Thành công nhân đôi
Từ năm 2008, do tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước, kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố bất ổn, thị trường bất động sản, chứng khoán sụt giảm mạnh, trầm lắng kéo dài. Trong bối cảnh đó, hệ thống các TCTD ở thời điểm cuối năm 2011 hết sức khó khăn, thanh khoản căng thẳng.
Sau gần bốn năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, với sự nỗ lực của toàn ngành ngân hàng và hệ thống chính trị, kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình. Có những con số mà tự nó đã nói lên tất cả. Đơn cử: 19 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thông qua sáp nhập, hợp nhất, rút giấy phép, giải thể; tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 11-2015 chỉ còn khoảng 2,72% (tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9-2012 là 17,2%); mặt bằng lãi suất cho vay đã được đưa từ hơn 20%/năm về mức 7-9%/năm; thị trường vàng được sắp xếp lại và ổn định. Tỷ giá ổn định, dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông trở lại, tín dụng ngân hàng được phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng và phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia bền vững.
Kết quả cơ cấu lại các TCTD còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư. Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, nhìn lại, toàn bộ quá trình tái cơ cấu ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, định hướng, lộ trình được nêu tại Đề án 254.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, chúng ta có thể vững tâm và hơn 90 triệu người dân cũng có thể vững tâm về một hệ thống ngân hàng đã an toàn hơn. Hay nói như TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, thì đó là “thành công nhân đôi”.
Nợ xấu đang tan dần
Cùng trong nỗ lực tái cơ cấu, đến nay ngành ngân hàng đã xử lý được khoảng 463 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương khoảng 99,6% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012; đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 17,2% tổng dư nợ vào tháng 9-2012 giảm về còn 2,72% tổng dư nợ (tính tới cuối tháng 11-2015), tức là tỷ trọng nợ xấu đã thu nhỏ gần sáu lần và khoảng 99,6% nợ xấu ước tính tại thời điểm cuối tháng 9-2012 đã được xử lý.
Với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I-2015 không còn tồn tại hai số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN) và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn. Cùng với việc tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, kết quả xử lý nợ xấu đạt được đã góp phần quan trọng cải thiện thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng khả năng tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng cải thiện thanh khoản, giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống ngân hàng ở giai đoạn tiếp theo. Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được tiến hành với chi phí thấp nhất. Mọi nỗ lực và giải pháp tái cơ cấu các TCTD được triển khai đến nay, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp can thiệp hay mua lại ngân hàng yếu kém được thực hiện đúng pháp luật không nằm ngoài mục tiêu bảo vệ tốt nhất tiền, tài sản của Nhà nước, nhân dân và bảo đảm sự an toàn của hệ thống.
Như trên đã phân tích, kết quả cơ cấu lại các TCTD còn có tác dụng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Nó cũng lý giải vì sao các tổ chức tài chính, xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thực hiện cơ cấu lại các TCTD của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua.
Diện mạo mới của hệ thống ngân hàng
|