Mặc dù đã đưa ra nhiều cảnh báo, tuy nhiên số lượng sách giả, in ấn xuất bản trái phép vẫn tràn lan trên thị trường gây khó khăn và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong hai tháng vừa qua, các cơ quan chức năng tại các tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện ra quân rà soát và kiểm tra đối các nhà sách/hiệu sách tại một số địa phương để kiểm tra, phát hiện các đầu sách giáo khoa, sách tiếng Anh in ấn, xuất bản không rõ nguồn gốc, là sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng.
Theo báo cáo, tại Cà Mau, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm đầu sách bị làm giả bao gồm sách giáo khoa các cấp, sách tiếng Anh các khối lớp 4, 6,… Khi được hỏi đến, các nhà sách/đại lý trên địa bàn tỉnh Cà Mau không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Đoàn kiểm tra đột xuất Nhà sách giáo dục Onlygol - văn phòng Duy Ngân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương |
Ngày 25/7, Đội Quản lý thị trường số 5 chủ trì phối hợp với Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an tỉnh Bình Dương phát hiện có 20 loại sách với số lượng 3.447 quyển sách giáo khoa nghi vấn có dấu hiệu giả mạo sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Các tựa sách được làm giả phần lớn là sách giáo khoa, sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12, có giá trị ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Trong cùng ngày, Đội quản lý thị trường số 1 tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra ngẫu nhiên hai nhà sách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát hiện trên 4.100 tựa sách giáo khoa bị in ấn giả mạo và hàng trăm cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh trung học cơ sở bộ Global Success của NXB Giáo dục Việt Nam không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc theo quy định. Các đầu sách này khi kiểm tra tem nhãn, số sê-ri trên sách thì được thông báo không sử dụng được hoặc đã được kích hoạt.
Phần lớn sách in lậu, không rõ nguồn gốc tại Đồng Nai là sách giáo khoa, sách tiếng Anh dùng cho Chương trình mới |
Hàng nghìn tựa sách giáo khoa, sách tiếng Anh bị làm giả, in lậu, không có giấy tờ theo quy định |
Đội Quản lý thị trường số 1 địa bàn tỉnh Đồng Nai tiến hành lập thủ tục tạm giữ toàn bộ số lượng sách không rõ nguồn gốc để tiếp tục xác minh và làm rõ. |
Có thể nói, thị trường sách giáo khoa ngày càng trở nên tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm khi sách giáo khoa giả, sách in lậu được trà trộn và bày bán tràn lan trên thị trường. Đầu năm 2023 trở lại đây, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết đã phát hiện hàng trăm nghìn đầu sách giáo khoa giả, bị in lậu với tổng chi phí lên đến hàng tỉ đồng tại nhiều khu vực trên địa bàn phía Nam.
Cũng theo NXB Giáo dục Việt Nam, từ tháng 6 trở lại đây đã tiếp nhận nhiều thông tin và phản ánh từ người tiêu dùng (phụ huynh/học sinh/giáo viên) về việc mua nhầm sách giả/sách in lậu dẫn đến hậu quả không kích hoạt được sách điện tử.
Sách giả, sách in lậu đã tồn tại từ lâu tuy nhiên việc cảnh báo, nhận biết cho người tiêu dùng còn nhiều khó khăn bởi thói quen mua sắm cũng như hình thức của sách giả còn tinh vi và thay đổi theo thời gian.
Theo Nhà xuất bản, để giảm thiểu tối đa tình trạng mua phải sách giả, sách in lậu, sách kém chất lượng, phụ huynh/học sinh trên địa bàn tỉnh/thành phố nên tham khảo đặt mua sách tại trường học - cơ sở giáo dục mà con em đang theo học hoặc lựa chọn các đơn vị phát hành sách giáo khoa trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục, Công ty Sách-Thiết bị trường học tại địa phương và Hệ thống nhà sách FAHASA trên toàn quốc.'
Mỗi cuốn sách của NXB Giáo dục Việt Nam sẽ được cấp 1 mã định danh riêng. Phụ huynh/học sinh cào nhẹ lớp nhũ bạc trên tem, quét mã QR để xác thực nguồn gốc sản phẩm trước khi sử dụng. |
Thực hiên theo đúng quy định của Nhà nước, để đảm bảo nguồn sách giáo khoa chất lượng cho các em học sinh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị ban ngành có liên quan, kiểm tra các mặt hàng sách giáo khoa, sách tiếng Anh, xuất bản phẩm,… từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn đối với các cơ sở kinh doanh buôn bán sách giáo khoa, xuất bản phẩm,… không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.