quyền. Việc thật sự gắn bó máu thịt giữa Ðảng và Dân luôn là tư tưởng chỉ đạo và hành động nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay cả khi Ðảng đã có chính quyền thì điều này vẫn không hề suy giảm.

Tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ II (1951) tổ chức tại Tuyên Quang, Ðại hội đầu tiên kể từ khi Ðảng giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ðường lối đoàn kết toàn dân, kháng chiến trường kỳ giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng đắn". Trong Lời kết thúc buổi ra mắt Ðảng Lao động Việt Nam (3-3-1951), Người nói: "Ðảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Ðảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân" (3).

Sau thành công của Ðại hội II năm 1951, Ðảng đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến trường kỳ gian khổ và anh dũng, đưa đến thắng lợi vang dội của chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954. Sau đó, toàn Ðảng, toàn dân bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam thống nhất nước nhà.

Ðại hội Ðại biểu toàn quốc của Ðảng lần thứ III (1960) khẳng định: "Ðường lối của Ðảng là đúng đắn, sự lãnh đạo của Ðảng là vững vàng... Ðảng ta xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân ta từ Bắc đến Nam" (4). Ðồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Ðảng ta. Ðó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước... Thành công của Ðảng ta là ở nơi Ðảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin"(5).

Miền bắc tập trung phát triển từ một nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu sau những năm dài của chiến tranh để tiến lên chủ nghĩa xã hội, thật sự trở thành hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam. Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng sự hỗ trợ to lớn của hậu phương miền bắc, nhân dân ta ở miền nam đã giành được những thắng lợi vang dội trong cuộc đấu tranh kết hợp chính trị với vũ trang. Những thắng lợi vĩ đại trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sáng tạo của Ðảng ta, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; coi trọng sức mạnh của toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong công cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua, Ðảng ta luôn coi trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Cùng với việc bảo đảm đường lối chính trị đúng đắn, Ðảng luôn theo sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời tổng kết, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm để tự bồi dưỡng, rèn luyện, nhằm nâng cao năng lực, trình độ của các tổ chức Ðảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ðồng thời, để phát huy được sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, dù ở giai đoạn nào, Ðảng hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng. Không phải tự nhiên mà tại Lớp cán bộ cấp huyện miền bắc ngày 18-11-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu ca dao của đồng bào Quảng Bình:

"Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Ðây là một lời tổng kết có ý nghĩa to lớn. Rõ ràng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta phát triển thắng lợi, đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử đến ngày nay chính là nhờ vào sự gặp nhau giữa "Ý Ðảng" và "Lòng dân". Ý Ðảng bắt nguồn từ lòng dân và chính lòng dân đã kết thành ý Ðảng. Từ đó, mọi tổ chức, đoàn thể, mọi cá nhân, tập thể đều dốc lòng, dốc sức để cho ý tưởng, đường lối đó trở thành hiện thực.

Mùa xuân Ất Mùi đang đến. 46 mùa xuân chúng ta vắng Bác, song trong mỗi người, mỗi nhà, Bác vẫn như đang hiển hiện cùng ta trong sự nghiệp đổi mới. Bác sống trong tâm linh, trong tình cảm ngưỡng mộ và trong mỗi việc làm của ta. Nếu mỗi ngày chúng ta làm theo lời Bác, luôn tự sửa mình, nếu mỗi cán bộ, công chức, đảng viên coi việc gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân là thước đo phẩm giá và năng lực thì chắc chắn mỗi ngày dân thêm tin, thêm yêu Ðảng nhiều hơn.

46 mùa xuân chúng ta vắng Bác, song trong mỗi người, mỗi nhà, Bác vẫn như đang hiển hiện cùng ta trong sự nghiệp đổi mới.

..........................................................

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, H. 2011, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 21.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 276.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, H. 2011, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 50.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, H. 2011, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 672.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, H. 2011, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 672.