Quan tâm nhà ở cho người lao động

|

Nhà ở xã hội hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của người dân. Nhưng hàng chục nghìn căn nhà tái định cư tại các vị trí “đất vàng” ở nhiều thành phố lớn đang bị bỏ hoang.

Mâu thuẫn trên không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn làm tổn hại ngân sách nhà nước. Đây đang là “bài toán nan giải” đối với các cơ quan quản lý. Trong khi vẫn chưa có giải pháp triệt để, tình hình càng lúc càng phức tạp.

Lãng phí khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang

Có khoảng 12.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những căn nhà tái định cư này vẫn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có gần 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống, chờ bố trí chỗ ở cho người dân bị giải tỏa tại các dự án. Các căn hộ này nằm tại 85 chung cư, cụm chung cư ở TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Trong đó, riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức có 3.790 căn hộ bỏ hoang dù đã hoàn thành từ năm 2015.

Tại Hà Nội, theo số liệu từ UBND thành phố, có khoảng 4.000 căn hộ chung cư tái định cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư dù có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Đáng nói, nhiều dự án nằm tại vị trí trung tâm cũng bị bỏ hoang nhiều năm. Đơn cử, dự án tái định cư N01-D17 Duy Tân (quận Quận Giấy) có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Dự án này nhằm phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục đã xuống cấp, bỏ hoang không được thi công.

Hay như 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5 với 150 căn hộ nằm trên khu “đất vàng” trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Công ty Handico 3) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.292 tỷ đồng, được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2001-2006 để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng. Song, kể từ khi hoàn thiện đến nay, các tòa nhà bị bỏ hoang, không có người đến ở.

Thực trạng trên cho thấy, đang có quá nhiều bất cập về vấn đề quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư ở các thành phố lớn. Những căn hộ bỏ hoang này gây lãng phí tài nguyên đất đai, lãng phí tiền của Nhà nước, nguồn lực xã hội và còn gây bức xúc trong dư luận.

Chuyển đổi hay cho thuê

Lý giải nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài vấn đề chất lượng kém thì phần lớn nhà tái định cư không có hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tốt, không đúng với nhu cầu nguyện vọng của người dân tái định cư.

Ngoài ra, muốn thu hút người dân đến ở thì việc bảo đảm an sinh xã hội cũng cần phải thực hiện tốt để người dân thấy được, cuộc sống ở nơi mới sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thực tế là cuộc sống của người dân ở nơi tái định cư gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình trước đây ở gần khu đông dân cư, họ có nơi làm việc, kinh doanh, buôn bán từ nhiều năm. Do đó mà khi tái định cư ở khu vực mới họ lo lắng vì không có kế sinh nhai.

Vậy lời giải nào cho nhà tái định cư? Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở giá thấp còn thiếu nên xem xét điều chỉnh nhà tái định cư cải tạo thành nhà ở xã hội, nhà thuê mua, nhà cho cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước hoặc nhà ở thương mại vừa túi tiền, bán cho người có nhu cầu để đưa nguồn cung này vào sử dụng.

Trong một diễn biến mới nhất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ký văn bản số 1786 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, đề nghị các địa phương tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại hoặc mục đích khác.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng hiện nay cho thấy nhà tái định cư có chất lượng rất kém, nhanh xuống cấp nên nhiều khu tái định cư xây dựng xong người dân không muốn vào ở, đưa vào làm thương mại cũng không đạt chất lượng.

Để giải quyết tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, căn hộ chưa giải quyết việc tái định cư vẫn thuộc bất động sản của Nhà nước nhưng để tránh lãng phí thì cho thuê là phù hợp, tiết kiệm nguồn lực.

Tuy nhiên, cho thuê thế nào để hợp lý, tránh tranh chấp khiếu kiện phức tạp. Đối với các căn hộ dôi dư nên chuyển sang nhà ở xã hội vì nhà ở xã hội đang rất thiếu. Về lâu dài, cần định hình, cải thiện chất lượng nhà tái định cư để người dân hưởng ứng.

Trong khi đó, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, những căn hộ bỏ hoang nên có cơ chế mở để cho thuê ngắn hạn, tạo nguồn thu. Việc cho thuê có kèm yêu cầu khi Nhà nước cần thì phải bàn giao lại. Với những căn hộ dôi dư, cần có chính sách bán đứt cho những người có nhu cầu vì thực tế hiện nay nhà ở vẫn đang là câu chuyện rất bức thiết.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, việc chuyển đổi những căn hộ tái định cư bỏ hoang thành NOXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân chưa có nhà là rất khó. Theo lý giải của Sở, bởi theo điểm c, khoản 1, Điều 84 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở chỉ quy định chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư thành NOXH trong giai đoạn triển khai dự án. Đến khi các công trình này đã xây xong, thì lại không có quy định nào cho phép chuyển đổi.

Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án nhà tái định cư đã nộp tiền thuê đất, nhưng nếu là NOXH sẽ không phải nộp số tiền này (miễn thuế). Song, các quy định pháp luật hiện hành lại không quy định cụ thể về việc hoàn trả số tiền này như thế nào.

Mới đây, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển NOXH, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang NOXH. Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ về nhà ở xã hội, đề xuất sớm trước ngày 30/6/2024.