Tết đến rồi, về quê thôi!

|

Bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn của năm cũ, cất bước quay về bên người thân, bè bạn để tận hưởng niềm vui đón năm mới là điều bất kỳ ai cũng muốn. Thế nhưng, có những lam lũ cuộc đời mà điều đơn giản ấy cũng thành khó khăn.

Ước vọng

Chợ đầu mối Long Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày cận Tết xe cộ vào ra tấp nập. Nằm sâu trong chợ là khu nhà lụp xụp của những người lao động nghèo. Con đường nhỏ dẫn vào xóm trọ đọng nước đen ngòm, đặc mùi tanh nồng, ít người qua lại. Cuối con đường là nơi ở của anh chị Hùng Lan (quê Thường Xuân, Thanh Hóa). Căn nhà rộng khoảng 8 m², chắp vá đủ loại đồ cũ mà anh lượm nhặt về. Nhếch nhác và tạm bợ. Chỉ vào tấm hình, anh cười: “Vợ đang bầu, sắp sinh rồi”. Hồi mới ra Hà Nội anh gặp chị khi bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Anh nói đùa: Về ở với anh nhé! Thế là chị theo anh về thật. Từ đó tới nay ngót nghét đã chục năm.

Nhớ về những cái Tết ở Hà Nội, anh kể, năm nào cũng thế, cứ đêm ba mươi là anh sang bên bờ Hồ Gươm bán bóng bay. Đêm Giao thừa người dân Thủ đô đổ về khu trung tâm thành phố khá đông. Bóng bay của anh vì thế cũng đắt hàng. Ở quê không có pháo hoa, nhưng ở Hà Nội anh được thấy tận mắt. Pháo hoa nổ lụp bụp trên trời, đủ hình thù rực rỡ. Trông thích mắt nhưng lòng anh không vui. Tiếng pháo gợi nỗi nhớ nhà. Anh như lạc lõng trong dòng người hân hoan trên phố vì không tìm thấy niềm vui ngày Tết ở nơi xa lạ. Có lẽ, sự cô đơn của anh cũng giống cảm giác trống trải của những người thân khi anh không kịp về đoàn viên. Nghe điện thoại của gia đình mà lòng dâng trào nỗi nhớ. “Xem pháo hoa mà lòng cứ nao nao, nhớ quê, thương mẹ già sức khỏe ngày càng yếu mà chưa thể về thăm”, anh nói. Hết pháo hoa, dòng người thưa dần, anh lặng lẽ trở về xóm trọ vắng ngắt, tối thui. Với anh, Tết chỉ có vậy.

Năm nay, anh khảng khái: “Nhất định sẽ về. Lâu quá rồi không biết mùi Tết ở quê. Về sửa lại cái mái bếp, thay lại mấy cái cửa sổ mục nát đã lâu”. Trông hoàn cảnh hiện tại của anh có vẻ hơi khó. Nhưng anh nói: Đã có sự chuẩn bị.

Để sắp xếp một chuyến cùng gia đình về quê dịp Tết, vợ chồng anh tằn tiện chắt bóp cả năm trời. Về quê nhiều khoản tốn kém, nào tiền đi lại, quà cáp, thăm hỏi trong khi cuộc sống hiện nay anh còn nhiều thứ phải lo toan khiến người đàn ông khắc khổ cứ bần thần, tính toán mãi. Với người bình thường, điều đó không có gì là quá khó khăn. Nhưng với anh, đó là cả một quá trình, khát vọng.

Trở về

Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một cách thưởng thức Tết riêng. Nhưng việc coi Tết như một nghĩa vụ và đưa ra lập luận rằng còn nhiều dịp để trở về trong năm là không thỏa lòng người. Thế nên, trải qua 12 tháng dài đằng đẵng, cứ đến gần cuối năm là những người con xa xứ lại đứng ngồi không yên. Sau 23 tháng Chạp (âm lịch), họ rục rịch chuẩn bị về quê với tâm thế nửa mừng, nửa lo bởi mỗi lần đi về là như một lần “hành xác”.

Những ngày cận Tết, chỉ cần đến bến xe, nhà ga thôi là sẽ thấy. Ở đó có những người lao động ngoại tỉnh, sinh viên, công nhân… mệt mỏi xếp hàng từ sáng sớm tới tận chiều tối mới có thể cầm được vài tấm vé về quê. Tình yêu quê hương khiến người ta không ngại xếp hàng, chen lấn đổ về quê để rồi vài ba ngày sau lại ùn ùn kéo lên thành phố tiếp tục lập nghiệp. Nhiều người lấy vợ, gả chồng khác vùng miền, mỗi năm nghĩ đến cảnh phải về tàu xe chật chội, lỉnh kỉnh đồ đạc mà ái ngại. Rồi sự khác biệt văn hóa cùng những phong tục, tập quán quê hương nhiều khi lấy lệ cho có khiến họ chẳng mấy háo hức mỗi khi phải về quê đón Tết.

Nhưng vượt trên tất cả, khi trong lòng còn những băn khoăn, trái tim vẫy gọi và người ta vẫn ý thức sâu sắc rằng đoàn tụ gia đình là điều thiêng liêng trong những ngày Tết thì ai cũng mong ngóng được trở về. Trở về để được sống lại trong cảm xúc của những ngày Tết đã xa. Trở về với những thân quen như hương thơm của lá mùi già phảng phất đâu đó trên con đường làng quen thuộc giữa hai hàng tre già nua.

Về quê ngày Tết để lòng mình thanh thản, để cảm nhận niềm vui trong ánh mắt, tiếng cười của người thân. Ở nơi đó được ôm mẹ gặp cha thêm một lần trong cuộc đời, và để được sống trong cái không khí tình làng, nghĩa xóm, gia đình thân thương… cùng những nhịp đập lặng lẽ khi mùa xuân về.