1 / Sự tưởng tượng ấy của tôi đúng là… “tưởng tượng” bởi sau khi quặt trái từ đường Hồ Chí Minh, chiếc ô-tô chạy êm trên con đường bê-tông rồi dừng nơi sân của trạm. Khi nghe tôi kể giữa ý nghĩ trên xe và thực tế, Tùng, nhân viên của trạm QC3 cứ mủm mỉm mủm mỉm đầy bí ẩn không nói gì cùng ánh nhìn là lạ… Mãi đến cuối chiều, khi gặp lại Tùng, tôi mới có điều kiện để hỏi về nụ cười bí ẩn kia và vỡ lẽ lý do. Hóa ra, cái sự “tưởng tượng” của tôi không hẳn là tưởng tượng.
“Chắc anh không nghĩ rằng, vùng này cách đây ba năm mới có điện lưới đúng không”. Không chờ tôi trả lời, Tùng tiếp, cả con đường nữa, trước kia, hồi những năm 2000 nó cũng không kém “tưởng tượng” của anh đâu, thậm chí còn hơn nữa kia. Thế nhưng... Và sau câu thế nhưng của mình, là những kỷ niệm về người chỉ huy trước đây của trạm: Đại đội trưởng đại đội Thông tin Nguyễn Văn Đông, mà theo Tùng, là người đã làm một “cuộc cách mạng” thay đổi cuộc sống của cái trạm nhỏ này cùng những người dân ở bản nghèo cạnh đơn vị bằng những việc làm cụ thể... Để giúp tôi tìm hiểu câu chuyện được rõ hơn, Tùng dẫn tôi đến gặp ông Bùi Xuân Thủy, một người dân ở trong thôn nghèo dưới chân núi này.
Ấp chén nước trà nóng trong lòng bàn tay cho đỡ lạnh, gương mặt già trước cái tuổi ngoài năm mươi của người đàn ông dân tộc Mường chợt giãn ra khi tôi nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Đông. Ông bảo, gia đình mình đã ba đời sống dưới chân núi này. Quãng thời gian những năm 2000, dân trong xóm vất vả lắm, nhà nào cũng chỉ tù mù ngọn đèn dầu, chưa tối đã tắt điện đi ngủ, rau cỏ cơ bản là kiếm trong núi chứ không có thói quen trồng để ăn, nên vào mùa đông tháng giá như thế này rất khan hiếm. Ngoài cấy lúa, dân trong xóm còn trồng mía để bán cho nhà máy đường, nhưng để mang ra lộ lớn (Quốc lộ 15 cũ, nay là đường Hồ Chí Minh) phải vất vả vô cùng. Con đường này, ông chỉ tay ra con đường bê-tông rộng rãi trước mặt, trước đây là đường đất bị ngăn cách với lộ lớn ngoài kia bởi một con suối nhỏ. Mỗi khi mưa xuống, con suối ấy nước dềnh lên rất nhanh, còn con đường thì nước trên núi xối xuống chảy ra dữ không kém gì ngoài suối. Tạnh mưa, chờ nước rút cũng phải một hai ngày. Hết nước thì sẽ đến lầy lội, bùn ngập đến lưng ống chân, vì nhiều người đi lại nên cứ nhuyễn lại bó lấy. Bình thường, đi lại, vận chuyển mía ra đã khó khăn, những khi mưa thì cực khổ trăm bề. Cũng may, sau đó bộ đội của trạm cùng dân trong thôn hoàn thành con đường cùng cây cầu bắc ngang qua suối thì mọi chuyện mới dễ dàng. Chia sẻ những kỷ niệm về Nguyễn Văn Đông, ông bảo bộ đội Đông rất tuyệt vời, biết chia ngọt sẻ bùi với bà con từ cái lớn như con đường đến cái nhỏ như manh quần tấm áo, rồi cấy lúa giúp dân... Thói quen trồng rau để ăn cũng học từ bộ đội của trạm đấy!
2 / Chia tay ông Thủy cùng anh em của trạm thông tin, tôi trở ra Bộ Tư lệnh Thông tin để gặp người Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đông ngày xưa, nay đã là Thượng tá, trợ lý tham mưu của Binh chủng Thông tin. Khi tôi nhắc lại chuyện ngày anh ở trạm Q3, anh bảo, đó là một trong những quãng vất vả nhưng vui của cuộc đời quân ngũ trên ba mươi năm của mình.
