“Thong dong” tinh giản
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách bộ máy hành chính thời gian qua còn nhiều bất cập.
Theo đó, tổ chức bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Đặc biệt, công tác tinh giản biên chế chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhất là đối với các đơn vị SNCL… Báo cáo tổng hợp từ 28 Bộ, ngành và 57 địa phương cho thấy, năm 2011 cả nước có 54.448 đơn vị SNCL với số người làm việc là hơn 1,81 triệu người; năm 2016 giảm còn 53.914 đơn vị, tuy nhiên, số lượng người làm việc lại tăng lên hơn 1,97 triệu người. Tổng biên chế cả nước tính đến ngày 1-2-2017 là hơn 3,57 triệu người, (tăng hơn 10 nghìn người so năm 2015), tuy nhiên tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế là gần 5.000 người (tính đến ngày 15-3-2017). Lấy mốc biên chế được giao từ năm 2015 đến nay thì số lượng này không đạt yêu cầu đề ra (bình quân mỗi năm phải giảm 1,5% biên chế được giao).
Việc tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, theo Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng là do một số cơ quan có tình trạng chia tách, thành lập mới dẫn đến tăng biên chế. TS Nguyễn Mạnh Hải (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương) lưu ý, việc cắt giảm biên chế một cách cơ học mà không có phân loại, đánh giá khiến chủ trương tinh giản biên chế bị méo mó, nơi thừa, nơi thiếu nhân lực.
Giảm dần chi!
Cùng với tinh giản biên chế, việc sắp xếp lại hệ thống đơn vị SNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tuy nhiên, kết quả thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân được xác định là do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; trong khi việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu thống nhất, thay đổi thường xuyên khiến tổ chức bộ máy của các cơ quan, nhất là ở địa phương, thiếu tính ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.
Để nâng cao tính đổi mới, tự chủ của các đơn vị SNCL, TS Hoàng Thị Ngân (Văn phòng Chính phủ) đề xuất cần sớm bỏ hình thức cơ quan chủ quản đối với các đơn vị này; rà soát, sửa đổi các quy định, bảo đảm đơn vị sự nghiệp tự chủ được tự quyết định. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động trong thời gian xác định, giúp đơn vị SNCL dần thích ứng với cơ chế tự chủ, tiến tới chấm dứt cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách, các đơn vị tự bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp và các khoản thu khác…
Trước đó, làm việc với các bộ, ngành về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: chủ trương giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và cụ thể hóa hơn nữa. Quan điểm đổi mới hoạt động của đơn vị SNCL là phải theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của nhà nước, xóa bỏ tâm lý ỷ vào ngân sách. Tuy nhiên, “đổi mới, sắp xếp lại đơn vị SNCL không phải là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị mà là xóa bỏ bất cập, giảm lãng phí ngân sách, tinh giản biên chế với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng vụ công”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, tại 11 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt hơn 7.900 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.