Chờ cơ chế xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

|

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT công bố hồi tháng 7-2023, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn lực xã hội hóa là con đường duy nhất để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện hạ tầng hàng không. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản, do đặc thù của lĩnh vực liên quan tới an toàn, an ninh quốc gia và sự phức tạp của các cơ chế chính sách hiện hành.

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay được bắt đầu nghiên cứu thực hiện từ năm 2013. Đã có nhiều diễn đàn, cuộc họp được tổ chức và nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT về vấn đề này, nhưng đến nay, cả nước cũng mới chỉ có một sân bay được xây dựng theo hình thức xã hội hóa là sân bay Vân Đồn, cùng 2 dự án nhà ga được xã hội hóa tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay quốc tế Cam Ranh. Sự thành công của các dự án được xã hội hóa này đã mang tới động lực cho các địa phương và nhà đầu tư. Hàng loạt địa phương đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến độ nâng cấp, xây dựng các sân bay: Vinh (Nghệ An), Phù Cát (Bình Định), Thành Sơn (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị (Quảng Trị), Sa Pa (Lào Cai)…

Thông tin từ các địa phương cho biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các dự án đầu tư hạ tầng cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn vẫn là các thủ tục, hành lang pháp lý để triển khai. Một số nhà đầu tư thậm chí còn chưa biết bắt đầu từ đâu, hướng đi ra sao. Khi phải đối diện với một “rừng” thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, không ít nhà đầu tư đã nản lòng từ bỏ ý định. Đó là chưa kể đối với các sân bay hiện hữu đang được Nhà nước giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư còn phức tạp hơn, do những vướng mắc về đất đai; hạ tầng khu bay; xử lý tài sản của ACV…

Đó là lý do mà các địa phương, các nhà doanh nghiệp đang rất chờ đợi đề án “Định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng cảng hàng không sân bay” do Bộ GTVT chủ trì thực hiện. Xác định xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay là vấn đề quan trọng, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ GTVT phải nghiên cứu, tiếp tục hoàn chỉnh đề án. Theo yêu cầu của Chính phủ, đề án phải tạo cơ sở xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ cho các hoạt động đầu tư; cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về nhượng quyền đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Với các cảng hàng không mới, cần huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công- tư); mạnh dạn giao các địa phương huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

Hiện sản lượng hàng không của Việt Nam khoảng 100 triệu khách/năm. Theo quy hoạch vừa công bố, đến năm 2030 con số này sẽ là 279,5 triệu khách/năm, gấp hơn 2,7 lần. Với tốc độ đầu tư hiện nay, lo ngại rằng trong vài năm tới, khi kinh tế toàn cầu phục hồi, chúng ta rất có thể lại bị chậm nhịp. Tình trạng quá tải tại các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng hay sự thiếu hụt cảng hàng không, sân bay ở nhiều địa phương đều gây những ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống người dân, với sự phát triển của các địa phương và cả nền kinh tế. Vì lẽ đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan không thể chậm trễ việc hoàn thiện đề án nêu trên.