Nhập ngũ năm 1985, năm 2001 khi anh về trạm nhận công tác, thấy bà con ở cái xóm nhỏ Khe Ngang cùng bộ đội của trạm Q3 đi lại khổ quá. Để vào khu vực phía trong chỉ có mỗi cách duy nhất là đi bộ, xe ô-tô đến thu mua mía phải dừng tít ở ngoài quốc lộ 15, rồi bà con dùng đủ các hình thức từ vác, thồ, xe trâu... mang mía từ trên đồi ra tới bờ suối, sau đó vác qua bên kia để đưa lên xe ô-tô rất mất thời gian và công sức. Nhất là mỗi khi mưa xuống, gần như bó chân bó tay, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống.
Vậy là hạ quyết tâm. Sau khi kế hoạch của mình nhận được sự ủng hộ từ cấp trên, anh bắt tay luôn vào công việc. Bởi con đường trước không thẳng, đã làm là phải nắn lại và mở rộng, nên khi liên hệ với chính quyền xã, thôn, anh cũng đề cập luôn đến việc vận động bà con hiến đất để nắn, mở rộng đường, làm cầu qua suối. Công trình sẽ là sự kết hợp giữa nhân dân và bộ đội: Về kinh phí sẽ do bộ đội chịu trách nhiệm, còn nhân công sẽ kết hợp giữa bộ đội của trạm và toàn bộ bà con trong thôn. Khi biết bộ đội làm đường, bà con, kể cả những người hiến đất ai cũng hoan hỷ, gật đầu bởi công trình sẽ làm thay đổi cuộc sống của dân làng.
Ngày khởi công vui như hội. Bóng áo xanh bộ đội hòa trong sắc áo của đồng bào khi cùng khiêng những viên đá xanh, những ký đất tạo thành bức tranh về tình quân dân tuyệt đẹp. Sau gần chục ngày thi công, con đường bê-tông phẳng lỳ sáng bừng lên nơi thôn nghèo. Hôm liên hoan kết thúc công trình, gương mặt ai cũng rạng rỡ bởi từ đây, các cháu học sinh đến trường, các bà, các cô đi chợ không phải bì bõm lội trên con đường lầy mỗi khi mưa xuống. Xe ô-tô mua mía của bà con có thể chạy thẳng lên lưng đồi vào tận vườn, bà con chỉ việc khênh lên thẳng thùng xe, chứ không còn phải cực nhọc như trước. Sau khi con đường hoàn thành, đến cả tháng sau, chiều chiều vẫn có những người trong thôn ra vừa ngắm vừa tấm tắc: Bà con thật may mắn vì có bộ đội ở đây nên mới có con đường như thế này. Cũng vì lợi ích thiết thực của con đường nên bà con rất tự giác trong việc khai rãnh quét dọn đường hằng tuần hằng tháng.
“Mình sống với bà con bằng cái tâm thì khắc được bà con yêu quý, mà đã yêu quý rồi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, thì họ chẳng tiếc mình cái gì”. Anh trả lời ngay mà không cần suy nghĩ khi tôi muốn anh chia sẻ về kinh nghiệm làm công tác dân vận của mình. Anh bảo, quãng thời gian đó, những ngày lễ Tết các anh đều đến thăm các gia đình, vào năm học mới thì có tập vở, cây viết tặng các cháu. Hồi ấy, trạm có chăn nuôi dê, có đôi lần lỡ vào vườn bà con thì bà con chỉ nói nhẹ để lần sau bộ đội chú ý hơn. Dừa, các hoa quả trồng được, rồi ngô, khoai... thi thoảng bà con lại mang đến cho, có khi cả tải… Rồi những ngày lễ Tết, bà con làm cỗ, tranh nhau mời bộ đội đến vui cùng gia đình.
- Anh cho bà con trong thôn kéo nhờ điện, tốt cho bà con thì rõ rồi nhưng liệu có sai quy định của đơn vị không?
- Về điện, khi mình vào đó, trạm cũng chưa có, một thời gian sau mới kéo được. Thấy bên bộ đội thì sáng mà bà con vẫn phải chịu cảnh tối tăm, mình có đề nghị trên được chia sẻ và được cấp trên chấp nhận. Vậy là trên tinh thần chia sẻ, bà con trong thôn ai muốn kéo điện từ biến áp của trạm thì lắp công tơ rồi hằng tháng trả tiền điện theo giá quy định của điện lực. Bọn mình chỉ là trung gian để giúp bà con thôi. Nó hoàn toàn đúng quy định chứ không có gì sai cả.
“Hãy sống bằng cái tâm thì khắc được bà con yêu quý”. Chính điều tâm niệm đó đã giúp anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ dù vào công tác ở bất cứ địa bàn nào. Bây giờ dù không còn công tác ở đó, nhưng mỗi khi trở lại Khe Ngang, anh đều được bà con đón tiếp nồng nhiệt như người thân đi lâu ngày mới trở lại.